Ảnh minh họa. |
Có thể thấy, quá trình chuyển dịch sang cục diện “đa cực, đa trung tâm” sẽ nhiều gập ghềnh, bất trắc. Nhiều quan điểm, chiến lược, “luật chơi” mới sẽ manh nha hình thành, trong khi trật tự cũ với các “luật chơi” hiện hành chưa mất đi. Nhiều tập hợp lực lượng mới được hình thành, nhiều cọ xát lợi ích, điểm nóng mới phát sinh hoặc leo thang.
Có lúc, có nơi, thế giới đã rơi vào trạng thái hoang mang, lẫn lộn giữa đúng, sai, phải, trái khi nhiều nguyên tắc, chuẩn mực, quy tắc ứng xử đã trở thành luật hoặc tập quán của quan hệ quốc tế không còn được các bên nghiêm chỉnh tôn trọng, có các cách diễn giải khác biệt, hoặc áp dụng tuỳ tiện, thiếu nhất quán.
Bức tranh xám màu
Xung đột Nga-Ukraine sang năm thứ ba, chưa có dấu hiệu xuống thang, chưa thấy ánh sáng hoà bình cuối đường hầm. Cuộc đối đầu về quân sự dần mở rộng thành đối đầu về công nghệ, truyền thông, ý chí, về sức mạnh kinh tế của hai bên, đặc biệt là về năng lực chuyển hoá nền kinh tế nhanh chóng, hiệu quả sang phục vụ ở thực địa giao tranh.
Nga tỏ ra nhanh chóng, hiệu quả hơn khi đã tăng sản lượng công nghiệp quốc phòng lên 15%. Trong khi đó, Ukraine và các nước phương Tây chật vật hơn, song cũng đã có các biện pháp chiến lược. Liên minh châu Âu (EU) công bố Chiến lược công nghiệp quốc phòng nhằm tăng cường khả năng tự chủ về quốc phòng.
Bộ Quốc phòng Mỹ công bố Chiến lược công nghiệp quốc phòng quốc gia (NDIS) nhằm bảo đảm chuỗi cung ứng quốc phòng có thể sản xuất các sản phẩm, dịch vụ và công nghệ với tốc độ và quy mô đủ đáp ứng cho nhu cầu tiêu hao cao của các xung đột vũ trang.
Các bên đều hiểu rằng, với xung đột, các chỉ số GDP, sức mạnh tài chính, các khoản ngân sách hoặc tài trợ sẽ trở nên vô nghĩa nếu không chuyển hoá thành sức mạnh sản xuất công nghiệp nhanh chóng, kịp thời.
Trong khi căng thẳng ở châu Âu chưa lắng xuống thì xung đột ở Trung Đông đã cướp đi sinh mạng của hơn 33.000 người Palestine, trong đó rất nhiều phụ nữ và trẻ em, tạo ra khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Không dừng lại ở Dải Gaza, căng thẳng lan rộng sang các khu vực khác như Lebanon, khiến ít nhất 175 người Lebanon và 15 người Israel thiệt mạng, cùng với sự di dời của hàng chục nghìn người dân. Các cuộc đàm phán ngừng bắn diễn ra nhưng chưa đạt kết quả đáng kể. Cuộc tranh luận giữa quyền tự vệ chính đáng, nghĩa vụ “đáp trả tương xứng” và tôn trọng luật pháp nhân đạo quốc tế của Israel vẫn kéo dài, trong khi máu vẫn đổ.
Ở Biển Đỏ, nhóm Houthi từ Yemen đã tiến hành nhiều cuộc tấn công vào tàu thương mại, làm gián đoạn nghiêm trọng tuyến đường vận chuyển quan trọng này, đẩy phí container từ châu Á đến Bắc Mỹ lên 38%, đạt mức hơn 4.000 USD cho mỗi container 40 feet (FEU), đến Bờ Đông nước Mỹ tăng 21% lên mức 6,152 USD/FEU. Các tuyến đường từ châu Á đến Bắc Âu và Địa Trung Hải ghi nhận mức tăng tương tự, với giá cước tăng hơn 50% ở nhiều khu vực. Các vụ tấn công và trả đũa lẫn nhau giữa Israel và Iran thiếu chút nữa đã có thể đẩy vòng xoáy bạo lực ở Trung Đông vượt giới hạn kiểm soát, với hệ lụy khó tưởng tượng nổi.
