Hãy nghe một số nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nói về triển vọng phát triển theo cách nhìn nhận riêng của họ trong hội thảo Đầu tư trực tiếp nước ngoài - bước song hành của WTO.
Nhà đầu tư song hành cùng VN
Việt Nam lôi cuốn đầu tư, không chỉ bởi sự ổn định về chính trị, tốc độ phát triển kinh tế, các nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện các cam kết với WTO, các hiệp định song phương và đa phương, mà còn là những cơ hội lớn trong kinh doanh. Thậm chí, tình trạng cơ sở hạ tầng yếu kém, lực lượng lao động non trẻ và khả năng cung cấp năng lượng hạn chế hiện đang là điểm yếu của Việt Nam lại đang được các nhà đầu tư nước ngoài nhìn nhận như một cơ hội lớn. Hơn thế, trong bối cảnh chính sách đầu tư của Việt Nam đang mở rộng nhằm thu hút các nguồn vốn khác tham gia vào đầu tư cơ sở hạ tầng, giáo dục-đào tạo… giảm áp lực cho ngân sách, thì các nhà đầu tư lớn còn nhận thấy lợi thế so sánh giữa Việt Nam và các nước khác trong khu vực.
Đồng tình với những ý kiến trên, ông Nguyễn Hà Ngãi,Phó TGĐ Công ty liên doanh Tháp Trung tâm Hà Nội (HTC) chia sẻ, Việt Nam có “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, đây chính là yếu tố tạo nên thành công của HTC. Đất đai thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên phong phú chính là lợi thế lớn của Việt Nam. Nếu chịu khó tìm hiểu thị trường một chút thì thấy có rất nhiều ngành nghề ở các nước phát triển chưa hề xuất hiện ở Việt Nam. Và ngược lại, nhiều ngành nghề mà Việt Nam chưa thể tự làm và nếu tự làm sẽ không đạt được chất lượng quốc tế. Đây chính là mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư nước ngoài dụng võ. Tuy nhiên, ông Ngãi cũng đặt ra vấn đề, tốc độ phát triển kinh tế Việt Nam và chất lượng nguồn nhân lực chưa tương xứng. Giải pháp đưa ra là đào tạo lại ngay tại doanh nghiệp như mô hình ở Nhật Bản, đã được áp dụng khá thành công ở HTC.
Còn Ông Kim Won-ho, Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư và Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam (Kotra) vẫn khẳng định, ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp Hàn Quốc hiện nay là xúc tiến đầu tư tại Việt Nam, củng cố vững vị trí số 1 của mình. Nhưng ông Kim cũng thẳng thắn chỉ ra những yếu tố đang cản trở các nhà đầu tư Hàn Quốc như: năng lực cơ sở hạ tầng yếu (hệ thống giao thông vận tải, quá trình giải phóng mặt bằng, hệ thống thông tin), dịch vụ công kém phát triển, ít thông tin tới nhà đầu tư, luật pháp còn bị hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau…
Tâm đắc với 5 thuận lợi hiện có của Khu công nghiệp Đình Vũ, về Môi trường kinh tế, Quy hoạch vùng, Hạ tầng cơ sở, Nguồn nhân lực và Khuôn khổ pháp lý, ông Carlos Nascimento, Phó TGĐ Công ty liên doanh phát triển Đình Vũ cũng không quên nhắc tới 3 yêu cầu dành cho Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài từ kinh nghiệm đầu tư của mình. Đó là, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương đối với các nhà đầu tư, sự cần thiết trong nâng cấp cơ sở hạ tầng (đa dạng nguồn năng lượng, đường sá…) và sự rõ ràng trong các quy hoạch phát triển vùng và tổng thể với các ưu tiên phù hợp. Tuy nhiên, “Việt Nam có tương lai rất lớn, chúng tôi muốn có được một phần ở trong đó” là câu kết luận cuối cùng của ông Carlos.
Cải thiện để vượt lên
Bước vào giai đoạn phát triển mới, tiếp tục khẳng định vị thế ổn định của môi trường đầu tư Việt Nam với giới đầu tư nước ngoài. Cần có cách ứng xử mới với FDI, vì vậy, mục tiêu không chỉ còn là thu hút nhiều vốn FDI hơn, mà sử dụng nguồn vốn này thế nào cho hiệu quả mới là chính yếu. Ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch & Đầu tư Việt Nam đã khẳng định, trong năm 2008 đầu tư nước ngoài sẽ được cải thiện cả về lượng và chất, các dự án đầu tư mới sẽ hướng dần đến những ngành, lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn, kết cấu hạ tầng, gia tăng xuất khẩu, tạo việc làm, dự án sản xuất sản phẩm và dịch vụ có sức cạnh tranh.
Ông Thắng nhấn mạnh, “Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực chuẩn bị tốt các điều kiện thuận lợi nhất và sử dụng có hiệu quả nhất dòng vốn đầu tư nước ngoài đang tăng mạnh tại Việt Nam, trong đó có việc thực hiện có hiệu quả và đúng lộ trình các cam kết song phương và đa phương trong quá trình hội nhập quốc tế; tiếp tục hoàn thiện cơ chế thị trường, cải cách thủ tục hành chính, hệ thống tài chính, ngân hàng; tăng cường cải thiện nguồn nhân lực, khắc phục các yếu kém về kết cấu hạ tầng và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ”.
Tuệ Minh