Năm 2023 đánh dấu 15 năm kể từ khi nâng cấp và đổi tên Học viện Quan hệ quốc tế thành Học viện Ngoại giao năm 2008, là lúc sắp xếp lại và thành lập ba trong số các đơn vị trực thuộc Học viện Ngoại giao là Viện Nghiên cứu Chiến lược ngoại giao, Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ đối ngoại (FOSET) và Trung tâm Thông tin tư liệu. Năm 2023 cũng là mốc lịch sử ghi dấu 30 năm ngày ra số đầu tiên của Tạp chí Nghiên cứu quốc tế.
Trong bối cảnh đất nước bước sang giai đoạn phát triển mới, hòa theo nỗ lực chung của toàn ngành ngoại giao thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại triển khai Nghị quyết lần thứ XIII của Đảng, những năm qua, các đơn vị nói trên đã tích cực đóng góp vào công tác nghiên cứu, tuyên truyền đối ngoại, đào tạo cán bộ và thông tin tư liệu của Bộ Ngoại giao và Học viện Ngoại giao.
Viện Nghiên cứu Chiến lược ngoại giao. |
Cánh chim đầu đàn trong nghiên cứu, tham mưu chiến lược đối ngoại
Viện Nghiên cứu Chiến lược ngoại giao chính thức thành lập năm 2008 dựa trên nền tảng là các Ban nghiên cứu của Học viện Quan hệ quốc tế (1987-2008), và trước đó là Viện Quan hệ quốc tế (1977-1987). Sự ra đời của Viện Nghiên cứu Chiến lược ngoại giao là một bước nâng tầm vị thế công tác nghiên cứu của Học viện, bảo đảm vừa củng cố khả năng nghiên cứu, gắn chặt với các hoạt động của Bộ, vừa đóng góp vào công tác giảng dạy và truyền bá kiến thức.
Trong chặng đường 15 năm qua, Viện đã đóng góp tích cực vào công tác chung của Bộ, cũng như công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước trên nhiều phương diện, đặc biệt là nghiên cứu, tham mưu chiến lược và ngoại giao kênh 2. Hằng năm, Viện thực hiện trung bình 50 báo cáo và chuyên đề nghiên cứu, trong đó có nhiều báo cáo được gửi lên Lãnh đạo cấp cao. Viện đã tham gia 6 đề tài cấp Nhà nước, hơn 55 đề tài cấp Bộ, 34 đầu sách tham khảo cùng rất nhiều bài báo nghiên cứu, chương sách được đăng trên các ấn phẩm, tạp chí khoa học trong nước và quốc tế. Những kết quả nghiên cứu của Viện là nguồn thông tin quan trọng góp phần tham mưu về đường lối, chính sách đối ngoại của đất nước; cung cấp cơ sở khoa học cho việc dự thảo những văn bản chính sách quan trọng, trong đó có văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, XII, XIII và chuẩn bị cho Đại hội XIV.
Về công tác ngoại giao kênh 2, Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao là cơ quan đầu mối của Việt Nam tại hầu hết các mạng lưới cơ quan nghiên cứu ở cấp khu vực và quốc tế. Con số trung bình hàng năm 150 hoạt động kênh 2, kênh 1,5, đối thoại thường niên và trao đổi học thuật đã nói lên khối lượng công việc rất lớn mà Viện đảm nhiệm.
Những kết quả mà Viện đạt được trong 15 năm qua mới chỉ là sự khởi đầu trên chặng đường dài. Những biến chuyển nhanh chóng, phức tạp của tình hình thế giới và khu vực đặt ra những yêu cầu mới. Trong bối cảnh đó, Viện sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng nghiên cứu, tham mưu và hoạt động ngoại giao kênh 2, nỗ lực phấn đấu trở thành viện nghiên cứu hàng đầu của đất nước trong lĩnh vực đối ngoại, có uy tín và vị trí xứng đáng trong mạng lưới các viện nghiên cứu khu vực và trên thế giới.
Trung tâm Đào tạo Bồi dưỡng cán bộ đối ngoại (Foset). |
Nguồn tri thức về đối ngoại và hội nhập quốc tế của cả nước
15 năm qua (2008-2023), FOSET đã trở thành cái tên gần gũi, gắn bó với nhiều lớp cán bộ ngoại giao và cán bộ làm công tác đối ngoại của các bộ, ngành, địa phương trên cả nước.
