Nhỏ Bình thường Lớn

Năm 2022, kinh tế châu Á sẽ tiếp tục 'đau đầu' bởi những thách thức này

Tờ Nikkei Asia vừa đăng bài phân tích của ông William Bratton, tác giả cuốn sách Sự trỗi dậy của Trung Quốc, sự suy tàn của châu Á, về các rủi ro đối với kinh tế châu Á trong năm 2022.

Bài viết khẳng định bốn rủi ro lớn ở tầm vĩ mô đối với kinh tế châu Á gồm: dịch Covid-19 tái bùng phát, lãi suất tăng ở Mỹ, tăng trưởng chậm hơn dự báo của Trung Quốc, và tình trạng căng thẳng gia tăng đối với vấn đề Đài Loan (Trung Quốc).

Một trong những thách thức khi xem xét triển vọng ngắn hạn của châu Á là các xu hướng đang định hình tương lai kinh tế, tài chính và chính trị của châu lục này thường là những vấn đề kéo dài nhiều thập kỷ. Các xu hướng này vẫn tiếp diễn và thường khiến người ta sai lầm khi cho rằng các xu hướng trong 12 tháng tới sẽ khác hẳn về chất so với các xu hướng tiêu biểu đã tồn tại trong những năm gần đây.

Do vậy, cho dù năm 2022 có thể chứng kiến những giai đoạn biến động và bất định gia tăng nhưng sẽ không chứng kiến những thay đổi lớn đối với quỹ đạo hiện tại.

Năm 2022, kinh tế châu Á sẽ tiếp tục 'đau đầu' bởi những thách thức này
Năm 2022, kinh tế châu Á vẫn đứng trước những thách thức lớn. (Nguồn: WB)

Dịch Covid-19

Theo tác giả William Bratton, có thể giả định rằng dịch bệnh sẽ lắng dịu trong năm 2022 cho dù các nước trong khu vực có cách bình thường hóa khác nhau và biến thể Omicron đang tạo ra làn sóng lây nhiễm ở thời điểm hiện tại.

Mặc dù các biến thể mới có thể làm chậm nỗ lực bình thường hóa và thậm chí dẫn đến một năm “mất mát” khác đối với các quốc gia nhất định, nhưng giờ đây, dường như có sự đồng thuận rằng các biện pháp hạn chế đi lại cứng rắn trước đó đã không còn bền vững do chi phí kinh tế-xã hội phát sinh khi thực hiện các biện pháp này và khi phần lớn dân số đã được tiêm chủng.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là trường hợp ngoại lệ với quan điểm Zero Covid. Bắc Kinh có thể sẽ duy trì quan điểm này cho đến sau Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc và sau đó. Cho dù việc đóng cửa biên giới hầu như không tác động đến động lực tăng trưởng của Trung Quốc, nhưng việc khách du lịch Trung Quốc cùng với hầu bao khá lớn của họ tiếp tục vắng bóng ở nước ngoài sẽ tác động tới nhiều nước láng giềng.

Fed hé lộ kế hoạch lãi suất năm 2022

Fed hé lộ kế hoạch lãi suất năm 2022

Ngày 15/12, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã công bố một mốc thời gian nhanh hơn để rút lại các biện pháp kích ...

Fed tăng lãi suất

Trong khi dịch bệnh sẽ lắng dịu, lãi suất ở Mỹ sẽ trở thành một vấn đề lớn khi có xu hướng tăng lên trong năm nay. Các thị trường dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất ít nhất hai lần trong năm nay, trong khi việc chấm dứt các biện pháp nới lỏng định lượng hiện tại sẽ hạn chế sự luân chuyển của dòng vốn, vốn đã mang lại lợi ích cho phần lớn châu Á trong thập kỷ qua.

Trong quá khứ, những động thái như vậy của Fed thường dẫn đến sự xáo trộn. Điều này thấy rõ trong năm 2013 (Fed thông báo giảm dần quy mô chương trình mua trái phiếu, ảnh hưởng đến các thị trường châu Á), khi các động thái của Fed gây chấn động khắp khu vực và gây lo lắng cho cả nhà đầu tư và các nhà hoạch định chính sách.

Tuy nhiên, bối cảnh ngày nay đã thay đổi đáng kể. Các nước châu Á có thể sẽ mau phục hồi hơn so với nhiều thị trường mới nổi khác, khi Mỹ bước vào chu kỳ thắt chặt tiền tệ.

Ở một mức độ nào đó, điều này phản ánh các nền tảng cơ bản mạnh mẽ hơn của khu vực này, trong đó có việc các cán cân với bên ngoài đã được cải thiện, dự trữ ngoại hối nhiều hơn, áp lực lạm phát giảm và bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp tốt hơn. Ngoài ra còn có sự hiểu biết tốt hơn về thể chế liên quan tới việc vận dụng chính sách và quy định để kiểm soát các giai đoạn căng thẳng tài chính.

Phải thừa nhận rằng có những ngoại lệ đối với quan điểm trên, chẳng hạn như áp lực lạm phát tương đối cao ở Ấn Độ. Tuy nhiên, nhìn chung, việc khu vực hóa ngày càng tăng của hệ thống kinh tế châu Á, phản ánh ở tăng trưởng trên thị trường nợ bằng đồng nội tệ và việc giảm phụ thuộc vào nguồn vốn bằng đồng USD, đã tạo ra sự ngăn cách giữa các nước châu Á với các xu hướng ở bên kia bờ Thái Bình Dương.

