📞
Hội nghị Diễn đàn Bắc Cực 2016

Na Uy đẩy mạnh hợp tác quốc tế về Bắc Cực

09:44 | 05/02/2016
Từ ngày 24-29/1, tại thành phố Tromso, Na Uy chủ trì tổ chức Hội nghị Diễn đàn Bắc Cực 2016 với chủ đề Công nghiệp và Môi trường.
Đại sứ Việt Nam tại Na Uy Lê Thị Tuyết Mai tham dự Hội nghị.

Hội nghị năm nay do Diễn đàn Bắc Cực của Na Uy (Artic Frontiers) tổ chức, thu hút sự tham gia của đông đảo các đại biểu quốc tế thuộc các cơ quan chính phủ, giới nghiên cứu và kinh doanh. Đây là hội nghị lần thứ 10 của Diễn đàn này, với sự tham dự của hơn 1.500 đại biểu từ 8 nước thành viên của Hội đồng Bắc Cực cùng nhiều nước khác, đại diện chính phủ, tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, đại học và viện nghiên cứu, giới truyền thông...

Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng của các nước thành viên Hội đồng Bắc Cực, đồng thời có đại diện của các nước quan sát viên, như EU, Hàn Quốc, Singapore, Ấn Độ...

Đại sứ Việt Nam tại Na Uy Lê Thị Tuyết Mai cùng với Đại sứ các nước thuộc Đoàn Ngoại giao tại Oslo đã tham dự diễn đàn chính sách của Hội nghị.

Cân bằng giữa công nghiệp và môi trường ở Bắc Cực       

Hội nghị Diễn đàn Bắc Cực 2016 tập trung thảo luận về sự cân bằng giữa việc sử dụng và việc bảo tồn nguồn lợi, giữa lợi ích phát triển công nghiệp và quan tâm về môi trường ở Bắc Cực. Các tham luận và thảo luận tập trung vào đề xuất làm thế nào để có thể bảo đảm sự phát triển của Bắc Cực với quy hoạch tốt, quản lý tốt và bền vững, cân bằng giữa quan tâm về môi trường và mở rộng công nghiệp, vai trò của công nghệ hiện đại nhằm bảo đảm phát triển công nghiệp có lợi nhuận và thân thiện với môi trường, đảm bảo một kịch bản tăng trưởng bền vững cho cộng đồng Bắc Cực.

Thủ tướng Na Uy Erna Solberg phát biểu tại Hội nghị Diễn đàn Bắc Cực 2016.

Phát biểu khai mạc diễn đàn doanh nghiệp tại Hội nghị, Thủ tướng Na Uy Erna Solberg nhấn mạnh vai trò của các doanh nghiệp trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế giải quyết các vấn đề của Bắc Cực, đồng thời đầu tư cho sự phát triển bền vững của vùng Bắc Cực.

Bên cạnh diễn đàn chính sách và diễn đàn doanh nghiệp, còn có diễn đàn khoa học, đồng thời có một loạt hoạt động bên lề Hội nghị của sinh viên, thảo luận mở dành cho người dân có quan tâm về Bắc Cực.

Hội nghị cũng có một phiên họp với nhiều phát biểu nhấn mạnh việc triển khai kết quả của Hội nghị lần thứ 21 các quốc gia thành viên Công ước về biến đổi khí hậu tại Pari tháng 12/2015 (COP 21) để ứng phó với biến đổi khí hậu ở Bắc Cực, nơi thể hiện rõ rất những biến đổi khí hậu nghiêm trọng và mạnh mẽ, có tác động đến các khu vực khác trên thế giới.

Kỷ niệm 20 năm Hội đồng Bắc Cực

Hội đồng Bắc Cực (Artic Council) là tổ chức liên chính phủ khu vực được thành lập năm 1996 trên cơ sở Tuyên bố Ottawa ngày 19/9/1996 giữa 8 quốc gia thành viên ở Bắc Cực (gồm 05 nước Bắc Âu: Iceland, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan và Thụy Điển; và Canada, Hoa Kỳ, Nga). Sáu tổ chức của người bản xứ Bắc Cực có quy chế thành viên tham dự thường xuyên các hoạt động của Hội đồng Bắc Cực. Các quan sát viên của Hội đồng Bắc Cực hiện nay gồm 12 quốc gia ngoài Bắc Cực (7 nước châu Âu gồm: Pháp, Đức, Hà Lan, Ba Lan, Tây Ban Nha, Anh Quốc, Italia; 5 nước Châu Á gồm: Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapo và Trung Quốc), 9 tổ chức quốc tế liên chính phủ và liên nghị viện, và 11 tổ chức quốc tế phi chính phủ. Ban thư ký thường trực của Hội đồng Bắc Cực được quyết định thành lập năm 2011 và chính thức hoạt động năm 2013, có trụ sở tại thành phố Tromso của Na Uy. Trước đó, nước giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng Bắc Cực sẽ là nước chủ nhà của Ban Thư ký Hội đồng Bắc Cực. Hiện nay, Mỹ đang giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng Bắc Cực nhiệm kỳ 2015-2017. Vai trò này sẽ được chuyển giao cho Phần Lan vào năm tới.

