Nhờ Hiệp định EVFTA, xuất khẩu hàng hóa sang EU tăng tới 20% trong tháng 5/2021. (Nguồn: VGP) |
Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam
5 tháng đầu năm 2021, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 37,6 tỷ USD, tăng 49,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tiếp đến là Trung Quốc đạt 20,1 tỷ USD, tăng 26%; thị trường Liên minh châu Âu (EU) đạt 16,1 tỷ USD, tăng 20,8%; thị trường ASEAN đạt 11,5 tỷ USD, tăng 23,6%; Hàn Quốc đạt 8,9 tỷ USD, tăng 17,1%; Nhật Bản đạt 8,4 tỷ USD, tăng 7,7%.
Trong tháng 5/2021, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng hàng nông, thủy sản và nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản có sự gia tăng nhưng nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo - nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung lại giảm nhẹ so với tháng trước.
Mặc dù vậy, tính chung 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến và nhóm hàng nông, thủy sản vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhóm nhiên liệu khoáng sản vẫn trong xu hướng giảm.
Đáng chú ý, dù chậm lại trong 2 tháng gần đây, nhưng tính chung 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn duy trì mức tăng trưởng cao 34,3% so với cùng kỳ năm 2020, ước đạt 113,05 tỷ USD, chiếm 86,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Đà tăng trưởng này đến từ hầu hết các mặt hàng chủ chốt của nhóm như: Điện thoại các loại và linh kiện tăng 19,6%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 26%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng tới 74,8%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 61,3%...
1 tấn vải thiều đầu tiên "bay" sang Pháp
Ngày 12/6, lô hàng 1 tấn vải thiều đầu tiên gắn tem truy xuất nguồn gốc itrace247 do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phát triển đã được nhập khẩu chính ngạch vào Pháp qua đường hàng không. Lô hàng này đã tận dụng được lợi thế về ưu đãi thuế quan từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).
Đơn hàng này xuất xứ từ vùng trồng Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đã được Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Rồng Đỏ đưa sang Pháp thành công và sẽ có mặt trên kệ hàng của hệ thống siêu thị Á Châu tại Paris.
Dự kiến, trong tháng này, mỗi tuần sẽ có đơn hàng tương tự được nhập khẩu vào Pháp để thăm dò thị trường. Mục tiêu hướng tới là nếu như doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có thể đảm bảo được chất lượng, Pháp sẽ nhập khẩu hơn 10 tấn vải thiều Việt Nam qua đường hàng không và đường biển trong năm 2022.
Ông Vũ Anh Sơn, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pháp cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài suốt hơn một năm qua và đang diễn tiến phức tạp tại Việt Nam, đơn hàng vải thiều tới từ một đối tác uy tín tại Pháp đã xóa bỏ những nghi ngờ về năng lực cung cấp của Việt Nam, khẳng định thương hiệu, cũng như chất lượng quả vải Việt Nam nói riêng và hàng Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế.
“Quá trình phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp của Việt Nam và nhà nhập khẩu Pháp để đưa vải thiều Việt Nam sang Pháp cũng gặp khá nhiều khó khăn. Do dịch Covid-19, khâu kết nối doanh nghiệp vướng một số vấn đề như không có hàng mẫu để chào hàng tới nhà nhập khẩu, khách hàng Pháp không trực tiếp sang được Việt Nam để kiểm tra vùng trồng và chất lượng quả vải.”, ông Sơn nói.
Nhờ EVFTA, xuất khẩu sang EU tăng hơn 20%
Tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên với Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Giorgio Aliberti, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU đạt mức tăng trên 20% sau 5 tháng, nhờ nhiều ngành hàng tận dụng nhanh nhạy ưu đãi thuế từ Hiệp định EVFTA.
Thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và EU đang có mức tăng trưởng tích cực từ đầu năm 2021 đến nay, bất chấp những tác động của dịch bệnh Covid-19.
Thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU trong những tháng đầu năm 2021 đã chứng kiến sự tăng trưởng khả quan, tác nhân đáng kể nhờ vào việc thực thi Hiệp định EVFTA từ ngày 1/8/2020.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-EU đạt 18,26 tỷ USD, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Còn 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu 16,1 tỷ USD hàng hóa sang EU, tăng trưởng 20,1% và nhập khẩu từ EU 6,7 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước.
Theo thống kê của Cục Xuất nhập khẩu, kể từ khi EVFTA có hiệu lực đến ngày 4/6, các cơ quan, tổ chức được uỷ quyển cấp C/O mẫu EUR.1 đã cấp 180.551 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch hơn 6,6 tỷ USD đi 27 nước EU.
Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho 4.845 lô hàng với trị giá hơn 14,91 triệu USD được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA. Các mặt hàng được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, hàng dệt may, nông sản, sản phẩm từ ngũ cốc, hàng điện tử...
Xuất khẩu gạo Việt Nam giảm cả về lượng lẫn giá trị
Tổng cục Hải quan cho biết, xuất khẩu gạo Việt Nam tháng 5/2021 đạt hơn 626 ngàn tấn, kim ngạch đạt hơn 339 triệu USD, giảm gần 20% về lượng và giảm hơn 20% về giá trị so với tháng trước.
