📞

Năm 2025, quy mô thương mại điện tử Việt Nam đạt 52 tỷ USD

Hà Phan 14:00 | 16/12/2021
Tổng hợp các nguồn thông tin và đánh giá năm 2020 của VECOM, thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng khoảng 15%, đạt quy mô khoảng 13,2 tỷ USD và tiếp tục tăng trưởng trong năm 2021 và cả giai đoạn tới 2025.

Ngày 15/12, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã tổ chức Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến theo hình thức kết hợp tham dự trực tiếp và trực tuyến tại hai đầu cầu Hà Nội (buổi sáng) và TP. Hồ Chí Minh (buổi chiều).

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến 2021 là một sự kiện thường niên đã trở thành những dấu ấn sinh động, cho thấy những nhiệt huyết và sự năng động của tuổi trẻ từ các doanh nghiệp, sự có mặt của các doanh nghiệp cho thấy được khát vọng thay đổi, và phát triển của các doanh nghiệp.

Các diễn giả trao đổi tại Diễn đàn VOFM 2021. (Nguồn: VECOM)

Trong bối cảnh đại dịch Covid, thuật ngữ về thương mại điện tử, marketing online trở nên vô cùng phổ biến và trở thành nhu cầu cấp thiết mà các doanh nghiệp cần mau chóng chuyển mình. Theo báo cáo Google và Temasek, từ đầu dịch tới giữa năm 2021, số người tiêu dùng trực tuyến tại Việt Nam đã tăng hơn 8 triệu người.

"Con số cho thấy sự chuyển biến về hành vi tiêu dùng của người dân kéo theo đây là cơ hội và cũng là thách thức cho các doanh nghiệp cần mau chóng chuyển đổi mô hình kinh doanh trên môi trường trực tuyến", bà Lại Việt Anh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch VECOM, chia sẻ, thời gian qua, các dự án về blockchain, khái niệm metaverse đã thực sự phổ biến rộng rãi tại Việt Nam. Qua đó, VECOM đã tổ chức Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến 2021 với chủ đề Marketing in The New Normal and Metaverse nhằm mang đến những cập nhật mới về xu hướng thế giới đến với cộng đồng.

Qua khảo sát hàng nghìn doanh nghiệp, tổng hợp các nguồn thông tin và đánh giá năm 2020 của VECOM, thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng khoảng 15%, đạt quy mô khoảng 13,2 tỷ USD và tiếp tục tăng trưởng trong năm 2021 và cả giai đoạn tới 2025.

Theo Báo cáo Xu hướng Tiếp thị số Việt Nam 2021, doanh số lĩnh vực này năm 2019 là 716 triệu USD và dù gặp đại dịch Covid-19 nhưng con số này năm 2020 vẫn đạt 820 triệu USD và dự đoán năm 2021 sẽ tiến gần 1 tỷ USD.

Tại khu vực Đông Nam Á, đại diện của Google, Temasek đều cho rằng: Thị trường thương mại điện tử Việt Nam rất nhiều tiềm năng, tăng 16% và đạt quy mô trên 14 tỷ USD. Trong đó lĩnh vực bán lẻ hàng hóa trực tuyến tăng 46%, gọi xe và đồ ăn công nghệ tăng 34%, tiếp thị giải trí và trò chơi trực tuyến tăng 18% (riêng lĩnh vực du lịch trực tuyến giảm 28%).

Báo cáo này cũng dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020 – 2025 là 29% và tới 2025 quy mô thương mại điện tử Việt Nam đạt 52 tỷ USD.

Tại VOMF 2021, các chuyên gia, doanh nghiệp đều khẳng định, cuộc sống “bình thường mới” đòi hỏi các doanh nghiệp áp dụng những chiến lược mới để tồn tại và phát triển. Trong đó, doanh nghiệp cần khai thác tối đa những lợi ích từ tiếp thị trực tuyến (marketing online) để tăng khách hàng, tăng doanh thu trong thời gian ngắn nhất... đó là những lời giải cho bài toán cứu doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

VOMF 2021 năm nay với chủ đề “Marketing in the New Normal and Metaverse”, bao gồm bốn phiên. Phiên 1 với chủ đề “Toàn cảnh thị trường tiếp thị trực tuyến trong đại dịch và bắt đầu kỷ nguyên Metaverse”; Phiên 2 với chủ đề “Các giải pháp hiệu quả cho marketing trong giai đoạn bình thường mới”; Phiên 3 với chủ đề “Marketing trong thời Metaverse”, cuối cùng là Phiên 4 “Marketing dự án Blockchain”.

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam được đánh giá là rất nhiều tiềm năng. (Nguồn: Bizweb)

Chia sẻ về sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng trong đại dịch, Senior Manager – Retailer Consulting – NielsenlQ Vietnam Lê Hoàng Long cho biết, do ảnh hưởng của dịch, mua sắm truyền thống giảm -13%, hiện đại và siêu thị giảm -19%, còn chăm sóc sức khỏe tăng +25%. Con số 69% người tiêu dùng châu Á đang thắt lưng, buộc bụng đã phần nào minh chứng cho sự ảnh hưởng của dịch.

"Song, Việt Nam hiện các siêu thị, mô hình bán lẻ có 8.539 cửa hàng, nhưng một trong số đó đã đang tích hợp các dịch vụ tiện ích khác đi kèm đã góp phần tạo thói quen tiêu dùng cho người dân, đặc biệt kênh bán hàng online đang trở thành xu thế tất yếu của thương mại điện tử", ông Long cho hay.

Với chủ đề “Marketing Automation trong bán lẻ và giải pháp cho doanh nghiệp”, theo bà Trần Thị Thùy Dương, Trưởng bộ phận Tiếp thị số Công ty cổ phần Công nghệ Sapo, bối cảnh bán lẻ của Việt Nam theo phương thức truyền thống tập trung vào sản phẩm với mô hình chuỗi cung ứng mua rẻ, bán đắt, tối ưu hóa các khâu giữa, trải nghiệm tại cửa hàng. Tuy nhiên, bán lẻ kỹ thuật số lại tập trung vào trải nghiệm khách hàng với mô hình chuỗi giá trị số thu thập dữ liệu (khách hàng, sản phẩm, địa điểm…), biến dữ liệu thành hiểu biết, biến hiểu biết thành hành động, tạo ra trải nghiệm số cả hành trình khách hàng.

Từ đó bà Dương cũng khuyến nghị, dịch vụ bán lẻ nên sử dụng Marketing Automation. Bởi kết nối sale và marketing, tiết kiệm thời gian, chi phí và nguồn lực, rút ngắn thời gian xây dựng mối quan hệ với khách hàng, tiếp cận theo mức độ ưu tiên, mang lại trải nghiệm nhất quán, cá nhân hóa cho khách hàng.