Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố thành lập Hội đồng thương mại và công nghệ với Liên minh châu Âu (EU) nhằm tạo gọng kìm siết chặt Trung Quốc. (Nguồn: Getty Images) |
Thách thức thương mại kỹ thuật số
Hồi tháng 6, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã công bố thành lập một hội đồng chung về thương mại và công nghệ. Đây là sáng kiến giúp các nền dân chủ đi tiên phong trong việc đề ra các quy tắc quản lý thương mại kỹ thuật số.
Bất chấp việc các nước thành viên đang cùng theo đuổi những giá trị tự do, họ sẽ phải tìm cách dung hòa một số xung đột về lợi ích quốc gia.
Hội đồng này cũng sẽ phải đối mặt với sự phản kháng từ Trung Quốc – quốc gia tiếp tục mở rộng tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực kỹ thuật số.
Trong bối cảnh các nước đang tranh giành vị thế, Mỹ nên mở rộng các nỗ lực đa phương ở châu Á, bắt đầu bằng một thỏa thuận thương mại kỹ thuật số ba bên với Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trong các cuộc thảo luận gần đây, Mỹ và EU đang có những khúc mắc về khái niệm “chủ quyền kỹ thuật số”.
Các vấn đề này chủ yếu xoay quanh việc ai sẽ sở hữu dữ liệu, cần đánh thuế những hoạt động kỹ thuật số xuyên biên giới nào và nên quản lý các công ty công nghệ ra sao.
Dù có cùng mối quan tâm với Brussels về ảnh hưởng vượt trội của ngành công nghệ, song nhìn chung, Washington vẫn ưu tiên cách tiếp cận phi tập trung – một phương pháp cho phép các công ty Mỹ tận dụng những sáng tạo đổi mới trong thị trường toàn cầu.
Mỹ và EU cũng sẽ cần phải điều chỉnh các chính sách về cách đối phó với dấu ấn ngày càng lớn của Trung Quốc trong một loạt các vấn đề kỹ thuật số, gồm quyền riêng tư về dữ liệu, chính sách cạnh tranh, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và an ninh mạng.
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa các nước châu Á-Thái Bình Dương hiện là khối thương mại lớn nhất thế giới. Với Trung Quốc là thành viên lớn nhất, RCEP đặt ra các điều khoản nhằm nới lỏng các luồng dữ liệu xuyên biên giới, đồng thời loại bỏ các yêu cầu về bản địa hóa dữ liệu.
Tuy nhiên, hiệp định này còn có một ngoại lệ bao trùm về "chính sách công", theo đó, bất kỳ thành viên nào cũng có thể trở thành thẩm phán và trọng tài trong việc quyết định thời điểm bỏ qua các cam kết của mình.
Trong trường hợp không thể thống nhất các quy tắc toàn cầu, người dùng sẽ phải chuyển sang một môi trường kỹ thuật số phân hóa.
Đến nay, đã có hơn 133 hệ thống pháp lý phê chuẩn các luật bảo vệ dữ liệu riêng biệt.
Tại Mỹ, các bang như California và Washington đang đưa ra dự thảo về một bộ luật riêng. Trong khi đó, Quy định chung về bảo vệ dữ liệu của EU đã được công nhận rộng rãi, được coi như bước đi đầu tiên cho các quy định về quyền riêng tư, song cũng vấp phải sự phản đối của một số doanh nghiệp.
Thoả thuận ba bên với Nhật-Hàn
Ngay cả khi các cuộc đàm phán khác được tiếp tục, Washington vẫn nên tiến hành một thỏa thuận thương mại kỹ thuật số ba bên với Tokyo và Seoul.
Ngay từ khi mới lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tìm cách tạo dấu ấn riêng trong lĩnh vực thương mại kỹ thuật số toàn cầu.
Tuy nhiên, dù vẫn tích cực trong các cuộc đàm phán về thương mại điện tử của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thì cho đến nay, Mỹ mới chỉ ký kết các thỏa thuận thương mại kỹ thuật số toàn diện với Nhật Bản, Mexico và Canada.
Là một nước không tham gia RCEP cũng như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), ảnh hưởng của Mỹ đối với các thị trường kỹ thuật số phát triển nhanh nhất thế giới tại châu Á vẫn còn hạn chế.
Trong khi đó, Nhật Bản và Hàn Quốc - những nước dẫn đầu về công nghệ ở châu Á, sẽ là những đối tác lý tưởng trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của chính quyền Tổng thống Biden, đồng thời củng cố ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thông qua cách tiếp cận đa phương.
Các cuộc đàm phán liên quan đến hai đồng minh đáng tin cậy của Mỹ cũng sẽ bổ sung cho các nỗ lực khác, nhằm tập hợp các đối tác dân chủ và có cùng chí hướng để thảo luận về vai trò của công nghệ trong việc hỗ trợ các xã hội mở và giải quyết các thách thức toàn cầu.
Trong đó, có thể kể đến các nỗ lực như Hiệp định Đối tác Chính phủ Mở rộng được thành lập năm 2011, Hiệp định Đối tác Toàn cầu về trí tuệ nhân tạo (AI) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), hay Hiệp ước G7 về Hợp tác Nghiên cứu mới được ký kết gần đây.