Kinh tế Trung Quốc

Trên thực tế, nhân tố quan trọng hơn chính là triển vọng kinh tế của Trung Quốc, chứ không phải của Mỹ. Các dự báo hiện tại cho thấy nền kinh tế Trung Quốc sẽ đạt tốc độ tăng trưởng trong khoảng từ 5,3-5,6% trong năm 2022. Đây sẽ là sự giảm tốc rõ rệt so với tỷ lệ tăng trưởng 8% mà Trung Quốc đạt được trong năm 2021.

Tin liên quan
Gia nhập CPTPP, Trung Quốc tham vọng Gia nhập CPTPP, Trung Quốc tham vọng 'vẽ lại' bức tranh địa kinh tế châu Á?

Việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại trong thời gian gần đây có thể là dấu hiệu cho thấy một môi trường chính sách lành mạnh hơn, và điều này sẽ làm giảm đáng kể rủi ro suy giảm tăng trưởng.

Ở chiều ngược lại, các rủi ro địa-chính trị của khu vực sẽ tiếp tục gia tăng trong suốt năm 2022 bởi vì, một điều không thể tránh khỏi là khi sức mạnh và ảnh hưởng tương đối của Trung Quốc tăng lên, các mâu thuẫn với nước bá chủ toàn cầu hiện tại cũng sẽ tăng lên theo.

Trong một số tình huống, có thể tránh được các cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ bằng sự phát triển của các hệ thống song song. Ví dụ, các nỗ lực của Trung Quốc nhằm xây dựng một cấu trúc tài chính xoay quanh đồng nhân dân tệ kỹ thuật số (để thay thế cho cấu trúc tài chính xoay quanh đồng USD) sẽ rất đáng theo dõi trong năm nay. Mặc dù các giải pháp như vậy có thể cho phép hai siêu cường cùng tồn tại, nhưng chúng sẽ buộc phần còn lại của châu Á phải đưa ra những lựa chọn rất khó khăn giữa sự giàu có về kinh tế của Trung Quốc và chiếc ô an ninh của Mỹ.

Vấn đề Đài Loan

Điểm nóng thực sự của khu vực tất nhiên sẽ là Đài Loan. Có thể giả định một cách an toàn rằng ở một số giai đoạn, vùng lãnh thổ này sẽ trở nên lộn xộn khi Trung Quốc đã nêu rõ ràng ý định của mình. Câu hỏi thực sự duy nhất là vấn đề thời gian.

Điều quan trọng là căng thẳng khó có thể bùng phát trong năm 2022. Không chỉ là vì Trung Quốc muốn có một bối cảnh hòa bình cho Đại hội toàn quốc của Đảng, mà còn vì quân đội nước này có thể chưa hoàn toàn sẵn sàng, mặc dù có nhiều tiến bộ vượt bậc về công nghệ.

Tuy nhiên, về cơ bản, tiến trình hội nhập của Trung Quốc vào nền kinh tế toàn cầu đang tạo ra những sự phụ thuộc và dễ bị tổn thương, vốn đang hạn chế phạm vi hoạt động của nước này.

Trong bối cảnh như vậy, trong 12 tháng tới, châu Á sẽ không phải đối mặt với rủi ro nào lớn hơn có thể làm thay đổi đáng kể các động lực hiện có. Châu Á vẫn tiếp tục phát triển theo định hướng khu vực, thể hiện qua các dòng chảy thương mại và tài chính ở châu lục này, trong khi vị thế của Trung Quốc với tư cách là trung tâm của khu vực sẽ trở nên vững chắc hơn.

Trên thực tế, một số diễn biến nhất định trong năm tới có thể đẩy nhanh xu hướng này, chẳng hạn nếu Trung Quốc gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Vì thế, năm 2022 rất giống với năm 2021 về xu hướng kinh tế, tài chính và chính trị. Tuy nhiên, kết quả là châu Á vẫn đang dần dần hướng tới những hiện thực khó tránh khỏi, những cuộc đối đầu, những điểm tới hạn và những lựa chọn khó khăn, và những điều này sẽ càng nhiều hơn khi mỗi năm trôi qua.

Kinh tế thế giới nổi bật (24-30/12): Khủng hoảng năng lượng, ông Putin nêu nguyên nhân, Trung Quốc mua kỷ lục từ Nga, Mỹ và Nhật ra tay 'hạ nhiệt'

Kinh tế thế giới nổi bật (24-30/12): Khủng hoảng năng lượng, ông Putin nêu nguyên nhân, Trung Quốc mua kỷ lục từ Nga, Mỹ và Nhật ra tay 'hạ nhiệt'

Triển vọng của ngành hàng không toàn cầu, khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, Trung Quốc mua lượng khí đốt kỷ lục từ Nga, ...

Ngành công nghiệp nặng châu Âu 'ngấm đòn' khủng hoảng năng lượng

Ngành công nghiệp nặng châu Âu 'ngấm đòn' khủng hoảng năng lượng

Tình trạng giá điện tại châu Âu leo thang trong thời gian gần đây đang gây ra hậu quả nghiêm trọng cho những khách hàng ...

(theo Nikkei Asia)