Toàn cảnh buổi hội thảo. (Ảnh:MH) |
Ngày 7/4, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Tổng cục Du lịch, Dự án “Chương trình Phát triển Năng lực Du lịch có Trách nhiệm với Môi trường và Xã hội” (gọi tắt là Dự án EU-ESRT, do Liên minh châu Âu tài trợ) đã tổ chức hội thảo “Báo cáo kết quả chương trình đánh giá thử nghiệm năng lực nghề du lịch theo tiêu chuẩn VTOS 2013”.
Hội thảo nhằm đưa ra một cái nhìn tổng quan về hỗ trợ kỹ thuật của Dự án EU-ESRT về Giáo dục và Đào tạo nghề, trọng tâm chính là việc xây dựng Tiêu chuẩn nghề Du lịch Việt Nam (VTOS 2013) và triển khai áp dụng trong đào tạo nghề du lịch.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhấn mạnh vai trò của nhiệm vụ giáo dục và đào tạo nghề du lịch trong việc hội nhập mạnh mẽ về du lịch trong khu vực ASEAN và thế giới.
Theo ông Siêu, đào tạo kỹ năng có mối liên hệ trực tiếp với chất lượng dịch vụ. Chất lượng dịch vụ - hay chính là chất lượng nguồn nhân lực du lịch, là một trong những tác nhân chính tạo nên một ngành du lịch có khả năng cạnh tranh, đáp ứng thực tiễn phát triển du lịch nhanh chóng của Việt Nam.
Hội thảo được tổ chức nhằm báo cáo các kết quả mà Dự án EU-ESRT đã đạt được sau khi hoàn thành một loạt chương trình đánh giá bậc 1 và 2 cho nghề lễ tân và phục vụ phòng theo Tiêu chuẩn VTOS 2013 tại Hà Nội, Kiên Giang và Huế từ đầu năm 2016 đến nay.
Tại hội thảo, ông Vũ Quốc Trí, Giám đốc Dự án EU-ESRT đã trình bày tổng quan hỗ trợ kỹ thuật của Dự án EU tại Hợp phần 3 về Giáo dục và đào tạo nghề. Dự án EU-ESRT đã triển khai nhiều hoạt động để phát triển hệ thống VTOS, bao gồm các tiêu chuẩn VTOS được cập nhật và mở rộng, tích hợp các nội dung về du lịch có trách nhiệm, xây dựng tiêu chuẩn VTOS phù hợp với thỏa thuận MRA-TP của ASEAN (Tăng cường năng lực thực hiện MRA-TP), tăng cường thể chế của Hội đồng VTCB, củng cố việc áp dụng VTOS vào các trường du lịch mới tạo điều kiện tiếp cận với việc thẩm định để cấp chứng chỉ VTOS cho các nhóm đối tượng bị thiệt thòi (Đào tạo cho các vùng du lịch có tác động lớn đến giảm nghèo).
Sau khi đã triển khai thử nghiệm tại Hà Nội, Kiên Giang và Huế, đã có 74 thí sinh được đánh giá ở cả hai nghề. Mô hình đánh giá tuy mới được xây dựng và thực hiện thí điểm nhưng đều được các bên đánh giá tốt, đề xuất tiếp tục phát triển mô hình này trong tương lai.
Để duy trì tính bền vững các kết quả đã đạt được, các chuyên gia của Dự án EU-ESRT đã đưa ra một loạt đề xuất, bao gồm việc khuyến nghị đưa 6 tiêu chuẩn nghề du lịch VTOS được các cơ quan hữu quan chính thức thông qua để trở thành các Tiêu chuẩn Quốc gia, sớm thành lập Hội đồng cấp Chứng chỉ Du lịch Quốc gia để làm việc với các doanh nghiệp nhằm xây dựng các tiêu chuẩn phù hợp với các tiêu chuẩn quốc gia và việc cấp chứng chỉ (đảm bảo công nhận các chứng chỉ học trước đây).
Ngoài ra, Dự án cũng đề xuất bàn giao các tài liệu tập huấn của dự án EU-ESRT cho các trường cao đẳng, đại học cũng như các vụ chức năng của Tổng cục Du lịch.