Ngày 19/4, Israel tập kích tên lửa vào mục tiêu quân sự ở tỉnh Isfahan, Iran. Đòn tập kích có quy mô hạn chế, mang tính biểu tượng nhưng ẩn chứa những thông điệp cứng rắn của Tel Aviv: trả đũa cuộc tấn công ngày 13/4, thể hiện sức mạnh, răn đe Iran và các đối thủ, rằng bất cứ mục tiêu nào, ở bất cứ đâu, họ đều có thể nhắm đến.
Cả Israel và Iran đều chưa sẵn sàng cho một cuộc chiến khốc liệt, khó lường. (Nguồn: Canal13) |
Hơn một tuần sau đòn không kích của Israel, Iran vẫn chưa có hành động đáp trả trực tiếp nào, ngoài những tuyên bố mạnh mẽ. Thế giới tạm thở phào nhẹ nhõm. Dù đối đầu giữa Israel và Iran đã chuyển từ “bóng tối” ra “ánh sáng”, nhưng kịch bản tồi tệ nhất không/chưa xảy ra. Có nhiều lý do.
Cả Israel và Iran đều chưa sẵn sàng cho một cuộc chiến khốc liệt, khó lường; đều không muốn làm mất lòng đồng minh, đối tác, tránh chịu thêm áp lực quốc tế và đều có những vấn đề nội bộ. Ưu tiên trước mắt của Israel là xóa sổ Hamas, bình định Dải Gaza. Mở cuộc chiến trực tiếp với Iran, Israel sẽ phải đối đầu với đồng thời nhiều đối thủ, trên nhiều mặt trận. Đối với Iran, cách thức hành động (như đánh giá của dư luận), hậu thuẫn cho Hezbolla, Houthi, lực lượng dân quân ở Syria, Iraq vẫn tối ưu hơn.
Phản ứng của quốc tế, khu vực có tác động đáng kể, nhưng phải thừa nhận Mỹ có vai trò lớn trong việc hạ nhiệt căng thẳng giữa hai đối thủ không đội trời chung. Washington phân tích hơn thiệt với Tel Aviv, trực tiếp và thông qua các quốc gia Arab cảnh báo, răn đe Tehran… Vì sao Mỹ hành động như vậy? Nó cho thấy điều gì?
Thứ nhất, cục diện Trung Đông hiện có lợi cho Mỹ. Các nước Arab ngày càng tỏ ra độc lập, tự chủ hơn; OPEC không ít lần khước từ yêu cầu của Mỹ về sản lượng dầu mỏ. Nhưng một số nước Arab lo ngại sức mạnh quân sự của Israel và bất ổn khu vực, tìm cách “tránh nắng” trong cái ô của Mỹ. Thông qua vai trò quốc tế của đồng USD và hệ thống tài chính do phương Tây chi phối, Mỹ thu lợi lớn từ dầu mỏ và bán vũ khí. Với Mỹ, duy trì cục diện ở Trung Đông hiện nay tốt hơn là để xảy ra cuộc chiến toàn khu vực, có thể vượt tầm kiếm soát.
Thứ hai, dù Trung Quốc, Nga và một số nước muốn gia tăng hiện diện, ảnh hưởng ở Trung Đông, nhưng Mỹ mới là người có vai trò quyết định nhất. Giải quyết khủng hoảng ở Trung Đông, rộng ra là các vấn đề toàn cầu, không thể không có Mỹ.
Thứ ba, nếu xung đột giữa Israel và Iran bùng phát thành cuộc chiến khu vực, Mỹ sẽ gặp không ít khó khăn, có thể bị lôi kéo vào vòng xoáy bạo lực, khó thoát ra mà không bị tổn thất. Can dự đồng thời vào hai cuộc xung đột lớn, khó lường, có nguy cơ sa lầy là điều Washington muốn tránh. Cuộc chiến Israel-Iran làm cho xung đột giữa Israel và Hamas, rộng ra là xu hướng đối thoại giữa các đối thủ trong khu vực thêm mờ mịt, làm suy giảm vai trò gỡ rối, cầm trịch của Mỹ. Trung Quốc, Nga và một số nước khác có cơ hội gia tăng ảnh hưởng ở Trung Đông.
