Đã có sự thay đổi trong thái độ và ứng xử của EU đối với Trung Quốc. (Min hoạ: Euobserver) |
Dường như vị thế của Mỹ trên trường quốc tế đang có dấu hiệu suy giảm đặc biệt khi các nước Châu Âu ngày càng hướng về Trung Quốc. Sự thay đổi này thể hiện khá rõ trong một loạt các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy tình cảm của Châu Âu đối với Mỹ có xu hướng giảm nghiêm trọng trong đại dịch Covid-19.
Con số
Cụ thể, cuộc khảo sát tại Đức trong tuần này cho thấy 76% người Đức cho biết quan điểm của họ về Mỹ đã xấu đi vì đại dịch, so với 36% khi nói về Trung Quốc.
Tuy vậy, tỷ lệ người được hỏi về việc nên tiếp tục duy trì mối quan hệ hợp tác với Mỹ và Trung Quốc là giống nhau với lần lượt 37% và 36%; so với năm 2019, tỷ lệ này đối với Mỹ sụt giảm (50% năm 2019) còn đối với Trung Quốc tăng (24% năm 2019). Chỉ 10% cho rằng Mỹ vẫn là đối tác quan trọng nhất của Đức, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái (tỷ lệ coi Trung Quốc là đối tác quan trọng nhất cũng sụt giảm, từ 7% xuống 6%).
Cuộc thăm dò tại Anh cũng chứng kiến điều tương tự, khi 35% người được hỏi nói rằng Anh nên xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ hơn với Châu Âu trong khi chỉ 13% nói nên xây dựng với Mỹ. So với tháng 11/2019, tỷ lệ hướng tới Châu Âu của người dân Anh đã tăng thêm 6% bất chấp việc họ rời khỏi EU.
Hoài nghi
Những sự thay đổi nêu trên diễn ra trong bối cảnh toàn cầu đang hoài nghi về những can thiệp gần đây của Tổng thống Donald Trump về đại dịch Covid-19 như bình luận của ông Trump rằng chất khử trùng có thể được sử dụng để điều trị bệnh nhân Covid-19 gây ra sự hoài nghi và kinh hoàng trên diện rộng ở nhiều nước Châu Âu. “Trong hơn 2 thế kỷ, Mỹ đã khuấy động rất nhiều cảm xúc ở phần còn lại của thế giới: tình yêu và thù hận, sợ hãi và hy vọng, ghen tị và khinh miệt, kinh hoàng và giận dữ”, tờ Irish Times đã viết vào tháng 4/2020 để đáp lại những bình luận của ông Trump. “Nhưng có một cảm xúc chưa bao giờ được hướng tới Mỹ cho đến bây giờ: sự thương hại”.
Các thông tin cho rằng Tổng thống Trump đã cố gắng mua độc quyền đối với vaccine Covid-19 đang được phát triển ở Đức cũng gây ra sự tức giận trên toàn lục địa. Thái độ của ông Trump càng khẳng định những cảm xúc tiêu cực đã lan rộng ở Châu Âu đối với ông, như tại một cuộc khảo sát vào tuần trước cho thấy chỉ 2% người Pháp tin tưởng Tổng thống Trump có thể tiếp tục lãnh đạo thế giới.
Thái độ
Sự thay đổi nêu trên cũng cho thấy các chính phủ Châu Âu dường như ngày càng sẵn sàng bỏ ngoài tai các mối đe dọa của Tổng thống Trump về việc củng cố mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc. Một loạt các quốc gia Châu Âu đang hợp tác với tập đoàn viễn thông Huawei để phát triển mạng 5G của họ, bất chấp các mối đe dọa về một cuộc chiến thương mại mới ngày càng mạnh mẽ từ Nhà Trắng.
Tuy vậy, Châu Âu cũng không hoàn toàn hướng tất cả đến Trung Quốc khi Bắc Kinh đang gia tăng áp lực ngoại giao đối với Châu Âu, ngay cả khi điều này đi ngược lại mong muốn của Washington. EU gần đây đã loại bỏ những dính líu liên quan đến chiến lược “đánh lạc hướng toàn cầu” của Trung Quốc theo như thông tin chính thức được đưa ra.
Trung Quốc - Châu Âu, Trung Quốc - EU, châu Âu, |
Lựa chọn
Một báo cáo gần đây của ngân hàng đầu tư GP Bullhound cho thấy kể từ khi thị trường công nghệ Châu Âu mở cửa trở lại, Trung Quốc đã bắt kịp Mỹ về đầu tư vào các công ty công nghệ Châu Âu lần đầu tiên kể từ năm 2018. Đầu tư vào khoa học giải quyết khủng hoảng cũng được Trung Quốc ưu tiên thúc đẩy. Tờ Daily Mail của Anh đưa tin rằng tập đoàn Huawei đã đầu tư 5 triệu Bảng vào một trung tâm công nghệ mới tại Đại học Hoàng gia London. Khoản đầu tư này đã gây ra tranh cãi vì các nhà khoa học tại ngôi trường này là lực lượng chính trong việc tư vấn cho Chính phủ Anh đối phó với cuộc khủng hoảng Covid-19.
Điều rõ ràng là khi nền kinh tế toàn cầu đang tiến dần tới việc suy thoái sâu sắc, các chính phủ Châu Âu, các tổ chức cộng đồng và các doanh nghiệp đang ngày càng hướng về Trung Quốc để hỗ trợ và đầu tư. Và với dư luận về việc Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump đang xấu đi ở Châu Âu, sự trỗi dậy của Trung Quốc hoàn toàn có thể khiến Mỹ phải trả giá đắt.