Ngày 19/1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Kiev để bày tỏ sự ủng hộ đối với Ukraine. (Nguồn: Reuters) |
Tích cực đàm phán, "còn nước còn tát"
Ngày 19/1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến Kiev để bày tỏ sự ủng hộ đối với Ukraine, quốc gia đang lo ngại trước sức ép từ Nga.
Thực tế Ukraine là chặng đầu tiên trong chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ nhằm giải quyết khủng hoảng giữa Nga và phương Tây xung quanh vấn đề Ukraine. Sau Kiev, ông Blinken đến Berlin để thảo luận với các đối tác Đức, Pháp và Anh. Ngày 21/1, nhà ngoại giao Mỹ dự kiến gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov tại Geneva để tìm cách nối lại đối thoại song phương.
Ngay trước khi Ngoại trưởng Blinken lên đường tới Ukraine, ngày 18/1, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cảnh báo rằng Nga có thể tấn công Ukraine “bất cứ lúc nào”, nhấn mạnh tình hình hiện nay là “cực kỳ nguy hiểm”. Người phát ngôn Lầu Năm Góc cũng cảnh báo về các cuộc diễn tập quân sự của Nga ở Belarus và cho rằng Tổng thống Vladimir Putin “rõ ràng đang xây dựng một lực lượng đủ để có thể chọn nhiều phương án khác nhau”.
Một quan chức Mỹ ngày 18/1 cũng bày tỏ lo ngại rằng kế hoạch cải tổ Hiến pháp ở Belarus sẽ cho phép Nga triển khai các vũ khí nguyên tử tại quốc gia giáp với Ukraine và Ba Lan. Quan chức này còn cho biết các cuộc diễn tập quân sự chung giữa Nga và Belarus được thông báo trong ngày 18/1 “vượt quá mức bình thường” và có thể mở đường cho sự hiện diện quân sự thường trực của Nga ở Belarus.
Ngày 19/1, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Moscow vẫn đang chờ một văn bản cam kết từ phía Mỹ, miêu tả các cuộc gặp trong ngày 21/1 là “đặc biệt quan trọng”.
Tuy nhiên, phát biểu với báo giới sau cuộc gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Ngoại trưởng Dmytro Kuleba, ông Blinken tuyên bố “sẽ không đưa bất kỳ văn bản nào trong cuộc gặp Ngoại trưởng Nga Lavrov”.
Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh: “Chúng tôi cần xem xét thực tế tình hình và xem xét liệu có cơ hội để theo đuổi ngoại giao và theo đuổi đối thoại, điều mà tôi đã nhấn mạnh rằng cho đến lúc này vẫn là con đường được ưu tiên nhất”. “Chúng tôi đặc biệt hy vọng rằng chúng tôi có thể duy trì trên con đường ngoại giao và hòa bình, song xét cho cùng, mọi thứ vẫn phụ thuộc quyết định của Tổng thống Putin”, Ngoại trưởng Blinken nói.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Ukraine Kuleba kỳ vọng các cuộc gặp tại Geneva sẽ khiến Nga “có tinh thần xây dựng hơn”, đồng thời nhấn mạnh Ukraine “không có kế hoạch triển khai chiến dịch tấn công” nhằm vào lực lượng ly khai ủng hộ Nga, điều có thể kích động phản ứng từ Moscow.
Cũng trong ngày 19/1, trao đổi với báo chí, Ngoại trưởng Blinken đã đề cập đến những giải pháp của Mỹ trước nguy cơ Nga xâm lược Ukraine.
Nhà ngoại giao Mỹ cho biết, Washington đã đưa ra cho Nga lựa chọn rõ ràng, hoặc là theo đuổi đối thoại và ngoại giao, hoặc là đối đầu và hậu quả.
Phản ứng kiên quyết theo ba cách
Mỹ đã thúc đẩy các hoạt động ngoại giao tăng cường với Nga, thông qua Đối thoại Ổn định Chiến lược NATO trong khuôn khổ Hội đồng NATO-Nga, cũng như Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), đồng thời bày tỏ hy vọng Nga sẽ theo đuổi con đường ngoại giao đó.