Khởi đầu từ các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ và kiến thức đối ngoại cho cán bộ của Bộ Ngoại giao, FOSET từng bước mở rộng, phát triển, tạo dựng uy tín. Đơn vị đã hình thành được đội ngũ giảng viên là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đối ngoại và hội nhập quốc tế, cung cấp nguồn tri thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và các tổ chức, cá nhân của cả nước, cũng như cán bộ đối ngoại của nước bạn Lào; đồng thời phối hợp với các đối tác quốc tế có uy tín tổ chức nhiều hoạt động trao đổi chuyên đề…
FOSET đã và đang được ủy nhiệm triển khai nhiều đề án đào tạo bồi dưỡng cán bộ quan trọng quy mô toàn quốc như bồi dưỡng cán bộ các cấp làm công tác hội nhập quốc tế, làm công tác đối ngoại nhân dân, cùng với các khóa bồi dưỡng chuyên biệt của Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương và các địa phương.
Đến nay, FOSET đã tổ chức khoảng 600 khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng đối ngoại cho các cán bộ của các bộ, ngành, địa phương trên cả nước, qua đó góp phần quan trọng vào việc phát triển nguồn nhân lực phục vụ công tác đối ngoại của các cấp từ trung ương đến địa phương.
Trong giai đoạn mới với nhiều cơ hội và thách thức, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngày càng trở nên cấp bách.
Tập thể cán bộ của FOSET tiếp tục đoàn kết, nỗ lực đổi mới, xây dựng các chương trình đào tạo bồi dưỡng chuyên sâu, toàn diện, chuyên nghiệp phục vụ thực hiện mục tiêu ưu tiên của Đảng, Nhà nước và Bộ Ngoại giao là xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại toàn diện, hiện đại, ngang tầm nhiệm vụ; góp phần thực hiện thành công phương hướng, nhiệm vụ triển khai công tác đối ngoại trong giai đoạn mới và mục tiêu xây dựng nền ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, toàn diện, hiện đại, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Trung tâm Thông tin tư liệu. |
Trung tâm cơ sở dữ liệu khoa học ngoại giao trong thời đại số
Trung tâm Thông tin tư liệu hiện nay trực thuộc Học viện Ngoại giao được thành lập trên cơ sở tiền thân là Ban Thông tin - Tư liệu thuộc Viện Quan hệ quốc tế (1977), sau được nâng cấp thành Ban Thông tin - Thư viện (1987) rồi Trung tâm Thông tin - Thư viện (2000).
Với chức năng khai thác và quản lý nguồn tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu và đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Ngoại giao và Bộ Ngoại giao, công tác thông tin - tư liệu luôn được coi trọng, từng bước được cải tiến và hiện đại hóa nhằm đáp ứng nhu cầu ngày tăng về thông tin và tài liệu học tập, giảng dạy, nghiên cứu của sinh viên, học viên, giảng viên và cán bộ.
Để bắt kịp tiến bộ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Trung tâm Thông tin tư liệu đã từng bước triển khai chuyển đổi số trong công tác thông tin-tư liệu, làm đầu mối của Học viện Ngoại giao trong triển khai Chiến lược Chuyển đổi số và quản lý tri thức của Bộ Ngoại giao, đưa vào vận hành thư viện điện tử, thư viện số và hướng tới xây dựng thư viện thông minh phục vụ cho phát triển nguồn thông tin tư liệu khoa học phục vụ công tác đối ngoại của Việt Nam.
Đến nay, Trung tâm phục vụ cho các hoạt động tuyển sinh, giảng dạy và học tập của 30 khóa đại học chính quy với hàng chục nghìn sinh viên, 23 khóa trung cấp với gần 2.500 sinh viên, 23 khóa cao học với tổng số 2.000 học viên, 13 khóa nghiên cứu sinh tiến sĩ với tổng số 150 nghiên cứu sinh, và hàng trăm lớp bồi dưỡng nghiệp vụ đối ngoại, lãnh sự, kinh tế, văn hóa, tiền công vụ, hội nhập quốc tế mỗi năm.
Trung tâm Thông tin tư liệu xác định mục tiêu phấn đấu trở thành Trung tâm dữ liệu khoa học số của Bộ Ngoại giao và thư viện chuyên ngành quan hệ quốc tế và ngoại giao của quốc gia; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các mảng công tác của Học viện Ngoại giao, tham gia thực hiện tốt Chiến lược Chuyển đổi số của Bộ Ngoại giao.
