📞

Na Uy: Đối tác tin cậy của Việt Nam và châu Á

19:00 | 22/12/2016
Trong thế kỷ XXI, sức hút kinh tế toàn cầu đã và đang chuyển dần sang khu vực châu Á. Đi kèm với sự dịch chuyển đó là hợp tác khu vực ngày càng sâu sắc hơn. Na Uy ủng hộ xu thế phát triển này, và trong những năm qua, chúng tôi đã tích cực củng cố quan hệ của mình với châu Á.

Ủng hộ mạnh mẽ tự do thương mại

Sau đây là những lý do chính của chính sách trên, cũng như phác thảo những lĩnh vực hợp tác tiềm năng nhất trong tương lai giữa Na Uy và khu vực châu Á.

Na Uy đã nỗ lực tham gia một số diễn đàn hợp tác kinh tế và chính trị quan trọng nhất châu Á. Cụ thể, năm 2012, Na Uy được kết nạp làm thành viên Hội nghị Cấp cao Á-Âu (ASEM) - diễn đàn đối thoại chính trị quan trọng giữa châu Á và châu Âu. ASEM là cơ chế có giá trị và hiệu quả để chúng tôi thảo luận các vấn đề chính trị cùng các đối tác của mình ở châu Á và châu Âu. Năm 2015, Na Uy được chính thức công nhận là đối tác đối thoại theo ngành của ASEAN và trở thành nền kinh tế ngoài khu vực có quy mô trung bình đầu tiên trên thế giới được trao tư cách này.

Quốc hội Na Uy đang thúc đẩy thỏa thuận thương mại Việt Nam-EFTA. (Nguồn: Sputnik)

Tăng cường thương mại đầu tư là một trong những lý do chính mà chúng tôi tiếp cận châu Á. Khu vực này hiện chiếm 30%  GDP toàn cầu, và theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đến năm 2050, con số sẽ tăng lên hơn 50%. Ở các nước như Ấn Độ hay Trung Quốc, tăng trưởng luôn đi kèm với việc đưa hàng trăm triệu người thoát khỏi tình trạng nghèo đói. Việt Nam, từ vị trí một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới đã trở thành nước có thu nhập trung bình vào năm 2010.

Hơn nữa, khi tự do thương mại đang phải đối mặt với nhiều thách thức, nhiều quốc gia châu Á đã có những động thái đáng hoan nghênh nhằm loại bỏ các rào cản thương mại trong khu vực. Na Uy luôn ủng hộ mạnh mẽ tự do thương mại. Mới đây, chúng tôi đã tập hợp được hơn 20 quốc gia tại Oslo để cùng nhau đẩy nhanh chương trình nghị sự về thương mại tự do của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhằm chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng WTO sẽ diễn ra tại Buenos Aires năm 2017.

Quan hệ thương mại giữa Na Uy và châu Á ngày càng phát triển sâu rộng. Hiện ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Na Uy. Kim ngạch mậu dịch của Na Uy với Việt Nam nói riêng đã tăng hơn 30% trong năm qua. Chúng tôi mong muốn quan hệ giao thương với châu Á tăng trưởng nhiều hơn. Là thành viên của Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu, Na Uy coi việc đàm phán các hiệp định thương mại tự do với một số nền kinh tế châu Á, trong đó có Hong Kong (Trung Quốc), Philippines, Singapore, Hàn Quốc và Việt Nam, là ưu tiên hàng đầu. Na Uy cũng đang tiến hành đàm phán với Ấn Độ, Indonesia và Malaysia.

Hướng tới phát triển bền vững và ổn định

Quan hệ kinh tế giữa Na Uy và châu Á đã có bề dày lịch sử vài thế kỷ. Từ những năm 1850, khi Trung Quốc và Ấn Độ là những nền kinh tế lớn chiếm gần 50% GDP toàn cầu, và khi Tokyo (Nhật Bản) còn là thủ đô chỉ có vài triệu dân, đội tàu buôn của Na Uy đã lớn nhất thế giới. Các thương thuyền và đội ngũ hàng ngàn thủy thủ của Na Uy đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của các nước châu Á cách đây 150 năm.

Hiện tại, các công ty trong lĩnh vực hàng hải của Na Uy vẫn giữ vai trò quan trọng tại nhiều quốc gia châu Á. Đồng thời, chúng tôi cũng đầu tư vào lĩnh vực thủy sản, thủy điện và dầu khí. Hiện có khoảng 500 công ty Na Uy hiện diện tại khu vực, góp phần vào sự gia tăng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ở đây. Khu vực công của Na Uy cũng đang đầu tư ở châu Á. Quỹ Hưu trí toàn cầu của Chính phủ Na Uy, một trong những quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới với gần 900 tỷ USD đầu tư ra nước ngoài, đã đầu tư trên 20% vốn của mình vào châu Á.

