TIN LIÊN QUAN | |
Sẽ có ngoại lệ với từng nước bị Mỹ áp thuế nhôm, thép | |
Châu Âu dọa nhắm vào một loạt thương hiệu nổi tiếng của Mỹ |
Khi ông Trump tự tin
Những ngày này, trên Twitter của Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn liên tục đề cập đến sự mất mát quá lớn và dai dẳng của nền kinh tế Mỹ trong các mối quan hệ thương mại. Ông cũng nhấn mạnh đến việc nước Mỹ phải nhanh chóng có những động thái dứt khoát, vì sự hùng mạnh trở lại của nền kinh tế số 1 thế giới.
Tổng thống Trump đã không ngần ngại tuyên bố, nước này không ngại chiến tranh thương mại vì Mỹ sẽ dễ dàng chiến thắng. (Nguồn: Getty Images) |
Còn khi ám chỉ đến một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện giữa các nền kinh tế lớn nhất thế giới, Tổng thống Trump đã không ngần ngại tuyên bố, nước này không ngại chiến tranh thương mại vì Mỹ sẽ dễ dàng chiến thắng. “Khi một nước đang bị tổn thất hàng tỷ USD trong giao thương với hầu hết mọi quốc gia, chiến tranh thương mại là điều tốt và dễ dàng chiến thắng. Chẳng hạn, khi chúng ta mất 100 tỷ USD với một nước nào đó, mà họ lại xem như không có vấn đề gì xảy ra, thì đừng nên làm ăn với họ nữa. Chúng ta nhất định sẽ thắng lớn. Chuyện đơn giản mà…”, ông Trump viết trên Twitter.
Quyết định áp thuế 25% lên thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu của Tổng thống Donald Trump đã vấp phải sự phản đối từ các nước đối tác, và cũng không đạt được đồng thuận trong chính bộ máy của ông, đơn cử là tuyên bố từ chức của người đứng đầu Hội đồng Kinh tế quốc gia - ông Gary Cohn. Tuy nhiên, chính quyền Trump vẫn đang tiếp tục xem xét thuế quan đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc từ giày dép, quần áo đến đồ điện tử, tiêu dùng.
Trong khi đó, tại một cuộc họp báo trước thềm kỳ họp Quốc hội của Trung Quốc tại Bắc Kinh, Thứ trưởng Ngoại giao Zhang Yesui khẳng định, “dù Trung Quốc không muốn chiến tranh thương mại với Mỹ, nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ không khoanh tay đứng nhìn, Trung Quốc sẽ có biện pháp cần thiết nếu lợi ích bị tổn hại”.
Như vậy, ai đang chiếm lợi thế trong cuộc xung đột tồi tệ này?
Những điểm nhạy cảm
Từ những cuộc chiến thực sự cho thấy có những trận đánh dù khả năng chiến thắng rất cao, vẫn có thể thua đậm trên chính sân nhà mình. Trong trường hợp này, dường như Mỹ đang vấp phải những chướng ngại đáng kể. Trong tổng số hàng hoá Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc, hàng tiêu dùng có số lượng áp đảo, trong đó chiếm phần lớn là máy tính, điện thoại, hàng dệt kim, quần áo và đồ chơi. Như vậy, một khi việc tăng thuế được thực thi, chính người tiêu dùng Mỹ mới là đối tượng có thể phải chi trả cho các chi phí tăng thuế.
Trên thực tế, trong một thời gian ngắn, các nhà bán lẻ của Mỹ sẽ không thể dễ dàng tìm nguồn hàng thay thế. Bởi trong năm 2016, đối với những ngành hàng tiêu dùng có giá trị xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ đạt hơn 5 tỷ USD, hàng Trung Quốc đều chiếm tới hơn một phần ba giá trị nhập khẩu của Mỹ. Các chuỗi cung ứng toàn cầu khó có thể đủ nhanh để tìm được nguồn thay thế từ các đối tác khác, nhằm tránh tác động đến “hầu bao” của người mua sắm, một khi mức thuế bị áp ở mức cao.
Giải pháp lý tưởng từ quan điểm của ông Trump là phát triển sản xuất trong nước để giải cứu tình trạng thiếu hụt hàng hoá. Tuy nhiên, việc tưởng đơn giản mà không hề dễ chút nào, khi nền sản xuất đó đã bị đóng lại từ lâu.
Chẳng hạn, trong lĩnh vực may mặc, lực lượng lao động Mỹ đã giảm hơn 90% kể từ năm 1990, còn ngành công nghiệp điện tử đã mất gần 40% công việc. Với chính Trung Quốc, những ngành này thường đòi hỏi các khu vực có lao động rẻ như Đông Nam Á hay châu Phi… Bởi vậy, cơ hội để việc làm quay trở lại Mỹ rất mong manh.