Ở khu vực châu Á, tuy không có xung đột, đối đầu quân sự, song tình hình nhiều điểm nóng đang diễn biến xấu. Ngay những ngày đầu năm, Triều Tiên tuyên bố bãi bỏ mục tiêu thống nhất với Hàn Quốc, thay vào đó bằng chính sách đối đầu quân sự, và kèm theo liên tiếp các vụ thử tên lửa đạn đạo, bao gồm tên lửa xuyên lục địa, và các cuộc tập trận bắn đạn thật gần biên giới với Hàn Quốc. Triều Tiên đã triển khai máy bay chiến đấu và tiến hành diễn tập quân sự gần biên giới trên biển và trên không. Hàn Quốc đáp trả bằng cách đình chỉ Hiệp định quân sự liên Triều 2018 và tăng cường diễn tập chung với Mỹ và Nhật Bản, càng làm cho không khí căng thẳng, đối đầu ở bán đảo Triều Tiên dâng cao.
Căng thẳng mới leo thang ở eo biển Đài Loan. Sau lễ nhậm chức của ông Lại Thanh Đức, ứng cử viên Đảng Dân tiến (DPP) đắc cử người đứng đầu chính quyền Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc trả đũa bằng chiến dịch quân sự “Liên kiếm-2024A” lần đầu tiên với cả ba lực lượng hải quân, không quân và lực lượng tên lửa rocket, với hơn 100 máy bay và hàng chục tàu hải quân, tiến hành các hoạt động tấn công giả lập trên không và trên biển, vượt qua đường trung tuyến của eo biển Đài Loan. Các cuộc tập trận này sử dụng các loại vũ khí tiên tiến như máy bay chiến đấu J-20, tên lửa đạn đạo Đông Phong và hệ thống phóng rocket PHL-16. Các hoạt động diễn ra cả ở phía Bắc và phía Nam Đài Loan, bao gồm cả mô phỏng tấn công vào các cơ sở quân sự.
Căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc tại Biển Đông cũng leo thang đáng kể, đặc biệt là tại bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) và bãi Hoàng Nham (Scarborough Shoal), nhất là sau khi tàu hải cảnh Trung Quốc nhiều lần chặn và sử dụng vòi rồng áp lực cao để tấn công các tàu của Philippines, cản trở nỗ lực tiếp tế cho các binh sĩ đóng trên tàu chiến cũ BRP Sierra Madre của Philippines, gây thương tích cho các thủy thủ và làm hư hỏng tàu công vụ Philippines. Việc Philippines đệ trình ranh giới ngoài thềm lục địa lên Liên hợp quốc (LHQ) hôm 14/6 sẽ khuấy động những tranh luận về pháp lý giữa các nước có yêu sách ở Biển Đông, tương tự như cuộc tranh luận bằng công hàm tại LHQ năm 2019-2020.
Không chỉ nóng về địa chính trị, thế giới sáu tháng đầu năm 2024 còn nóng kỷ lục do biến đổi khí hậu gây ra. Tháng 1/2024 được ghi nhận là tháng 1 ấm nhất trong lịch sử, với nhiệt độ bề mặt toàn cầu cao hơn 1,27°C so với mức trung bình của thế kỷ XX. Lượng mưa toàn cầu cũng đạt gần mức kỷ lục, gây ra lũ lụt nghiêm trọng ở nhiều khu vực, trong khi nhiều vùng khác lại trải qua hạn hán và nguy cơ cháy rừng tăng cao.
Tích cực nhưng vẫn khó lường
Trong bức tranh xám màu đó của môi trường an ninh toàn cầu, có thể thấy vài tia sáng tích cực.
