📞

Na Uy chia sẻ kinh nghiệm cùng Việt Nam khai mở tiềm năng điện gió

Huyền Trâm 09:11 | 02/12/2022
Nhằm khai mở tiềm năng điện gió tại Việt Nam, Na Uy đã có nhiều đóng góp tích cực tại Hội nghị Năng lượng Gió Việt Nam (Vietnam Wind Power) 2022 (VWP22) được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 1-2/12.
Đại sứ Na Uy Hilde Solbakken phát biểu tại Hội nghị Năng lượng Gió Việt Nam (VWP22). (Nguồn: ĐSQ Na Uy tại Việt Nam)

Đây là năm thứ hai Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội và Cơ quan Thương vụ của Đại sứ quán, Innovation Norway tham gia tổ chức sự kiện này cùng Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC), và các đối tác khác trong đó có Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện (PECC4).

Vietnam Wind Power là sự kiện chính thức thường niên của ngành điện gió tại Việt Nam do GWEC khởi xướng tổ chức từ năm 2018. Sự kiện là diễn đàn quan trọng để chính phủ và ngành điện gió bàn thảo các vấn đề cấp bách xung quanh sự phát triển của năng lượng gió tại Việt Nam.

Tham dự VWP22 về phía Na Uy có Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Hilde Solbakken, Giám đốc Cơ quan Xúc tiến Thương mại Na Uy (Innovation Norway) khu vực châu Á Ole Henæs và Giám đốc Thương vụ Innovation Norway tại Hà Nội, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Na Uy Arne-Kjetil Lian, cùng các công ty hàng đầu của Na Uy trong lĩnh vực điện gió bao gồm Equinor, Mainstream Renewable Power và Scatec.

Trong bối cảnh cam kết và ý chí chính trị mạnh mẽ của Việt Nam nhằm giải quyết thách thức từ biến đổi khí hậu, trong đó bao gồm cam kết thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và đã được khẳng định lại trong Bản cập nhật Mức Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam tại COP27 ở Hy Lạp vừa qua, cần phải có sự chuyển đổi về căn bản trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Việc chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch và năng lượng tái tạo bao gồm điện gió nằm ở trung tâm của quá trình chuyển dịch này.

Trong thông điệp chào mừng của mình, Đại sứ Na Uy Hilde Solbakken đã nhấn mạnh rằng giống như Việt Nam, Na Uy hiện đang phát triển ngành điện gió ngoài khơi.

"Chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau bằng việc chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình xây dựng các chính sách trong nước để tạo điều kiện thúc đẩy tri thức, tiến bộ kỹ thuật và thu hút đầu tư vào điện gió, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Huy động tất cả các bên liên quan, từ mọi lĩnh vực kinh tế và khu vực địa lý, tham gia vào quá trình này có thể giúp chúng ta tìm ra hướng đi tốt nhất cho tương lai", Đại sứ Na Uy Hilde Solbakken nói.

Theo bà Hilde Solbakken, VWP22 là một diễn đàn tuyệt vời để các bên liên quan cùng thảo luận về những thuận lợi, thách thức trong quá trình này. Đại sứ quán Na Uy và tổ chức Innovation Norway ở Hà Nội, cùng các công ty năng lượng của Na Uy sẵn sàng đóng góp để khai mở mọi tiềm năng điện gió tại Việt Nam.

Đây là năm thứ hai Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội và Cơ quan Thương vụ của Đại sứ quán, Innovation Norway tham gia tổ chức sự kiện này cùng Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC), và các đối tác khác trong đó có Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện (PECC4). (Nguồn: ĐSQ Na Uy tại Việt Nam)

Đồng quan điểm, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Na Uy Arne-Kjetil Lian phát biểu: “Chúng tôi rất vui vì các công ty điện gió hàng đầu của Na Uy đều có mặt và tham gia tích cực vào sự kiện VWP22 ngày hôm nay. Các công ty này đều thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam và có nhiều kinh nghiệm để chia sẻ trong việc phát triển, quản lý và vận hành các dự án điện gió".

Theo ông Arne-Kjetil Lian, nói đến gió ngoài khơi, Na Uy có thể chia sẻ rất nhiều bài học. Na Uy đã và đang tiếp tục đổi mới trong lĩnh vực gió nổi xa bờ, xây dựng một ngành công nghiệp có khả năng mở rộng, chi phí cạnh tranh và thân thiện với thiên nhiên. Quốc gia này hiện đang vận hành trang trại gió nổi ngoài khơi lớn nhất thế giới, Hywind Tampen. Đây là dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của ngành và là kết quả tự nhiên của hàng thập kỷ kinh nghiệm hoạt động ngoài khơi của Na Uy trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt và với chuỗi cung ứng tuyệt vời.

"Tại VWP22, các công ty của chúng tôi sẽ tham gia nhiều phiên thảo luận để chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề như hoạch định chính sách, vận hành, quản lý các dự án điện gió, phát triển chuỗi cung ứng ngoài khơi và cơ sở hạ tầng cảng, và cách thức chúng tôi có thể hỗ trợ Chính phủ và các doanh nghiệp của Việt Nam thực hiện mục tiêu điện gió ngoài khơi đến năm 2030”, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Na Uy khẳng định.

Trở lại Việt Nam trên cương vị mới, Giám đốc khu vực châu Á của Innovation Norway Ole Henæs nhận xét Việt Nam có nguồn tài nguyên gió tốt nhất Đông Nam Á với đường bờ biển dài, mực nước nông và tốc độ gió ổn định cao.

Ông Ole Henæs chỉ ra rằng để phát huy hết tiềm năng to lớn này, Việt Nam cần có một chuỗi cung ứng địa phương mạnh mẽ, công nghệ và chuyên môn tốt, cùng với một không khổ pháp lý ổn định và thuận lợi. Đây là những thế mạnh mà cộng đồng doanh nghiệp Na Uy tại Việt Nam và trong khu vực sẵn sàng chia sẻ.

"Với tốc độ tăng trưởng GDP rất ấn tượng trong hai năm qua, Việt Nam có một tương lai vô cùng hứa hẹn cho ngành điện gió và có nhiều cơ hội để hợp tác kinh doanh. Tổ chức Innovation Norway trong khu vực sẽ cố gắng hết sức để tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác này", ông Ole Henæs nói.

Nói đến gió ngoài khơi, Na Uy có thể chia sẻ rất nhiều bài học kinh nghiệm với Việt Nam. (Nguồn: ĐSQ Na Uy tại Việt Nam)

Equinor là một công ty năng lượng lớn với cam kết cung cấp nguồn năng lượng với giá cả phải chăng cho các cộng đồng trên toàn thế giới và đóng vai trò hàng đầu trong quá trình chuyển đổi năng lượng

MainstreamRP là một công ty năng lượng tái tạo chuyên doanh hàng đầu với các dự án đầu tư trong lĩnh vực điện gió và điện mặt trời ở nhiều thị trường toàn cầu trong đó có Mỹ Latinh, châu Phi và châu Á-Thái Bình Dương.

Scatec là công ty năng lượng tái tạo hàng đầu với mục tiêu đẩy nhanh quá trình triển khai các loại hình năng lượng tái tạo an toàn và có giá cả phải chăng ở các thị trường mới nổi.