Tiến sỹ Giáp Văn Dương chia sẻ kinh nghiệm phát huy khả năng tự học, kỹ năng sống của giới trẻ. (Ảnh:L.A) |
Hội thảo tập trung phân tích 2 yếu tố: “ Bản thân giới trẻ” và “Xã hội" tác động lên ý thức sống trung thực, trách nhiệm và nghị lực của giới trẻ hiện nay, với sự tham gia thảo luận của các chuyên gia, nhà giáo, nhà báo, phụ huynh và các bạn học sinh, sinh viên đang học tập tại Hà Nội.
Hội thảo xoay quanh các vấn đề về lối sống của thanh thiếu niên hiện nay, với các chủ đề thảo luận đang trở thành mối quan tâm lớn của toàn xã hội như: “Kinh nghiệm từ các nước trong việc phát huy khả năng tự học kỹ năng sống của người trẻ”, cũng như “Những điều gì trong xã hội đang cản trở sự tự giác của giới trẻ?” và “Vai trò của truyền thông trước việc thúc đẩy giới trẻ sống trung thực, sống trách nhiệm và sống nghị lực”.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Tùng Lâm- Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho biết, dưới góc độ tâm lý học và xã hội học, thì công tác quản lý xã hội còn nhiều bất cập, hạn chế; việc giới trẻ chưa thực sự được xã hội tôn trọng, tin tưởng và khích lệ; và bệnh thành tích tràn lan trong xã hội đang là những rào cản đối với sự tự giác của giới trẻ. Những điều này đang khiến cho một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ có tư tưởng tiêu cực, thiếu sự rèn luyện, sợ vấp ngã, e ngại trước những thử thách, khó khăn trong cuộc sống... từ đó không có ước mơ, không có động lực để vươn lên để khẳng định bản thân và cống hiến cho xã hội.
“Bệnh thành tích trong các nhà trường hiện nay cũng dễ lấy đi của lớp trẻ nhiều phẩm chất và năng lực. Có lẽ nhà trường cũng nên bỏ kiểu thi đua chạy theo thành tích ảo và bỏ luôn cả nhiều khẩu hiệu trống rỗng”, ông Lâm nhận định.
TS. Nguyễn Tùng Lâm cũng đề nghị, Trung ương Đoàn cần có những kiến nghị với các cơ quan tổ chức có thẩm quyền đưa ra các cơ chế, chính sách phù hợp để áp dụng, khi đó mới hy vọng mỗi người được trở về thực chất để có nghị lực và niềm tin để có sự sống. Muốn thay đổi cũng không thể vì một lời nói hay một việc làm mà làm thay đổi ngay được, mà cần có thời gian, có sự đầu tư cộng với sự giáo dục từ nhà trường, phụ huynh mới có hiệu quả.
Cũng về chủ đề giáo dục, Tiến sỹ Giáp Văn Dương lại đi sâu vào chủ đề làm gì để phát huy khả năng tự học kỹ năng sống của giới trẻ.
Theo Tiến sỹ Dương, nền giáo dục của Việt Nam hiện nay đang nặng về việc “Học cái gì” với rất nhiều nội dung khác nhau. Những cải cách gần đây đã theo hướng “Học như thế nào” khá tiến bộ nhưng quan điểm giáo dục mới phải để trả lời câu hỏi “Học để làm gì”. “Khi người học trả lời được câu hỏi này, các bạn sẽ tự biết cách trả lời hai câu hỏi kia là Học cái gì và Học như thế nào”, Tiến sỹ Dương chia sẻ.
Với nhiều nội dung phong phú và thiết thực, Hội thảo không chỉ tạo ra sức lan tỏa về ý thức trong cuộc sống, mà còn góp phần định hướng cho tầng lớp thanh thiếu niên về thái độ sống tích cực, sống có ích, đồng thời khẳng định vai trò giáo dục nhân cách sống của tầng lớp thanh thiếu niên không chỉ ở nhà trường mà còn ở gia đình, xã hội và do chính nhận thức từ bản thân của giới trẻ.
Trước đó, Ban Tổ chức chương trình “Tỏa sáng Nghị lực Việt” cũng đã tổ chức thành công 6 buổi lễ phát động tại Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang, Đà Nẵng, Nghệ An, Cần Thơ. Chương trình đã nhận được sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của hàng chục ngàn học sinh, sinh viên trong cả nước, góp phần tạo sự lan tỏa sâu trong cộng đồng thanh thiếu niên về nhận thức và lối sống trách nhiệm “Sống trung thực, Sống trách nhiệm, Sống nghị lực”, từ đó ý thức phấn đấu vươn lên trở thành người có ích cho xã hội.
Diễn Tú