Ngày 11/8, Ukraine đã đặt lực lượng quân đội của mình quanh khu vực Crimea vào tình trạng báo động cao vì căng thẳng gia tăng sau khi Moscow cáo buộc Kiev âm mưu tấn công vũ trang vào bán đảo đang tranh chấp này.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Nguồn: IBT) |
Trước đó, ngày 10/8, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) cho biết vừa ngăn chặn được “những âm mưu khủng bố” ở Crimea do tình báo quân sự Ukraine thực hiện, và đánh bại một số cuộc tấn công vũ trang.
Tuy nhiên, Kiev đã kịch liệt bác bỏ cáo buộc của Moscow. Những phát ngôn vừa qua lại tiếp tục làm leo thang mâu thuẫn song phương, vốn bùng phát kể từ khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea và khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ gia tăng xung đột.
Cái cớ của sự trừng phạt
Theo Đại sứ Ukraine tại Liên hợp quốc (LHQ) Volodymyr Yelchenko, trong một cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an LHQ, Kiev đã yêu cầu Moscow cung cấp bằng chứng chứng minh cáo buộc về âm mưu khủng bố. Ông Yelchenko nói: “Nếu điều đó thực sự xảy ra thì bằng chứng đâu? Phát ngôn, hình ảnh, video, bất cứ thứ gì để chứng minh. Đằng này chỉ có mỗi lời nói”.
Đại sứ Ukraine tại Liên hợp quốc (LHQ) Volodymyr Yelchenko. (Nguồn: Phái đoàn Ukraine tại LHQ) |
Trước đó, Tổng thống thân phương Tây của Ukraine Petro Poroshenko đã họp với đội ngũ chủ chốt của mình và ra lệnh cho các lực lượng ở khu vực giáp ranh với Crimea và khu vực phía Đông đang xảy ra xung đột “phải ở trong tình trạng báo động cao”. Ông Poroshenko gọi cáo buộc của Moscow là “vô lý và lố bịch”. “Những gì họ nghĩ ra chỉ là một cái cớ nữa để tiếp tục đe dọa quân sự Ukraine” - ông nói.
Hãng tin AFP (Pháp) cũng dẫn lời một quan chức an ninh cấp cao Ukraine rằng tuyên bố của Moscow là một “sự khiêu khích thô thiển” và cho biết Kiev đã “sẵn sàng (đáp trả) trước bất cứ điều gì”, kể cả một cuộc xâm lược.
Về phía Nga, điện Kremlin cho biết, Tổng thống Vladimir Putin đã họp với các quan chức an ninh cấp cao để thảo luận “các biện pháp bổ sung nhằm đảm bảo an ninh cho người dân và các cơ sở hạ tầng thiết yếu ở Crimea”.
Người Phát ngôn của điện Kremlin cho biết, các nhà lãnh đạo đã cân nhắc cẩn thận nhiều kịch bản, “với các biện pháp an ninh chống khủng bố ở biên giới trên bộ, trên biển và trên không thuộc khu vực Crimea”.
Ngày 11/8, Bộ Ngoại giao Nga nhắc lại rằng, Kiev chắc chắn sẽ bị “trừng phạt” vì các hành vi của mình. Bộ này cho biết, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp, Ngoại trưởng Sergei Lavrov thúc giục phương Tây phải cảnh báo Kiev về “những quyết định nguy hiểm có thể gây những hậu quả tiêu cực nhất”.
Cả nước Nga, kể cả các cử tri tại Crimea, đang chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử Quốc hội trong tháng 9 tới, và FSB cho rằng, các vụ tập kích có thể là nhằm gây bất ổn trước thềm sự kiện quan trọng này.
Đối tượng Yevgen Panov. (Nguồn: AP) |
Nga cho biết đã bắt giữ một số công dân Ukraine và Nga có liên quan tới các âm mưu tấn công này, trong đó có một người được cho là sĩ quan tình báo quân sự Ukraine có tên Yevgen Panov. Truyền hình Nga vừa chiếu một đoạn phim của FSB về việc hỏi cung Panov. Anh ta thú nhận là được tình báo quân sự Ukraine tuyển lựa và các mục tiêu tấn công là một chiếc phà, một trung đoàn trực thăng, một kho dầu và một nhà máy hóa chất. Trong khi đó, phía Kiev tuyên bố Panov đã bị bắt làm “con tin”.
Câu chuyện đàm phán
Một quan chức thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết, liên quân do Mỹ đứng đầu đang theo dõi tình hình và rất lo ngại các diễn biến liên quan tới vấn đề Crimea. Quan chức đề nghị không nêu tên này nói: “Hoạt động quân sự gần đây của Nga ở Crimea không giúp làm giảm căng thẳng”, đồng thời kêu gọi Moscow “có các hành động kiềm chế và tránh leo thang xung đột”.
Mỹ cũng kêu gọi hai bên giữ bình tĩnh. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Elizabeth Trudeau cho biết, Washington “hết sức quan ngại”. Bà nói: “Chúng tôi kêu gọi (các bên) tránh có những hành động khiến tình hình trở nên căng thẳng hơn”, và thúc giục các bên trở lại bàn đàm phán.
Tổng thống Putin cùng Thủ tướng Angela Merkel và Tổng thống Fraincois Hollande. (Nguồn: Japan Times) |
Cuộc khẩu chiến giữa hai bên lần này được cho là nấc thang mâu thuẫn cao nhất trong những tháng qua, trong bối cảnh cuộc chiến ly khai ở miền Đông Ukraine - điều mà Kiev và phương Tây đổ lỗi cho Nga - vẫn tiếp diễn, dù hai bên đã ký một thỏa thuận hòa bình. Trong khi đó, Tổng thống Putin cho rằng, một cuộc họp với nhà lãnh đạo Ukraine Poroshenko và các nhà trung gian là Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Fraincois Hollande tại hội nghị G-20 ở Trung Quốc vào tháng tới là “vô ích”.