Đầu năm nay, Na Uy đã trở thành một trong các thành viên sáng lập của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á(AIIB) với số vốn góp là 550 triệu USD. Không phải ngẫu nhiên mà mới đây, Na Uy vừa thành lập hai phái đoàn ngoại giao của mình tại Mumbai (Ấn Độ) và Yangon (Myanmar). Điều này thể hiện cam kết của chúng tôi trong việc hội nhập sâu rộng hơn với châu Á.

Một lĩnh vực hợp tác quan trọng khác với châu Á là Chương trình Nghị sự 2030 và các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Giải quyết các thách thức toàn cầu như giáo dục, y tế và biến đổi khí hậu là những vấn đề quan tâm chung của chúng ta.

Na Uy đã tham gia hợp tác mạnh mẽ với Indonesia trong các nỗ lực giảm phát thải từ phá rừng thông qua Chương trình REDD+, và cam kết hỗ trợ 1 tỷ USD cho các nỗ lực này. Na Uy cũng đang hỗ trợ Việt Nam thực hiện các sáng kiến chuyển đổi lâm nghiệp và cộng tác với các nước láng giềng trong khu vực sông Mekong để giảm bớt tình trạng suy thoái rừng. Hàng hải và thủy sản cũng là những lĩnh vực chúng tôi có thể tạo nên sự khác biệt. Các công ty hàng đầu thế giới của Na Uy trong những lĩnh vực này đã đầu tư vào châu Á.

Với kinh nghiệm của mình, Chính phủ Na Uy hy vọng sẽ khuyến khích sự phát triển của ngành vận tải biển, đánh bắt cá và nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường trong khu vực. Đảm bảo sự trong lành và hiệu quả của đại dương cho các thế hệ tương lai là một ưu tiên quan trọng trong chính sách đối ngoại của Na Uy. Chúng tôi đang hoàn tất việc xây dựng một chiến lược mới của chính phủ để thúc đẩy mục tiêu này, bao gồm cả ở khu vực châu Á.

Lĩnh vực hợp tác quan trọng thứ 3 của Na Uy với châu Á là thúc đẩy hòa bình, ổn định, luật pháp quốc tế và quyền con người. Na Uy đã và đang giữ vai trò hỗ trợ trong các tiến trình hòa bình ở một số nước châu Á. Na Uy là quốc gia ủng hộ tích cực cho quyền con người. Đầu năm nay, Na Uy đã đăng cai tổ chức Hội nghị Quốc tế lần thứ 6 về xóa bỏ án tử hình với sự tham gia của đại diện từ hơn 80 nước trên thế giới.

Những thay đổi toàn cầu đang ảnh hưởng sâu sắc tới châu Á - từ góc độ phát triển kinh tế, trong bối cảnh dịch chuyển địa chính trị, và những tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Chúng ta đều là một phần của cộng đồng quốc tế và đều bị ảnh hưởng bởi những diễn tiến này. Vì thế, Na Uy luôn sẵn sàng hợp tác với các nước trong khu vực, trên cơ sở song phương và thông qua các diễn đàn khu vực, để tìm ra những giải pháp phát triển bền vững và ổn định cho châu Á.

Việt Nam đang trở thành thị trường hấp dẫn đối với các nhà xuất khẩu thủy sản của Na Uy. Đó là nhờ người tiêu dùng Việt Nam đang quan tâm nhiều hơn đến cá hồi Na Uy, cùng với việc Việt Nam đạt được tăng trưởng kinh tế thật ấn tượng và có tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh chóng. Nhiều công ty Na Uy đã được thành lập tại Việt Nam. Các công ty Việt Nam và Na Uy có lợi ích bổ sung cho nhau trong nhiều lĩnh vực, bao gồm cả dịch vụ hàng hải, công nghiệp hàng hải, hàng tiêu dùng, công nghệ thông tin và công nghệ xanh. Việc ký kết EVFTA trong đó có Na Uy và Việt Nam sẽ là bước tiến quan trọng. Một môi trường kinh doanh ổn định và có thể dự đoán là điều rất quan trọng để cho các doanh nghiệp quốc tế và Na Uy hoạt động tại Việt Nam.

Thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Na Uy đã phát triển đáng kể trong thập kỷ qua, nhưng giá trị thương mại vẫn còn khá khiêm tốn, mới đạt khoảng 550 triệu USD trong năm 2015. Trên thực tế còn có những tiềm năng chưa được khai thác như trong lĩnh vực thương mại dịch vụ liên quan đến hàng hải và năng lượng.