Nỗ lực cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc
Mặc dù một thỏa thuận thương mại kỹ thuật số quy mô hẹp thậm chí có thể không cần Quốc hội phê duyệt, nhưng nó sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc tiến hành giám sát các cơ quan chịu trách nhiệm điều chỉnh luồng dữ liệu xuyên biên giới, cũng như cân nhắc luật pháp để ban hành các quy định thương mại mới.
Hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã nhất trí rằng, cần thúc đẩy đầu tư đa phương vào nền kinh tế kỹ thuật số.
Thượng viện Mỹ cũng đã phản ánh cam kết chung nói trên sau khi thông qua Đạo luật Cạnh tranh và Đổi mới, với tỷ lệ phiếu ủng hộ là 68% so với 32% phiếu chống.
Các báo cáo gần đây chỉ ra rằng, chính quyền của Tổng thống Biden đang thảo luận về một thỏa thuận thương mại kỹ thuật số Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với tối đa 7 quốc gia, trong đó đến nay có Nhật Bản nhưng không có Hàn Quốc.
Nỗ lực mới này được cho là nhằm cân bằng ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực.
Thỏa thuận sẽ gắn kết các quốc gia đi đầu trong việc xây dựng các hiệp định thương mại kỹ thuật số của khu vực, tương tự như Hiệp định Đối tác Kinh tế Kỹ thuật số New Zealand-Chile-Singapore và Hiệp định Kinh tế Kỹ thuật số Singapore-Australia.
Tuy nhiên, ngay cả khi các thỏa thuận đa phương lớn hơn có phạm vi tiếp cận rộng hơn, với mỗi nước thành viên bổ sung, chúng cũng tạo thêm các rào cản về hành chính, bộ máy quan liêu và chính trị trong nước.
Thay vào đó, nếu Mỹ theo đuổi một thỏa thuận Mỹ-Nhật-Hàn, cùng các hiệp định kinh tế kỹ thuật số nhỏ hơn, linh hoạt hơn, điều đó có thể giúp tạo điều kiện cho một môi trường đàm phán có lợi cho những nỗ lực tham vọng hơn.
Có những lý do chính đáng để Tokyo và Seoul ký kết thỏa thuận ba bên này.
Chính phủ hai nước đều tìm cách giảm thiểu các tác động kinh tế-xã hội đối với lực lượng lao động, vốn đang bị thu hẹp và già hóa.
Nhật Bản và Hàn Quốc đã triển khai các nỗ lực nhằm số hóa dịch vụ công, tài trợ cho các ngành công nghiệp nền tảng như chất bán dẫn, thu hẹp khoảng cách trình độ kỹ thuật số và thúc đẩy các công ty trong nước áp dụng những phương pháp chuyển đổi kỹ thuật số.
Thỏa thuận này cũng sẽ tạo thêm động lực cho các nỗ lực của Nhật Bản và Hàn Quốc, nhằm ngăn chặn sự suy giảm các tiêu chuẩn kỹ thuật số chất lượng cao.
Nhật Bản là nước đi đầu trong việc đề xuất khuôn khổ Lưu thông Dữ liệu Tự do và Tin cậy.
Cùng với các quốc gia khác trong nhóm Bộ tứ là Mỹ, Australia và Ấn Độ, Nhật Bản cam kết phát triển các tiêu chuẩn thống nhất trong các lĩnh vực công nghệ mới nổi, nhằm thúc đẩy tầm nhìn “tự do, rộng mở, toàn diện và bền vững” của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tương tự, Hàn Quốc cũng cho thấy mong muốn đưa ra các quy tắc mạnh mẽ để bảo vệ và thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới của nước này.
Những cam kết trên đã được khẳng định tại các hội nghị thượng đỉnh song phương giữa Tổng thống Mỹ Biden với Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, lần lượt trong tháng 4 và tháng 5/2021.
Cả Tokyo và Seoul đều đã hoặc đang nỗ lực hướng tới hệ thống hóa các thỏa thuận tiêu chuẩn cao, như Hiệp định Thương mại Kỹ thuật số Mỹ-Nhật được ký kết vào năm 2019 và Hiệp định Thương mại Kỹ thuật số Hàn Quốc-Singapore hiện đang được đàm phán.
Một thỏa thuận ba bên sẽ cho phép Tokyo và Seoul hướng sự chú ý ra khỏi những khác biệt chính trị trong thời gian gần đây, bằng cách hợp tác trong một lĩnh vực mà hai bên có chung mối quan tâm rõ rệt và lâu dài.
Đồng thời, thỏa thuận có thể khuyến khích hai quốc gia láng giềng có nhiều mâu thuẫn này cùng hợp tác để hướng đến các lợi ích chung.
*Tác giả Elliot Silverberg đạt Học bổng James A Kelly tại Diễn đàn Thái Bình Dương, còn Daniel Aum hiện là nghiên cứu sinh về các vấn đề quốc tế, khoa học và công nghệ tại Viện Công nghệ Georgia.