Ngày 9/8, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ họp phiên đầu tiên về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 cho người lao động. (Nguồn: VNE) |
Có nên tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 hay không đang là vấn đề "nóng" và khó được nhiều chuyên gia, NLĐ, doanh nghiệp quan tâm.
Theo nhiều chuyên gia, hiện nay đời sống của NLĐ đang hết sức khó khăn, song các doanh nghiệp cũng bị cắt giảm đơn hàng, kim ngạch xuất khẩu giảm, nếu tiếp tục tăng lương có thể dẫn đến những tác động tiêu cực, song cũng không thể không tăng lương cho NLĐ.
Ông Nguyễn Thái Dương, Phó Chủ tịch Công đoàn dệt may Việt Nam cho rằng, đời sống NLĐ thời gian qua đang gặp rất nhiều khó khăn. Mức lương tối thiểu chưa đủ đảm bảo mức sống tối thiểu, thống kê cho thấy có đến 75% NLĐ đang hết sức khó khăn.
“Với ngành dệt may, mặc dù đem lại kim ngạch xuất khẩu rất lớn nhưng chủ yếu dựa trên gia công, nên cũng chỉ đem lại mức thu nhập trung bình cho NLĐ. Phải thẳng thắn nói rằng các doanh nghiệp dệt may trong nước giai đoạn này đang hết sức khó khăn, cán bộ công đoàn luôn mong muốn NLĐ có việc làm.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may giảm khoảng 20% tương đương gần 4 tỷ USD, số kim ngạch sụt giảm trên đồng nghĩa với khoảng hơn 600.000 lao động bị mất việc làm, giảm giờ làm. Hiện nay đang có sự dịch chuyển đơn hàng sang các quốc gia khác và sự cạnh tranh khốc liệt về giá. Đơn giá gia công dệt may của Việt Nam năm nay giảm khoảng 30%, điều này liên quan trực tiếp đến tiền lương của NLĐ”, ông Dương lo ngại.
Theo ông Nguyễn Thái Dương, với các sản phẩm dệt may gia công, cơ cấu tiền công trong đơn giá gia công chiếm khoảng 60%, năng suất lao động hầu như không tăng. “Như vậy cùng một chiếc bánh từng đó tiền, thậm chí còn giảm, khi điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng, chi phí đóng BHXH tăng lên nhưng thu nhập của NLĐ chưa chắc đã tăng”.
Phó Chủ tịch Công đoàn dệt may Việt Nam dự báo, tình trạng các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, NLĐ phải nghỉ làm, làm luân phiên có thể sẽ kéo dài hết năm 2024. Trong bối cảnh hiện tại cũng nên cân nhắc kỹ tác động tiêu cực của việc tăng lương tối thiểu vùng.
“Thời gian qua lương cơ sở của công chức, viên chức vừa tăng, thì giá cả đã tăng theo. Tăng lương tối thiểu vùng có thể khiến lương danh nghĩa của NLĐ tăng nhưng trên thực tế lại không tăng, thêm vào đó giá cả tăng nhanh, đời sống NLĐ càng thêm khó khăn.Tăng lương là bài toán khó, không tăng cũng không được, song cần tính toán mức tăng lương tối thiểu để bù đắp trượt giá CPI”, ông Nguyễn Thái Dương nhấn mạnh.
Ông Lê Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giao thông Việt Nam cho biết, từ năm 2021-2023, ngành Giao thông có những khởi sắc nhất định, số lượng việc làm được cải thiện khi hàng loạt các tuyến cao tốc được xây dựng. Nhiều doanh nghiệp đảm bảo việc làm cho NLĐ, thậm chí thừa việc, thiếu lao động, song bên cạnh đó cũng có những đơn vị gặp không ít khó khăn, đến mức gần như “tê liệt”, nợ lương công nhân.
Theo thống kê, mức thu nhập trung bình của NLĐ ngành giao thông khoảng 9 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, theo ông Lê Ngọc Minh, đời sống NLĐ vẫn rất khó khăn: “Cho dù lương bình quân 9 triệu, 2 vợ chồng đạt từ 18 triệu đồng/tháng, nhưng tiền thuê nhà, tiền đóng học cho con, giá cả sinh hoạt đều tăng. Với ngành giao thông, vấn đề nhà ở cho NLĐ cũng rất nan giải. Hiện nay nhà ở của công nhân tại các công trường chủ yếu là nhà khung, thùng container.
Nếu như các ngành khác, NLĐ còn có thể thuê trọ ở các khu dân cư, thì công nhân ngành giao thông khi làm những tuyến đường mới mở, xung quanh hoang vu không có dân cư, thậm chí phải ngủ ngay giữa đường, nay ở chỗ này, mai chỗ khác, NLĐ hầu hết phải đi làm xa quê nên rất tốn kém”, ông Lê Ngọc Minh nói.
Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giao thông cũng cho rằng cần đề xuất tăng lương tối thiểu vùng, đây là cơ sở để các cấp công đoàn thương lượng tiền lương cho NLĐ.
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Chính sách Pháp luật (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, đời sống NLĐ gặp rất nhiều khó khăn, trong khoảng hơn 1 năm trở lại đây chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao so với trước đây, vì vậy tiền lương đã thấp, tiền lương thực tế lại càng thấp hơn.
Song doanh nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn. Một trong những yếu tố quan trọng để điều chỉnh mức lương tối thiểu là khả năng chi trả của doanh nghiệp. Trong bối cảnh năm nay cần xem xét điều chỉnh tiền lương sao cho hài hòa, vừa động viên NLĐ có năng suất chất lượng, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, nhưng vẫn phải đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
| GS. TS. Giang Thanh Long: Cần tầm nhìn dài hạn để Việt Nam 'già hóa thành công' Chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam, GS. TS. Giang Thanh Long (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, một khi ... |
| Tăng phúc lợi - bí quyết doanh nghiệp Nhật Bản giữ chân lao động lớn tuổi Thiếu hụt lao động ở Nhật Bản trở nên nghiêm trọng hơn khi các nhân viên thuộc thời kỳ kinh tế bong bóng đến tuổi ... |
| Học nghề hay học đại học cũng hãy biến mình thành người lao động trình độ cao Có nhiều sinh viên học đại học kiểu “học đại”, nhiều chương trình đào tạo không thực sự có chất lượng cao, không đáp ứng ... |
| ASEAN thúc đẩy quyền của người lao động di cư, biến cam kết thành hành động Đồng thuận ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư giai đoạn 2018-2025 đã ghi nhận nhiều tiến bộ ... |
| Lương hưu có giảm khi thời gian đóng BHXH tối thiểu còn 15 năm? Tôi được biết sẽ giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu còn 15 năm. Vậy lương hưu có giảm khi giảm thời gian đóng BHXH ... |