Nga cảnh báo leo thang khủng hoảng kinh tế, lương thực. (Nguồn:tbsnews) |
Nền kinh tế Nga đã vượt qua các lệnh trừng phạt mạnh mẽ của phương Tây một cách tương đối tốt. Nhưng hiện tại, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đang nhắm tới những nước thứ ba, vốn đã từng hoặc có ý định giúp đỡ Nga như Ấn Độ, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước khác, thông qua các biện pháp trừng phạt thứ cấp.
Điều này đã mang tới những thành công ban đầu. Tuy nhiên, về lâu dài, các lệnh trừng phạt mới này sẽ gây ảnh hưởng như thế nào tới nền kinh tế Nga?
Ấn Độ "quay lưng" với dầu Nga?
Theo DW, sau khi xung đột tại Ukraine bùng phát, phương Tây đã từng bước từ bỏ dầu thô của Nga, thay vào đó họ tìm nguồn cung từ các quốc gia khác.
Do nhu cầu từ bên ngoài tăng lên, Ấn Độ - quốc gia tiêu thụ một lượng dầu thô khổng lồ dành cho hoạt động tinh chế dầu thành phẩm - đã chứng kiến tình trạng thiếu hụt dầu thô.
Điều này khiến New Delhi quyết định quay sang mua dầu thô giá rẻ hơn từ Moscow và trở thành quốc gia nhập khẩu dầu thô quan trọng hàng đầu của Nga.
Cùng với một vài quốc gia khác, Ấn Độ nhận thấy không có lý do gì để ủng hộ các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moscow. Nhưng hai năm sau, người Ấn Độ bắt đầu thay đổi quan điểm.
Đầu năm nay, quốc gia Nam Á này không còn cho phép các tàu chở loại dầu Espo của Nga, trong một số trường hợp là dầu Sokol, được nhập cảnh vào nước này. Kết quả là hơn 10 triệu thùng dầu của Nga phải để lại trong kho lưu trữ chờ khách hàng mới.
Gần đây, tất cả các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ cũng từ chối nhận dầu được vận chuyển bởi các tàu chở dầu từ đội tàu Sovkomflot của chính phủ Moscow - với khối lượng tương đương ít nhất 1/5 lượng dầu trung bình chuyển từ Nga đến Ấn Độ trong năm 2023.
Sự thay đổi này không phải là ngẫu nhiên, cũng không phải mong muốn của New Delhi.
Thực tế, đó là sự điều chỉnh của Ấn Độ trước áp lực ngày càng tăng từ Mỹ - và ở một mức độ nào đó từ cả EU - đến các quốc gia được coi là đang giúp Nga “lách” lệnh trừng phạt của phương Tây.
Theo chuyên gia Marcus Keupp tại Học viện quân sự MILAK của Thụy Sỹ, các lệnh trừng phạt của phương Tây không chỉ được áp đặt một cách cố định, không thay đổi, mà chúng sẽ được điều chỉnh linh hoạt theo tình hình thực tế.
Mỹ và châu Âu đang tập trung vào những biện pháp trừng phạt thứ cấp, với mục tiêu gây áp lực lên các quốc gia giúp Nga lách lệnh trừng phạt, qua đó dần "bịt kín lỗ hổng" - nơi Điện Kremlin có thể lợi dụng để vô hiệu hóa các lệnh này.
Cuối năm 2023, không chỉ EU tung ra gói trừng phạt thứ mười hai đối với kinh tế Nga. Không chỉ thế, Washington cũng ban hành nhiều biện pháp trừng phạt thứ cấp, trong đó nhắm mục tiêu tới các công ty vận tải biển và một số doanh nghiệp được coi là "thân thiện" với Moscow.
Giữa tháng 2/2024, có 14 tàu chở dầu thuộc đội tàu Sovkomflot nói trên đã bị áp lệnh trừng phạt.
Chuyên gia năng lượng Mikhail Krutikhin tại công ty tư vấn RusEnergy ở Moscow nhận định: "Một số quốc gia, đặc biệt là Ấn Độ, hiện rất thận trọng để không vi phạm lệnh trừng phạt của phương Tây.
Thậm chí, người Ấn Độ không còn mua dầu từ các địa điểm khai thác trên đảo Sakhalin của Nga ở Thái Bình Dương, nơi họ nắm giữ 20% cổ phần".
Áp lực lên các công ty dầu mỏ là đòn bẩy trực tiếp làm giảm nguồn thu từ lĩnh vực xuất khẩu quan trọng nhất của Nga.
