Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khi đang thảo luận về xung đột Israel-Hamas đã phải xuống hầm trú ẩn khi báo động không kích vang lên ở Tel Aviv ngày 16/10. (Nguồn: AFP) |
Khẳng định cam kết với Israel
Mỹ đã triển khai tàu sân bay thứ hai tới Địa Trung Hải trước tình hình xung đột Hamas-Israel leo thang, người dân Gaza chạy trốn về phía Nam để tránh cuộc tấn công mà Israel sắp tiến hành trên bộ nhằm đáp trả chiến dịch Hamas hồi tuần trước.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cuối ngày 14/10 nói rằng sự hiện diện của nhóm tác chiến tàu sân bay USS Eisenhower ở phía Đông Địa Trung Hải báo hiệu “cam kết vững chắc của Washington đối với an ninh của Israel và quyết tâm ngăn chặn bất kỳ chủ thể nhà nước hoặc phi nhà nước nào tìm cách leo thang cuộc xung đột”.
Ông Lloyd Austin cũng nhấn mạnh thêm rằng việc USS Eisenhower tham gia cùng nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ford đến khu vực là “một phần trong nỗ lực ngăn chặn các hành động thù địch chống lại Israel".
Trong một đoạn băng ghi hình được Văn phòng Thủ tướng công bố ngày 14/10, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố với lực lượng quân đội tập trung ở miền Nam Israel rằng họ chuẩn bị bước vào “giai đoạn tiếp theo”. Quân đội Israel tối cùng ngày thông báo rằng đang chuẩn bị “chiến dịch quan trọng trên bộ”.
Đối với 2,3 triệu cư dân Gaza, họ có rất ít lựa chọn để tìm kiếm sự an toàn sau lệnh sơ tán khỏi khu vực phía Bắc vùng đất này. Người dân đã cạn kiệt lương thực, nước uống, nhiên liệu và vật tư y tế, đồng thời phải đối mặt với nguy cơ đổ máu và khổ đau leo thang nghiêm trọng nếu giao tranh ngày càng gia tăng.
Một số lo sợ họ sẽ thiệt mạng trên đường chạy trốn về phía Nam. Một đoàn xe sơ tán dân sự đã bị đánh bom trên đường Salah-al-Di vào chiều 13/10, khiến 70 người, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, thiệt mạng. Điều đáng nói là con đường này chính là nơi Israel tuyên bố an toàn chưa đầy một giờ sau đó.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lên án việc Israel ra lệnh sơ tán 22 bệnh viện ở phía Bắc Gaza, nơi đang điều trị cho hơn 2.000 bệnh nhân nội trú. Tổ chức này cho biết việc sơ tán “có thể tương đương với bản án tử hình” đối với nhiều bệnh nhân như trẻ sơ sinh trong lồng ấp và những người được chăm sóc đặc biệt.
Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo và điều phối cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths cảnh báo tình hình nhân đạo ở Gaza đang “nhanh chóng trở nên không thể giải quyết”.
Lệnh sơ tán của Israel bao trùm khu vực 1,1 triệu cư dân, tương đương khoảng một nửa dân số lãnh thổ này. Quân đội Israel cho biết “hàng trăm nghìn” người Palestine đã tiến về phía Nam, cho phép người Palestine thời hạn 6 giờ, kết thúc vào chiều 14/10, để đi lại an toàn trong Gaza dọc theo hai tuyến đường chính.
Cùng ngày, nhà lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh khẳng định trong bài phát biểu trên truyền hình rằng “sẽ không có làn sóng di cư từ Gaza đến Ai Cập” sau lệnh sơ tán của Israel, tuyên bố Ai Cập “hoan nghênh người dân Palestine, nhưng đây không phải là di cư hay tị nạn”.
Nhà lãnh đạo Hamas Haniyeh đã gặp Ngoại trưởng Iran Hossein Amir Abdollahian tại Doha (Qatar) trong ngày 14/10, và Hamas sau đó cho biết hai bên đã đồng ý tiếp tục hợp tác để đạt được các mục tiêu của lực lượng này.
Hỗ trợ nhân đạo - ưu tiên hàng đầu
Cuộc tấn công Hamas ngày 7/10, khiến khoảng 1.300 người Israel thiệt mạng, đã kích động các chiến dịch trả đũa suốt tuần qua của Israel nhằm vào Gaza. Ngày 15/10, các quan chức y tế tại khu vực cho biết đã có hơn 2.300 người Palestine thiệt mạng và hơn 9.700 người bị thương.
Các chuyến bay viện trợ đã đến bán đảo Sinai của Ai Cập với hàng cứu trợ cho Gaza, trong bối cảnh các nỗ lực ngoại giao nhằm mở các hành lang nhân đạo vào vùng đất này. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Mỹ đang tìm kiếm thỏa thuận về việc thiết lập các tuyến viện trợ và vùng an toàn.
Tuy vậy, mọi chuyện tính đến cuối tuần qua vẫn khá mờ mịt.
Ai Cập kiểm soát cửa khẩu biên giới Rafah vào Gaza, song theo thỏa thuận giữa Israel và Ai Cập sau khi Hamas nắm quyền kiểm soát hoàn toàn Gaza vào năm 2007, hàng hóa từ phía Nam muốn qua cửa khẩu này cần có sự chấp thuận của Israel. Sau các cuộc tấn công từ Hamas, Israel đã cắt điện và nước trong khu vực.
Theo tin từ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong ngày 14/10, “khẳng định ủng hộ mọi nỗ lực bảo vệ người dân”, nhưng không đề cập cụ thể đến Gaza.
Thông báo có đoạn: “Tổng thống Biden đã thảo luận với Thủ tướng Netanyahu về việc phối hợp của Mỹ với Liên hợp quốc, Ai Cập, Jordan, Israel và các quốc gia khác trong khu vực để đảm bảo người dân được tiếp cận với nước, thực phẩm và chăm sóc y tế”.
Tổng thống Biden cũng đã nói chuyện với lãnh đạo Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas lần đầu tiên kể từ khi xung đột nổ ra một tuần trước. Theo một tuyên bố của Nhà Trắng, Tổng thống Biden cam kết về việc “ủng hộ hoàn toàn” Chính quyền Palestine để nỗ lực hỗ trợ nhân đạo cho người Palestine, “đặc biệt là ở Gaza”.
Hiện nay, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang có mặt ở khu vực để tìm cách đảm bảo việc thả 126 con tin mà Israel cho rằng đã bị Hamas bắt và đưa trở lại Gaza, đồng thời ngăn chặn xung đột lan rộng. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và các quan chức Israel ngày 16/10 đã họp xuyên đêm để bàn về cuộc xung đột hiện nay giữa Israel và Hamas. Đây là chuyến thăm Israel lần thứ 2 của ông trong vòng chưa đầy một tuần.
Cuộc họp tiếp diễn bất chấp có lúc bị gián đoạn bởi còi báo động tấn công. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller, Ngoại trưởng Blinken, Thủ tướng Netanyahu và các quan chức khác buộc phải xuống hầm tránh bom khoảng 5 phút khi có còi báo động. Sau đó, họ tiếp tục quay trở lại cuộc họp.
Hiện chi tiết nội dung cuộc họp chưa được công bố, song một số nhà quan sát cho rằng Washington có thể đang tìm cách thuyết phục Israel ngừng bắn, tạo điều kiện để mở cửa khẩu Rafah ở biên giới Ai Cập - Gaza, cho phép hàng viện trợ vào Gaza. Hai bên cũng có thể thảo luận về những hỗ trợ bổ sung của Mỹ dành cho Israel.