Hội nghị Diễn đàn Bắc Cực 2016 đã dành một phiên họp kỷ niệm 20 năm ra đời Hội đồng Bắc Cực, đánh giá thành công và vai trò của tổ chức này. Bộ trưởng Ngoại giao Na Uy Borge Brende đánh giá cao vai trò của Hội đồng Bắc Cực là diễn đàn quốc tế duy nhất mà các đại diện của các dân tộc bản địa sinh sống ở Bắc Cực ngồi họp ngang với các đại diện của các quốc gia. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thành công của Hội đồng Bắc Cực nhằm xây dựng đồng thuận giữa tất cả các bên liên quan về phát triển bền vững ở Bắc Cực.

Bộ trưởng Brende nêu rõ, bản chất của hợp tác trong Hội đồng Bắc Cực đã thay đổi cùng với những thay đổi của Bắc Cực. Hai mươi năm trước, nhiệm vụ chính của Hội đồng là thúc đẩy bảo vệ môi trường. Ngày nay, Hội đồng Bắc Cực là diễn đàn hàng đầu cho hợp tác quốc tế trên một loạt các vấn đề Bắc Cực...

Các phát biểu và thảo luận tại Hội nghị đều cho rằng, Hội đồng Bắc Cực đóng vai trò quan trọng, là diễn đàn hàng đầu cho hợp tác quốc tế về Bắc Cực. Hội đồng Bắc Cực được coi là một mẫu hình hợp tác quốc tế thành công, hiện nay có 06 Nhóm làm việc và 03 Nhóm đặc nhiệm (Task Force), đã đi đến ký kết 02 hiệp định ràng buộc pháp lý về tìm kiếm cứu nạn và về ứng phó ô nhiễm dầu ở Bắc Cực, đồng thời xây dựng Bộ luật Polar trong khuôn khổ IMO (Tổ chức Hàng hải quốc tế). Hội đồng Bắc Cực tập trung vào việc định hình chính sách, chứ không đưa ra quyết sách cụ thể. Các quốc gia Bắc Cực cũng đã nhất trí chú trọng hơn đến chủ đề phát triển kinh tế trong chương trình nghị sự của Hội đồng, với việc thành lập Hội đồng Kinh tế Bắc Cực.

Vai trò đầu tàu của Na Uy 

Na Uy là một quốc gia hiện diện ở Bắc Cực từ nhiều thế kỷ và hiện nay có tới 10% dân số sống ở vùng Bắc Cực, đồng thời Na Uy cũng là nước có đường tiếp cận Bắc Cực thuận lợi nhất.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Na Uy Erna Solberg và các vị Bộ trưởng Na Uy đều nhấn mạnh chính sách nhất quán của Na Uy coi trọng hợp tác quốc tế về Bắc Cực, đề cao vai trò đi đầu của Na Uy trong định hướng sự phát triển của Bắc Cực. Các phát biểu cũng nhấn mạnh chủ trương của Na Uy nỗ lực cùng các nước hợp tác để bảo đảm Bắc Cực là khu vực hòa bình, an toàn, hợp tác quốc tế trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của LHQ về Luật biển năm 1982; Bắc Cực phải là khu vực phát triển bền vững và bảo đảm cân bằng giữa mở rộng thương mại và công nghiệp và vấn đề môi trường.

Phát biểu kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Hội đồng Bắc Cực Na Uy, Bộ trưởng Ngoại giao Na Uy Borge Brende khẳng định nước này sẽ tiếp tục đi đầu trong phát triển khoa học Bắc Cực. Na Uy là một siêu cường quốc hàng hải, dầu khí và thủy sản, với gần 90% doanh thu xuất khẩu là từ các hoạt động kinh tế trên biển và tài nguyên biển.

Na Uy khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực vì mục tiêu tăng trưởng xanh ở các lĩnh vực khác nhau, từ an ninh hàng hải đến hoạt động dầu khí trên biển, năng lượng tái tạo, vận tải biển và tài nguyên biển để bảo vệ môi trường, quản lý đại dương và nghiên cứu, sáng tạo khoa học để quản lý Bắc Cực một cách có trách nhiệm. Bắc Cực sẽ mang lại nhiều lợi ích nếu quản lý cân bằng tốt giữa một bên là các lợi ích thương mại và sử dụng tài nguyên và một bên là vấn đề môi trường.

Năm 2016  không những đánh dấu kỷ niệm 20 năm thành lập Hội đồng Bắc Cực mà còn kỷ niệm 10 năm ra đời Diễn đàn Bắc Cực của Na Uy (Artic Frontiers), với Ban thư ký Diễn đàn Bắc Cực đặt trụ sở tại thành phố Tromso. Hội nghị Diễn đàn Bắc Cực do Diễn đàn Bắc Cực của Na Uy tổ chức thường niên bắt đầu từ năm 2007 đã trở thành diễn đàn hàng đầu cho các cuộc thảo luận về Bắc Cực.

(ĐSQ Việt Nam tại Na Uy)