Thứ tư, Washington trực tiếp hỗ trợ quân sự cho đồng minh Israel khiến quân Mỹ trở thành mục tiêu tấn công ở nhiều nơi. Tác động của nó rất khó lường đối với cử tri Mỹ, trong khi ngày bầu cử đã cận kề.
Thứ năm, giữa nói và làm của Washington vẫn có khoảng cách. Mỹ nói ủng hộ giải pháp hai nhà nước, nhưng là quốc gia duy nhất ngăn chặn Hội đồng Bảo an ủng hộ kết nạp Palestine làm thành viên của Liên hợp quốc trong cuộc bỏ phiếu ngày 18/4. Trước đó, Mỹ đã ba lần phủ quyết dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an về ngừng bắn ở Dải Gaza. Lần gần nhất, ngày 25/3, Mỹ bỏ phiếu trắng, nhưng đỡ cho Israel bằng cách nói nghị quyết không ràng buộc!
Hành động của Mỹ không khó hiểu, bởi Israel là đồng minh lớn nhất của Mỹ ngoài NATO, là “mỏ neo” để Mỹ thực hiện mục tiêu chiến lược giữ Trung Đông trong vòng tay và duy trì lợi ích quốc gia ở khu vực cực kỳ trọng yếu, nằm giữa “hai đại dương, ba châu lục”, là “rốn dầu” của thế giới.
Phần còn lại của một tên lửa đạn đạo Iran nằm trên sa mạc gần thành phố phía Nam Arad, Israel, ngày 24/4. (Nguồn: Reuters) |
Căng thẳng giữa Israel và Iran hiện thời chưa leo thang đến mức bùng phát chiến tranh, nhưng cũng không thấy bất cứ yếu tố nào có thể khiến hai đối thủ chấp nhận thỏa hiệp, lùi bước, dù là tạm thời. Tình thế cận kề bên miệng hố chiến tranh vẫn treo lơ lửng.
Chiến tranh có thể bùng phát, từ bất cứ một tính toán sai lầm nào, những sự cố ngoài ý muốn. Đó có thể là đánh giá đối thủ không đáng ngại (hầu hết phương tiện tiến công đường không bị ngăn chặn từ ngoài lãnh thổ); hoặc tin tức tình báo đề xuất phải đánh đòn phủ đầu trước khi quá muộn; quyết tâm ngăn chặn khả năng đối phương chế tạo vũ khí hạt nhân… Nghĩa là “ngòi nổ chưa được tháo”, Trung Đông vẫn là “một chảo lửa”.
Xung đột giữa Israel và Iran, rộng ra là khủng hoảng ở Trung Đông bắt nguồn từ những mâu thuẫn phức tạp, dai dẳng từ lịch sử đến hiện taị, liên quan cả bên trong và bên ngoài. Mỹ chứng tỏ họ có vai trò quan trọng trong ngăn chặn leo thang căng thẳng hiện thời, nhưng nhiều quốc gia cũng cho rằng Washington có trách nhiệm rất lớn nếu cuộc chiến giữa Israel và Iran bùng phát ra toàn khu vực.
| Xung đột Iran-Israel trước nguy cơ leo thang, toan tính và những kịch bản nguy hiểm Đằng sau cuộc tấn công của Iran, khả năng Israel trả đũa và ngày càng nhiều lời kêu gọi kiềm chế từ cộng đồng quốc ... |
| Bầu cử Hạ viện Ấn Độ: Khẳng định ‘con đường Modi’ Dù cuộc bầu cử Lok Sabha (Hạ viện Ấn Độ) dự kiến kéo dài 6 tuần, bắt đầu từ ngày 19/4 và phải đến 4/6 ... |
| Sau 'nốt trầm' hồi tháng Một, Tổng thống Iran bắt đầu thăm Pakistan Ngày 22/4, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã tới thủ đô Islamabad, bắt đầu chuyến thăm chính thức kéo dài 3 ngày tại Pakistan, nhằm ... |
| Điểm tin thế giới sáng 23/4: Hàn Quốc 'tiếp cận chiến lược nhất' với Nga, Ba Lan đón hai khách quý, Bulgaria bất ngờ cải tổ nội các Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng nay, 23/4. |
| Tấn công cơ quan ngoại giao... không phải chuyện hiếm! Đầu tháng 4/2024, thế giới bị chấn động bởi hai vụ tấn công cơ quan đại diện nước ngoài. Đây không phải là lần đầu ... |