Nhiều trường đại học tuyển sinh bằng IELTS năm 2023. (Nguồn: Lao động) |
Năm 2023, Trường ĐH Kinh tế quốc dân có phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường sử dụng chứng chỉ Tiếng Anh đối với 2 nhóm thí sinh.
Trong đó, nhóm thứ nhất hướng đến thí sinh có chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế kết hợp với điểm 2 môn thi tốt nghiệp THPT. Cụ thể, điều kiện nhận hồ sơ là thí sinh đạt IELTS 5.5 hoặc TOEFL iBT 46 hoặc TOEIC (4 kỹ năng: Listen & Read 785, Speak 160, Write 150) trở lên và có điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của môn Toán và 1 môn khác môn Tiếng Anh thuộc các tổ hợp xét tuyển của trường.
Nhóm thứ hai hướng đến thí sinh có chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế kết hợp với điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội. Theo đó, thí sinh muốn xét tuyển, ngoài đáp ứng về điểm thi đánh giá năng lực phải có chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế trong thời hạn 2 năm tính đến ngày 1/6/2023 đạt IELTS 5.5 hoặc TOEFL iBT 46 hoặc TOEIC (4 kỹ năng: Listen & Read 785, Speak 160, Write 150) trở lên.
Trường ĐH Xây dựng Hà Nội cũng đưa ra phương thức tuyển sinh bằng xét tuyển kết hợp với điều kiện thí sinh có chứng chỉ quốc tế Tiếng Anh (Tiếng Pháp) tương đương IELTS 5.0 trở lên, hoặc có kết quả trong kỳ thi SAT đạt từ 1100/1600, hoặc ACT đạt từ 22/36. Các chứng chỉ phải còn hiệu lực tính đến ngày xét tuyển.
Tuy nhiên, nhà trường cũng đưa ra điều kiện kèm theo cho phương thức này là thí sinh phải có tổng điểm 2 môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 thuộc tổ hợp xét tuyển đạt từ 12 điểm trở lên, trong đó có môn Toán và 1 môn khác không phải ngoại ngữ.
Với các tổ hợp có môn Vẽ Mỹ thuật, tổng điểm môn Toán của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và điểm môn Vẽ Mỹ thuật của trường năm 2023 phải đạt từ 12 điểm trở lên.
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng có phương thức xét tuyển thẳng các thí sinh là học sinh các trường THPT có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế: IELTS hoặc TOEFL iBT hoặc TOEIC; DELF hoặc TCF; HSK và HSKK (thời hạn 2 năm tính đến ngày 1/6/2023).
Nguyên tắc xét tuyển là xét theo tổng điểm trung bình chung cả năm lớp 10, 11, 12 của môn học hoặc tổ hợp môn học ở bậc THPT theo quy định của mỗi ngành.
Điều kiện đăng ký xét tuyển là thí sinh đã tốt nghiệp THPT năm 2023 có hạnh kiểm tất cả các học kỳ đạt loại Tốt, có học lực giỏi cả 3 năm ở bậc THPT.
Phương thức ưu tiên xét tuyển thẳng theo đề án của Trường ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh có nhóm đối tượng là học sinh có chứng chỉ IELTS từ 5.0 trở lên hoặc các Chứng chỉ khác tương đương trong thời gian còn hiệu lực tính đến ngày 29/8/2023. Ngưỡng nhận hồ sơ là có tổng điểm 3 môn trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 21 điểm.
Trường ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh thực hiện xét tuyển sớm đối với thí sinh đạt điều kiện IELTS từ 5.5 trở lên hoặc TOEFL iBT từ 65 điểm trở lên; DELF B1 từ B1 trở lên hoặc TCF từ 300 điểm trở lên; JLPT từ N3 trở lên.
Song các thí sinh này vẫn phải đáp ứng điều kiện đã tốt nghiệp THPT và điểm trung bình cộng của 5 học kỳ THPT (gồm năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 năm lớp 12) của 3 môn thuộc tổ hợp đăng ký xét tuyển đạt tổng từ 22,5 trở lên.
Một trong 5 phương thức tuyển sinh của Trường ĐH Quản lý và Công nghệ TP. Hồ Chí MInh năm 2023 là xét tuyển thẳng theo quy định của trường. Phương thức này cũng áp dụng cho nhóm thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế: IELTS từ 5.0 điểm trở lên hoặc TOEFL iBT từ 61 điểm trở lên hoặc TOEIC từ 600 điểm trở lên.
Trường ĐH Hoa Sen năm nay cũng lần đầu tiên đưa ra phương thức mới là xét tuyển thẳng vào trường. Theo đó, thí sinh đã tốt nghiệp THPT theo quy định của Bộ GD&ĐT có thể nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển nếu thỏa mãn điều kiện có chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế: IELTS (academic) từ 5.5 điểm trở lên hoặc TOEFL iBT từ 61 điểm trở lên hoặc TOEIC từ 600 điểm trở lên.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, dù trúng tuyển vào đại học bằng bất kỳ phương thức tuyển sinh nào thì điều kiện không thể thiếu đó là phải có bằng tốt nghiệp THPT. Vì vậy, dù thí sinh dành thời gian chuẩn bị cho phương án xét tuyển vào đại học bằng chứng chỉ ngoại ngữ, vẫn không nên lơ là việc học ở trường lớp để tránh việc trượt tốt nghiệp, mất cơ hội vào đại học.