Trong khi đó, hàng hoá mà Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ chủ yếu là các sản phẩm trung gian và các bộ phận để lắp ráp như đậu nành, máy bay, ô tô, mạch tích hợp và nhựa... Theo giới quan sát, nếu Mỹ tiếp tục các hành động thương mại chống lại Trung Quốc thì nhiều khả năng sẽ không tránh khỏi đòn trả đũa của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Hiện chưa rõ Bắc Kinh sẽ nhắm tới những sản phẩm và ngành nào trong cuộc chiến này, nhưng chắc chắn là các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang có khá nhiều lựa chọn.
Chẳng hạn, nếu Trung Quốc chọn ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ để trả đũa. Một phần tư lượng xuất khẩu chip của Mỹ đến Trung Quốc, nhưng số chip này chỉ chiếm vỏn vẹn 3,8% tổng nhập khẩu các mạch tích hợp của Trung Quốc. Sự chênh lệch này cho thấy, chỉ cần một sự thay đổi nhỏ trong các mô hình kinh doanh của Trung Quốc, rất có thể sẽ gây ra một cú sốc nghiêm trọng cho một trong những ngành xuất khẩu thành công nhất của nước Mỹ.
Trong trường hợp khác, nếu Bắc Kinh quyết định nhắm vào đậu nành và bắt đầu ủng hộ hàng nhập khẩu từ các nước khác, nền nông nghiệp Mỹ có thể sẽ phải đối mặt với một cú sốc không hề nhẹ, đặc biệt là ở vùng Trung Tây gồm các bang Ilinois, Iowa, Minnesota, North Dakota, Indiana và Missouri.
Việc áp đặt các mức thuế mới lên hàng xuất khẩu của Mỹ có thể sẽ là một canh bạc đối với Trung Quốc. (Nguồn: Economic Times) |
Trung Quốc hiện tiêu thụ hơn 60% lượng đậu nành của Mỹ. Tính từ tháng 12/2016 đến tháng 11/2017, Mỹ đã xuất khẩu 22,5 tỷ USD đậu nành và khách hàng lớn nhất là Trung Quốc đã trả hơn 13 tỷ USD để mua mặt hàng này. Tuy nhiên, 13 tỷ USD cũng chỉ chiếm khoảng 12% lượng tiêu thụ của Trung Quốc mỗi năm.
Sự lựa chọn thông minh
Với những lợi thế trên, nhiều ý kiến cho rằng, nếu ông Trump hành động, Trung Quốc cũng hoàn toàn có thể trả đũa, bằng cách áp đặt các hình phạt đối với hàng Mỹ. Tuy nhiên, việc áp đặt các mức thuế mới lên hàng xuất khẩu của Mỹ có thể sẽ là một canh bạc đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Vì nó sẽ giảm sự cạnh tranh và đe dọa đến thị trường việc làm tại nước này. Người ta gọi đó là hành động tự bắn vào chân mình - tự biến Trung Quốc thành nơi không còn tính cạnh tranh.
Nếu Trung Quốc tẩy chay Apple, những công nhân sản xuất sản phẩm này ở Trung Quốc sẽ mất việc. Còn nếu tăng thuế đối với ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ, sẽ khiến chi phí sản xuất điện tử ở nước này tăng theo, đẩy việc kinh doanh sang các nước như Việt Nam hay Philippines...
Giới chuyên gia cho rằng, sự lựa chọn thông minh hơn cho Trung Quốc là chỉ nên đứng “rung cây” chứ không nên hành động. Mặc dù ông Tập và Trung Quốc tự hào về các kỷ lục thương mại, nhưng đây cũng chính là một khó khăn tiềm tàng, nếu một cuộc chiến thương mại rộng lớn thực sự xảy ra.
Tốt nhất, hãy từ chối trả đũa và để ông Trump tự tăng chi phí đối với người tiêu dùng Mỹ bằng chính mức giá sau thuế mới, nếu ông ấy quyết định tăng thuế nhập khẩu. Sau đó, Trung Quốc chỉ cần đóng vai là một "nạn nhân vô tội".
Trong khi đó, lợi dụng lúc Washington lơ là, Bắc Kinh có thể tranh thủ nắm cơ hội “làm bạn”, thậm chí là “đồng sở hữu” với các nhà đầu tư, các định chế tài chính lớn, như mới đây đã tiến hành với Deutsche Bank AG, hay CPFL Energia SA của Brazil.
“Nếu làm như vậy, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thắng lớn, chinh phục được đối phương mà chẳng mất “viên đạn” nào. Đó là một nghệ thuật đấu tranh”, triết gia Trung Quốc Sun Tzu viết.
Trung Quốc dọa trả đũa nếu Mỹ quyết tăng thuế nhôm, thép Bộ Thương mại Mỹ khuyến cáo Tổng thống Donald Trump thông qua những biện pháp mạnh mẽ để hạn chế nhập khẩu nhôm, thép từ ... |
Mỹ - Trung đang tiến gần Chiến tranh thương mại? Thắt chặt quy định đối với các khoản đầu tư từ Trung Quốc, Mỹ khởi động chiến tranh thương mại? |