📞

Nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho người dạy tiếng Anh với bằng MTESOL

P.V 18:32 | 07/12/2023
Trước xu thế cạnh tranh của việc giảng dạy tiếng Anh hiện nay, người dạy có thể đổi mới phương pháp truyền đạt kiến thức và nâng cao kỹ năng, uy tín thông qua bằng MTESOL.
Chương trình MTESOL giúp học viên du học thạc sĩ ngay tại Việt Nam. (Nguồn: Đại học Hà Nội)

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định tiếng Anh không còn là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Sự thay đổi này gây ra nhiều tranh cãi và được dự đoán sẽ có thể tác động đến xu hướng học tiếng Anh hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng quyết định này sẽ khiến nhiều học sinh giảm mong muốn, sự đầu tư cho việc học ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng.

Giữa bối cảnh “nhà nhà học tiếng Anh” nhưng cũng “nườm nượp người dạy”, việc sở hữu chứng chỉ phương pháp giảng dạy uy tín sẽ giúp các giáo viên, giảng viên có nhiều cơ hội nghề nghiệp và nâng cao thu nhập. Việc học TESOL - chứng chỉ phương pháp giảng dạy tiếng Anh ngày càng được đẩy mạnh trong những năm gần đây.

Tại Việt Nam, chương trình đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và Phương pháp giảng dạy tiếng Anh và tiếng nước ngoài liên kết giữa Trường Đại học Hà Nội và Đại học Canberra (HANU-UC MTESOL & FLT) là một trong những chương trình chuẩn quốc tế hàng đầu về lĩnh vực này.

Chương trình liên kết MTESOL giữa Trường Đại học Hà Nội và Đại học Canberra (Australia) bắt đầu được ký kết triển khai vào năm 2018, vừa bước sang năm thứ 5. Đại học Canberra có chất lượng đào tạo Thạc sĩ lý luận và phương pháp giảng dạy tiếng Anh tốt hàng đầu ở Australia, nổi tiếng trong việc xây dựng chương trình học mang tính ứng dụng và linh hoạt. Chương trình giảng dạy, chất lượng đào tạo của khóa thạc sĩ liên kết TESOL tại Trường Đại học Hà Nội đều do đội ngũ Đại học Canberra trực tiếp quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế.

Điểm nổi bật của chương trình MTESOL là sự kết hợp hài hòa giữa lý thuyết và thực hành. Người học không chỉ được trang bị kiến thức về ngôn ngữ, phương pháp giảng dạy ngôn ngữ mà còn có các cơ hội thực hành đứng lớp, thực hiện nghiên cứu.

Cụ thể, ngoài các môn học ở giai đoạn 1 được giảng dạy bởi trường Đại học Hà Nội, có 8 môn học ở giai đoạn 2 của chương trình được kết hợp dạy bởi giảng viên Đại học Canberra. Học viên tự thiết kế bài giảng, giảng thử tại lớp; sau đó thực hành giảng dạy với người học là sinh viên các lớp đại học tại trường Đại học Hà Nội. Trong quá trình đó, giảng viên sẽ giám sát và đưa ra nhận xét, giúp các bạn nhìn ra điểm yếu và cải thiện phương pháp giảng dạy.

Với tính ứng dụng cao, chương trình MTESOL giúp học viên được trang bị kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về giảng dạy ngôn ngữ liên quan tới nhiều lĩnh vực: giáo dục, văn hóa và xã hội. Mục tiêu của chương trình là tạo cơ hội cho học viên Việt Nam được học chương trình nước ngoài ngay tại Việt Nam dưới sự giảng dạy của các giảng viên có chuyên môn cao của cả hai trường.

Do đó, chương trình MTESOL hướng tới phục vụ đa dạng đối tượng học viên, bao gồm cả những người chưa có kinh nghiệm và những cá nhân đã có kinh nghiệm trong giảng dạy ngôn ngữ.

Học viên tại lễ vinh danh tân thạc sĩ khóa 5,6 của chương trình MTESOL. (Nguồn: Đại học Hà Nội)

TS. Nguyễn Hồng Giang, Phó giám đốc chương trình MTESOL của Trường Đại học Hà Nội chia sẻ: “Với chương trình MTESOL, chúng tôi đặt ra quan điểm rằng, đào tạo phương pháp giảng dạy tiếng Anh không chỉ là một quá trình truyền đạt kiến thức mà còn là hành trình tương tác và học hỏi chung. Đối với những người mới bắt đầu trong lĩnh vực giảng dạy, chúng tôi tin rằng sau khi hoàn thành chương trình, họ sẽ trở nên chín chắn và tự tin hơn trong sự nghiệp.

Bên cạnh tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp cử nhân ngành ngôn ngữ hay sư phạm ngoại ngữ, chương trình MTESOL còn trao cơ hội cho sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành khác. Các bạn có thể vừa tích lũy kiến thức chuyên ngành, vừa được trang bị các kiến thức, kỹ năng về ngôn ngữ, giảng dạy ngoại ngữ khi tham gia vào thị trường lao động”.

Trải qua 5 năm triển khai, chương trình MTESOL liên kết giữa Trường Đại học Hà Nội và Đại học Canberra đã có hơn 500 học viên theo học - trong đó có 183 người tốt nghiệp giai đoạn 2. Số lượng sinh viên của chương trình tăng đều qua các năm, trung bình mỗi năm có 90 học viên.

“Theo khảo sát mới đây của chương trình, 100% sinh viên tốt nghiệp chương trình đều có công việc ổn định. Có những bạn mở trung tâm tiếng Anh riêng hoặc tham gia giảng dạy trong hệ thống trường học các cấp, một số bạn làm giảng viên chương trình liên kết ở các trường như Greenwich, FPT, Swinburne, RMIT”, TS. Nguyễn Hồng Giang, Phó giám đốc chương trình MTESOL cho biết thêm.

Lễ gia hạn thỏa thuận hợp tác chương trình MTESOL và vinh danh tân thạc sĩ khóa 5, 6. (Nguồn: Trường Đại học Hà Nội)

Ngày 6/12, Trường Đại học Hà Nội và Đại học Canberra đã tổ chức Lễ gia hạn thỏa thuận hợp tác Chương trình đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và Phương pháp giảng dạy tiếng Anh và tiếng nước ngoài (HANU-UC MTESOL & FLT) và Lễ vinh danh các tân thạc sĩ Chương trình liên kết HANU-UC MTESOL & FLT khóa 5 và khóa 6.

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS. Nguyễn Văn Trào - Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội bày tỏ: "Chương trình liên kết đào tạo giữa Đại học Canberra và Trường Đại học Hà Nội là chương trình quốc tế chất lượng cao được phê duyệt từ năm 2018.

Chương trình đã mang đến cho sinh viên những động lực vững chắc cũng như chuẩn bị cho học viên tốt nghiệp với lý thuyết chuyên sâu về giảng dạy tiếng Anh. Đây là nền tảng vững chắc cho sự nghiệp giảng dạy ngoại ngữ của các học viên sau này”.

Là 1 trong 75 tân thạc sĩ được vinh danh tại buổi lễ, chị Vũ Quỳnh Trúc, giảng viên khoa Tiếng Anh trường Đại học Phenikaa, học viên khóa UC5 Chương trình đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành cho biết: “Chương trình MTESOL là một nền tảng vững chắc, giúp nhiều giảng viên, giáo viên dễ dàng đạt được ước mơ công tác tại các trường học uy tín của mình”.