Khoảng 90% tổng số tê giác trên toàn thế giới đang sinh sống ở Nam Phi. (Nguồn: khoahoc.tv) |
Ngày 21/4, tại cuộc họp báo ở thành phố Cape Town sau cuộc họp Chính phủ, Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống Nam Phi Jeff Radebe cho biết, bản khuyến nghị vừa được chính phủ thông qua sẽ góp phần bảo tồn số lượng tê giác đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Bản khuyến nghị đã được tham vấn và lấy ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan đề nghị Quốc hội Nam Phi nối lại việc cấm săn bắt trộm và buôn bán sừng tê giác. Khuyến nghị cũng đưa ra các giải pháp chiến lược như biện pháp an ninh cứng rắn, trao quyền bảo vệ cho cộng đồng dân cư, quản lý bằng biện pháp sinh học, những quy định pháp lý... để quản lý và giải quyết có hiệu quả nạn săn bắn và buôn bán trái phép các sản phẩm của loài động vật quý hiếm này.
Ông Radebe cho biết thêm, Nam Phi sẽ kêu gọi Công ước về buôn bán quốc tế những loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) chưa bãi bỏ các quy định về cấm giao thương quốc tế về các sản phẩm tê giác tại Hội nghị thường niên của CITES dự kiến sẽ được tổ chức tại thành phố Johannesburg (Nam Phi) vào tháng 9/2016.
Theo các cơ quan chức năng Nam Phi, hiện có khoảng 90% tổng số tê giác trên toàn thế giới đang sinh sống tại quốc gia này. Tuy nhiên, riêng năm 2015, hơn 1.175 con tê giác đã bị giết chết do nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác ở một số nước châu Á.
Mới đây, Bộ trưởng Môi trường Nam Phi Edna Molewa cũng cảnh báo rằng, số lượng tê giác tại Nam Phi sẽ là bị tuyệt chủng vào năm 2026 nếu không có biện pháp hiệu quả để ngăn chặn nạn săn bắn trộm và tình trạng buôn bán sừng tê giác bất hợp pháp như hiện nay.