Tạp chí khoa học uy tín hàng đầu về đối ngoại
Trong 30 năm qua, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, với tư cách là tạp chí khoa học duy nhất của Bộ Ngoại giao, ngày càng được củng cố và phát triển, trở thành tạp chí khoa học có uy tín hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Tạp chí đã làm tốt các chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực đối ngoại; thông tin, giới thiệu những thành tựu trong lĩnh vực đối ngoại và quan hệ quốc tế của Việt Nam ra thế giới; và trở thành diễn đàn trao đổi khoa học về các vấn đề quốc tế có liên quan trực tiếp đến an ninh, đối ngoại và phát triển của Việt Nam. Đến nay, Tạp chí đã xuất bản được 134 số tiếng Việt và 47 số tiếng Anh. Số lượng và chất lượng nguồn bài ngày càng được nâng cao, mạng lưới cộng tác viên của Tạp chí ngày càng được mở rộng, số lượng độc giả quan tâm ngày càng nhiều.
Thời gian tới, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế sẽ đưa vào vận hành song song Tạp chí in và Tạp chí điện tử, từng bước chuẩn hóa và hiện đại hóa công tác biên tập trị sự, nâng tầm chất lượng và uy tín, phấn đấu đóng góp ngày càng hiệu quả hơn vào công tác thông tin đối ngoại của Bộ Ngoại giao và đất nước, hướng tới trở thành tạp chí khoa học có uy tín của khu vực và quốc tế.
“Xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển, các đơn vị đều đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, đóng góp tích cực cho công tác chung của Bộ Ngoại giao và công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước, nhất là trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, tham mưu và dự báo chiến lược, tuyên truyền đối ngoại, đào tạo - bồi dưỡng cán bộ đối ngoại và thông tin - tư liệu”. “Tôi tin tưởng các đơn vị sẽ hoàn thành xuất sắc hơn nữa các mục tiêu và nhiệm vụ được giao, góp phần cùng các đơn vị khác trong Bộ thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại Đại hội Đảng lần thứ XIII và đóng góp vào sự thành công của Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32”. Đỗ Hùng Việt |
“Dịp kỷ niệm này đánh dấu giai đoạn phát triển mới, trưởng thành hơn nhưng cũng nhiều thách thức hơn đối với các đơn vị. Đây cũng là thời điểm để các đơn vị nhìn lại những kết quả của chặng đường đã qua và đề ra định hướng phát triển trong tương lai. Để đáp ứng những kỳ vọng đặt ra ngày càng cao, tôi tin tưởng và kêu gọi các đơn vị tiếp tục nỗ lực chủ động, sáng tạo, phát huy truyền thống, duy trì và củng cố tinh thần đoàn kết, gắn bó xây dựng Học viện Ngoại giao vững mạnh toàn diện, nhất là trong giai đoạn vừa thực hiện cơ chế tự chủ, vừa triển khai các nhiệm vụ chính trị được Bộ Ngoại giao giao phó”. Phạm Lan Dung |
| Giảng viên Học viện Ngoại giao: Hạnh phúc với mỗi chuyến đò 'rời bến, sang sông' “Học viện Ngoại giao là một môi trường văn minh, có truyền thống tôn sư trọng đạo, đoàn kết và cống hiến. Tôi rất tự ... |
| Khi Đại sứ đứng trên bục giảng Tôi rất hoan nghênh chủ trương của Học viện Ngoại giao là mời, động viên các nguyên Đại sứ còn sức khỏe và tận tâm ... |
| Cho một tương lai bền vững hơn ở Tiểu vùng sông Mekong Sáng nay 24/11, Diễn đàn quốc tế Mekong với chủ đề 'Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ chế hợp tác tiểu vùng ... |
| Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao được bầu làm Chủ tịch Hội Luật quốc tế châu Á TS. Phạm Lan Dung - Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao, đã vinh dự trở thành đại diện Việt Nam đầu tiên giữ vị ... |
| Học viện Ngoại giao tổ chức tọa đàm 'Hợp tác kinh tế Việt Nam-Singapore' Tọa đàm là hoạt động thiết thực, đóng góp vào các hoạt động kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao và 10 năm quan ... |