Đòn bẩy gián tiếp là áp lực lên các ngân hàng, nơi xử lý giao dịch xuất nhập khẩu của Nga.
Áp lực lên các công ty dầu mỏ là đòn bẩy trực tiếp làm giảm nguồn thu từ lĩnh vực xuất khẩu quan trọng nhất của Nga. (Nguồn: Reuters) |
Loạt quốc gia "ngắt kết nối"
Ngay sau khi cuộc xung đột diễn ra, các ngân hàng lớn của Nga đã phải gánh chịu lệnh trừng phạt chưa từng có từ phương Tây: Bị loại khỏi hệ thống của Hiệp hội viễn thông Tài chính liên Ngân hàng toàn cầu (SWIFT).
Tuy nhiên, các tổ chức tài chính nhỏ hơn của Nga đã nhanh chóng thay thế những ngân hàng lớn.
Mùa Thu năm 2023, Washington đã mở rộng trừng phạt đối với một số ngân hàng nhỏ này. Họ cũng gây áp lực lên nhiều ngân hàng của các nước thứ ba - nơi diễn ra nhiều giao dịch nhất với Nga.
Kazakhstan, quốc gia láng giềng với Nga ở Trung Á, đã nhanh chóng thỏa hiệp trước áp lực từ phương Tây. Cho tới nay, điều đáng chú ý là Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, UAE, cũng không muốn mạo hiểm và phần nào thể hiện thiện chí, thậm chí sẵn sàng hợp tác với phương Tây.
Đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia có vai trò quan trọng trong trung chuyển hàng hóa giữa EU và Nga - cũng là quốc gia có giao dịch thương mại với Moscow tăng nhanh chóng sau khi xung đột nổ ra.
Từ đầu năm nay, quốc gia này đã ngắt kết nối một phần với hệ thống ngân hàng tại đất nước của Tổng thống Putin.
Xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga trong tháng 2/2024 đã giảm 1/3 so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 670 triệu USD - số liệu do Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ công bố gần đây.
Những chuyển biến tương tự cũng diễn ra ở UAE, nơi nhiều nhà tài phiệt Nga chuyển đến sau khi xung đột với Ukraine bắt đầu. Trong những tuần gần đây, nhiều tài khoản của các tỷ phú Nga đã bị đóng băng.
Mọi lệnh trừng phạt đều tìm thấy biện pháp đối phó
Vẫn chưa rõ các lệnh trừng phạt thứ cấp có thể gây tổn hại cho nền kinh tế Nga đến mức độ nào bởi trước đó, các lệnh trừng phạt trực tiếp chỉ gây một số hậu quả nhỏ, ít hơn nhiều so với kỳ vọng. Trái với mong muốn của phương Tây, tăng trưởng kinh tế của Moscow đã tăng 3,5% trong năm ngoái, sau khi giảm nhẹ trong năm 2022.
Chuyên gia về Nga tại Viện Nghiên cứu kinh tế quốc tế Vienna, Áo (WIIW) Vasily Astrov cho rằng, "trò chơi mèo vờn chuột" vẫn sẽ tiếp tục. Các biện pháp trừng phạt thứ cấp sẽ có hiệu lực đến khi Moscow tìm ra những phương pháp mới để lách trừng phạt.
Theo chuyên gia Astrov, năm ngoái, rõ ràng mức trần giá dầu 60 USD/thùng đã được tuân thủ sau khi có mối đe dọa trừng phạt thứ cấp. Nhưng sau đó mức trần này đã bị phá vỡ.
Tuy nhiên, tính trung bình cả năm, dầu của Nga chỉ được giao dịch ở mức 63 USD/thùng, thấp hơn 20 USD so với dầu Brent tiêu chuẩn của châu Âu.
Việc tìm kiếm các biện pháp lách trừng phạt mới đang được tiến hành. Một nguồn tin trong chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Ankara và Moscow cũng đang nghiên cứu các giải pháp mới cho quan hệ thương mại song phương.
Phương Tây sẽ tiếp tục gia tăng áp lực với Nga bằng các biện pháp trừng phạt thứ cấp. Nhưng trong thế giới ngày nay, mọi lệnh trừng phạt đều có thể tìm thấy biện pháp đối phó. "Tất nhiên chúng sẽ ngày càng trở nên đắt đỏ hơn với Nga" - ông Oleg Vjugin, cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga thừa nhận.