Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh sẽ công nhận tín chỉ cho học sinh tài năng. |
Theo đó, năm tới, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tiếp tục có nhiều đổi mới trong công tác quản trị, đào tạo và nghiên cứu khoa học gắn với nhu cầu phát triển của đất nước, khu vực và thế giới.
Cụ thể, về đào tạo năm 2024, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh sẽ mở một số chương trình đào tạo mới, liên ngành, liên trường phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước như công nghệ bán dẫn-thiết kế vi mạch, công nghệ năng lượng mới, các mô hình tăng trưởng xanh; tăng số lượng học viên sau đại học và số lượng công bố quốc tế của học viên sau đại học.
Nhà trường cũng tiếp tục đổi mới chương trình và phương pháp giảng dạy, triển khai đồng bộ hệ thống LMS, hệ thống bài giảng trực tuyến MOOCs. Đáng chú ý, trường sẽ triển khai thí điểm một số môn học chung và công nhận tín chỉ cho học sinh Trung học phổ thông có tài năng vượt trội, theo phương thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp.
PGS.TS. Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, chia sẻ Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đang xây dựng quy chuẩn, điều kiện cụ thể để có thể thực hiện chương trình này. Chương trình hướng đến học sinh tài năng vượt trội ở tất cả các trường phổ thông chứ không riêng trường chuyên hay năng khiếu.
Dự kiến, học sinh sẽ học qua hệ thống bài giảng trực tuyến MOOCs và dự thi trực tiếp để được công nhận tín chỉ. Việc triển khai chương trình này sẽ mở ra cơ hội cho học sinh có tài năng được tiếp cận với giáo dục đại học sớm hơn. Quan trọng hơn, thông qua việc học một số môn học chung có thể giúp học sinh định hướng nghề nghiệp sớm hơn. Trên thực tế, nhiều đại học lớn trên thế giới đã triển khai mô hình này.
Năm 2024, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cũng sẽ triển khai Đề án Thu hút, giữ chân và phát triển các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành công tác tại trường. Theo đó, nhà trường đặt mục tiêu đến 2030 sẽ thu hút 350 nhà khoa học trẻ xuất sắc, nhà khoa học đầu ngành về làm việc theo đề án này.
Chính sách thu hút được Đại học Quốc gia tập trung nhiều mặt, từ chính sách phát triển nghề nghiệp, môi trường làm việc đến chính sách thu nhập và đãi ngộ cho nhà khoa học. Trong đó đáng chú ý, các nhà khoa học được đảm bảo lộ trình phát triển nghề nghiệp trong 5 năm đầu về công tác thông qua việc hỗ trợ về kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cũng như hỗ trợ tăng cường năng lực nghiên cứu. Mức hỗ trợ kinh phí thực hiện một đề tài tối đa 200 triệu đồng hoặc tối đa 1 tỷ đồng, tùy đối tượng và thời gian về công tác của nhà khoa học.
Năm 2024, trường cũng định hướng chủ động đặt hàng một số đề tài, dự án nghiên cứu theo hướng liên ngành, phù hợp với chiến lược phát triển; tiếp tục tăng số lượng công bố quốc tế trong danh mục Scopus; phát triển thêm một chương trình hợp tác đào tạo với một đại học tốp đầu thế giới về các lĩnh vực ưu tiên phát triển (AI, công nghệ sinh học, công nghệ bán dẫn-thiết kế vi mạch…); nghiên cứu đề xuất cơ chế khuyến khích các chuyên gia, nhà khoa học tham gia hoạt động hợp tác với địa phương, doanh nghiệp.
Thời gian qua, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh vẫn giữ vững vị thế trên bản đồ học thuật khu vực và thế giới. Năm 2023, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tiếp tục thuộc top 1.000 các trường đại học tốt nhất thế giới (QS World); là đơn vị dẫn đầu cả nước về số lượng công bố quốc tế trong danh mục cơ sở dữ liệu Scopus (2.494 bài báo) và số lượng chương trình đào tạo được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định quốc tế (125 chương trình). Nhà trường cũng dẫn đầu cả nước về số lượng GS. PGS. được công nhận (36 thầy, cô).