Tổng 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt gần 2,6 triệu tấn, giá trị đạt hơn 1,4 tỷ USD, giảm 15,4% về lượng và giảm 5,3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn), Philippines vẫn là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay với 35,6% thị phần khi đạt hơn 715 ngàn tấn, kim ngạch hơn 381 triệu USD, giảm 20,7% về khối lượng và giảm 4,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020…
Trong thời gian tới, triển vọng nhu cầu thị trường vẫn tương đối tốt. Tuy nhiên, XK gạo của nước ta dự đoán có sự cạnh tranh lớn từ các nhà cung cấp khác như Thái Lan, Ấn Độ bởi giá gạo Việt Nam đang cao hơn so với gạo hai đối thủ lớn này.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo của Việt Nam những ngày đầu tháng 6 đã giảm so với tháng trước song vẫn đứng nhất bảng. Cụ thể, gạo 5% tấm của Việt Nam ngày 10/6 có giá 483 USD/tấn; trong khi gạo 5% tấm của Thái Lan có giá 450 USD/tấn; của Pakistan 443 USD/tấn và gạo Ấn Độ 388 USD/tấn.
Gạo 25% tấm của Việt Nam ngày 10/6 cũng có giá cao nhất khi ở mức 463 USD/tấn; kế đến là gạo Thái Lan với 430 USD/tấn; gạo Pakistan có giá 383 USD/tấn, trong khi gạo 25% tấm của Ấn Độ vẫn đứng ở mức 358 USD/tấn.
Tin liên quan |
Viện trưởng CIEM: 5K và vaccine Covid-19 là ‘vũ khí’ hữu hiệu để phục hồi kinh tế |
Ấn Độ rà soát cuối kỳ thuế chống bán phá giá ván sợi MDF Việt Nam
Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ (DGTR) mới đây đã thông báo khởi xướng điều tra rà soát cuối kỳ lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm ván sợi MDF.
Đây là vụ việc rà soát lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng ván sợi MDF có xuất xứ từ Việt Nam và Indonesia, được DGTR ban hành năm 2016.
Cụ thể, hàng hóa bị rà soát là ván sợi MDF có độ dày từ 6mm trở lên, được phân loại theo mã HS 4411.13.00; 4411.14.00. Thời kỳ rà soát bán phá giá là từ 1/7/2019 – 31/12/2020; thiệt hại là từ 1/4/2016 – 31/12/2020.
Tiếp theo, DGTR sẽ gửi Bản câu hỏi rà soát cho các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu liên quan trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thông báo khởi xướng. Các bên quan tâm khác có thể nộp ý kiến, lập luận của mình thời hạn 30 ngày kể từ ngày thông báo khởi xướng để DGTR nghiên cứu, xem xét.
Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu liên quan: Nghiên cứu kỹ các tài liệu, thông tin liên quan tới vụ việc; hợp tác đầy đủ, toàn diện, thực hiện đúng hướng dẫn của DGTR; cân nhắc sử dụng luật sư/đơn vị tư vấn có kinh nghiệm trong lĩnh vực chống bán phá giá tại thị trường Ấn Độ để đạt kết quả kháng kiện tốt nhất.
Bên cạnh đó, thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với các đối tác tại Ấn Độ để thu thập thông tin và yêu cầu DGTR xem xét toàn diện lợi ích kinh tế cũng như quyền lợi của người tiêu dùng Ấn Độ.
“Việc bất hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ có thể dẫn tới việc DGTR sử dụng các chứng cứ bất lợi sẵn có làm căn cứ ra quyết định. Việc bị tiếp tục áp thuế chống bán phá giá sẽ làm suy giảm lợi thế cạnh tranh, mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu Ấn Độ vào tay các đối thủ Ấn Độ và/hoặc các quốc gia khác”, Cục Phòng vệ thương mại lưu ý.
Rau quả xuất khẩu mang về 1,7 tỷ USD
Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tháng 5, xuất khẩu rau quả đạt 338 triệu USD giảm 16,5% so với tháng 4 trước đó.
Tuy nhiên, lũy kế hết tháng 5 nhóm hàng này vẫn đạt con số tăng trưởng khá 13,8% với tổng kim ngạch hơn 1,7 tỷ USD.
Trong các nhóm hàng xuất khẩu thuộc lĩnh vực nông nghiệp, rau quả hiện xếp thứ hai về quy mô kim ngạch chỉ sau thủy sản.
Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ rau quả lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 1,052 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, chiếm khoảng 62% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.
Liên quan đến xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc, theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn), chỉ 5 tháng đầu năm Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc trên 468.000 tấn xoài, tăng 12% so với cả năm 2020; chuối đạt 348.000 tấn, bằng 87% cả năm ngoái; mít đạt 301.000 tấn bằng 92%; thanh long đạt 1,1 triệu tấn, bằng 63%.
Trong khi đó, theo ước tính của Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn), sản lượng trái cây chủ lực tiêu thụ trong năm 2021 vào khoảng 8,3 triệu tấn. Hiện nay, các loại trái cây có sản lượng lớn như vải thiều, xoài, nhãn, thanh long, dưa hấu… đang vào mùa thu hoạch chính vụ.