Quan hệ Mỹ-Trung có dấu hiệu ấm lên trong năm 2024, tập trung duy trì đối thoại và kiểm soát cạnh tranh. Hai nước tiếp tục duy trì các tương tác ở cấp cao, sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC ở San Francisco vào tháng 11/2023. Mỹ và Trung Quốc mở lại các kênh liên lạc quân sự và cam kết tăng cường hợp tác về các vấn đề toàn cầu như giảm phát thải khí nhà kính và chất gây nghiệm fentanyl. Dù còn nhiều điểm bất đồng, cả hai bên đều nỗ lực để tránh leo thang căng thẳng và duy trì ổn định khu vực. Xu hướng này được kỳ vọng tiếp tục vì cả hai quốc gia đều hiểu lợi ích của việc hợp tác, ngay cả khi cạnh tranh chiến lược vẫn tồn tại.
Tình hình kinh tế thế giới có những dấu hiệu tăng trưởng tích cực, tuy vẫn còn nhiều thách thức đáng kể. Theo IMF, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến đạt 3,1% trong năm 2024, cao hơn so với dự báo trước đó nhờ vào sức mạnh kinh tế của Mỹ, sự phục hồi phần nào sức mua của Trung Quốc và một số nền kinh tế đang phát triển lớn khác. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng này vẫn thấp hơn so với mức trung bình lịch sử từ năm 2000 đến 2019 là 3,8%. Lạm phát toàn cầu giảm đáng kể so với mức cao kỷ lục trong năm 2022. Tại Mỹ, lạm phát cơ bản dự kiến giảm xuống còn 2,4% trong năm 2024, từ mức 3,4% của năm trước.
Kinh tế Đông Nam Á trong sáu tháng đầu năm 2024 tăng trưởng 4,6%, tiếp tục cao hơn nhiều mức bình quân của thế giới, với sự phục hồi mạnh mẽ từ các ngành du lịch và sản xuất điện tử. Các quốc gia như Indonesia và Việt Nam tiếp tục được xem là đạt tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, khu vực vẫn đối mặt với thách thức từ lạm phát và rủi ro từ căng thẳng địa chính trị và cạnh tranh giữa các nước lớn.
Dự báo, nửa sau năm 2024 còn nhiều yếu tố khó lường. Cuộc bầu cử Mỹ bước vào giai đoạn nước rút sẽ khiến Mỹ tạm thời phân tâm, tập trung vào các vấn đề nội bộ. Các sáng kiến ngừng bắn mong manh ở Trung Đông sẽ có kết cục ra sao nếu thiếu sự quyết tâm thúc đẩy của Mỹ và cá nhân Tổng thống Biden?
Trong khi đó, chiến dịch quân sự mùa Hè trên thực địa giữa Nga-Ukraine năm nay được cho là có thể quyết định phương hướng giải quyết xung đột.
Ở khu vực châu Á, kỳ họp Trung ương lần thứ ba của Đảng Cộng sản Trung Quốc (dự kiến vào tháng Bảy) sẽ quyết định phương hướng phát triển của Trung Quốc trong nhiều năm tới.
Hy vọng rằng, các ưu tiên chính trị nội bộ sẽ khuyến khích Mỹ và Trung Quốc duy trì đà hợp tác hiện nay, kiểm soát tốt cạnh tranh chiến lược, giảm bớt lo ngại cho thế giới trong tình hình rối ren hiện nay.
| Hội nghị thượng đỉnh G7: Vượt khó có thành? Khó khăn trong nước, thách thức quốc tế “bủa vây” lãnh đạo các nước thành viên khiến Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay ở ... |
| Bầu cử ở Ấn Độ: Chiến thắng sít sao, bài toán dang dở Không nằm ngoài dự đoán, Liên minh Dân chủ quốc gia (NDA) cầm quyền do Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) của đương kim Thủ ... |
| Quan điểm của Mỹ và Trung Quốc từ Đối thoại Shangri-La Mặc dù có một số điểm chung, bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc ... |
| Canh bạc chính trị mới của ông Macron Trước thất bại nặng nề của Đảng cầm quyền Phục hưng trong cuộc đua vào Nghị viện châu Âu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ... |
| Điều ẩn sau khủng hoảng ở Trung Đông và xung đột Israel-Iran Trung Đông chồng chất mâu thuẫn, kéo dài từ lịch sử đến đương đại, hiện vẫn chưa thấy lối thoát. Tình hình ngày càng khó ... |