Tuy nhiên, ông Blinken cảnh báo “nếu Nga chọn tiếp tục căng thẳng với Ukraine, chúng tôi (không chỉ là Mỹ mà nhiều quốc gia trên khắp châu Âu và thậm chí một số quốc gia ngoài châu Âu) sẽ phản ứng rất mạnh mẽ và kiên quyết, theo ba cách”.
Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh: “Thứ nhất, chúng tôi đã nỗ lực và quyết liệt nhằm vạch ra chi tiết những chế tài sâu rộng về tài chính, kinh tế, kiểm soát xuất khẩu và các biện pháp khác. Tôi sẽ không nêu chi tiết các chế tài này là gì, nhưng chúng tôi đang làm điều đó trong sự phối hợp rất chặt chẽ với các đồng minh và đối tác châu Âu. Thứ hai, gần như chắc chắn, chúng tôi sẽ bổ sung các hỗ trợ quân sự phòng thủ cho Ukraine. Thứ ba, NATO sẽ phải củng cố hệ thống phòng thủ ở sườn phía Đông”.
Theo Ngoại trưởng Blinken, kịch bản nào xảy đến phụ thuộc phần nhiều vào hành động của Tổng thống Putin.
Về những tín hiệu cho thấy Moscow thay đổi lập trường, Ngoại trưởng Blinken tỏ ý không mấy lạc quan. Ông Blinken nhận định: “Đáng tiếc là, như chúng ta có thể thấy, Nga đang tăng cường lực lượng rất đáng kể trên biên giới của Ukraine. Quá trình đó dường như vẫn tiếp diễn. Mặt khác, việc chúng tôi sẽ gặp nhau ở Geneva, thảo luận về các cuộc trò chuyện và trao đổi mà chúng tôi đã có trong 10 ngày qua cũng cho thấy ngoại giao vẫn là một khả năng để ngỏ, một khả năng mà chúng tôi quyết tâm theo đuổi chừng nào còn có thể được. Chúng tôi muốn tận dụng mọi biện pháp ngoại giao bởi vì một lần nữa, đó là phương cách tốt hơn nhiều và có trách nhiệm hơn nhiều để đối phó với những vấn đề này”.
Thỏa thuận Minsk được coi là giải pháp có giá trị duy nhất cho cuộc khủng hoảng hiện nay, Ngoại trưởng Blinken cho rằng: “Xét một cách công bằng, có nhiều bước mà Ukraine đã thực hiện hoặc bắt đầu thực hiện và còn một số bước vẫn chưa được giải quyết".
Về phía Nga, theo Ngoại trưởng Blinken, Moscow chưa thực sự nghiêm túc trong việc giải quyết xung đột ở vùng Donbass thông qua quy trình Minsk.
Về câu hỏi liệu có khả năng Mỹ tham gia “thể thức Normandy” - một diễn đàn giữa Anh, Pháp, Nga và Ukraine nhằm giải quyết cuộc chiến ở Donbas và được khởi xướng vào năm 2014, Ngoại trưởng Blinken cho rằng vấn đề không phải là sự tham gia của Mỹ, mà là Mỹ “cố gắng tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ định dạng này tốt nhất theo bất kì cách nào mà Mỹ có thể”.
| Triều Tiên phóng tên lửa: Mỹ có thái độ nghiêm túc, phương Tây hối thúc HĐBA họp kín Ngày 18/1, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết, Mỹ rất nghiêm túc về mối đe dọa do các chương trình tên ... |
| Mỹ dọa 'dắt tay' Nga ra HĐBA, tính phương án dự phòng trước nguy cơ xung đột Nga-Ukraine Ngày 14/1, các quan chức Mỹ cho biết, nếu Moscow tiếp tục leo thang khủng hoảng an ninh tại Ukraine, Washington có thể đưa vụ ... |