Hội thảo do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp Tổ chức Nhân dân Australia vì Y tế, Giáo dục và Phát triển hải ngoại thuộc Công đoàn Australia (APHEDA) tổ chức.
Sự kiện có sự tham dự của đại diện Lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; đại diện Lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam và khoảng 300 đại biểu tham gia theo hình thức trực tiếp và trực tuyến từ các Đại sứ quán, cơ quan Liên hợp quốc, tổ chức quốc tế tại Việt Nam, Hội LHPN cấp trung ương và 63 tỉnh/thành.
Các đại biểu tham dự Hội thảo trực tiếp chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Lê An) |
Đối tác vì sự phát triển của phụ nữ
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, Hội thảo có mục đích chia sẻ thông tin, kinh nghiệm của hai nước về thúc đẩy bình đẳng giới, đồng thời thảo luận các sáng kiến hợp tác trong thời gian tới vì sự phát triển của phụ nữ.
Trong nhiệm kỳ 2022-2027, Hội LHPN Việt Nam xác định một trong những nội dung trọng tâm là mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác với các đối tác quốc tế, trong đó chú trọng các đối tác chiến lược như Australia.
Đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế, nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18 của Trung ương Hội về hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế đến năm 2030, Hội mong muốn đẩy mạnh hợp tác với Australia trong một số lĩnh vực mà các bạn có thế mạnh như nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, chuyển đổi số, giao lưu nhân dân và hội nhập quốc tế, an ninh và an toàn cho phụ nữ và trẻ em, lồng ghép giới trong xây dựng và thực thi chính sách…
Bà Nguyễn Thị Minh Hương khẳng định trao quyền cho phụ nữ, đảm bảo bình đẳng giới thực chất sẽ giúp các quốc gia giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội còn tồn tại.
Bà nhấn mạnh: “Những chia sẻ của các đại biểu rất hữu ích đối với Việt Nam nói chung và Hội LHPN Việt Nam nói riêng trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách và luật pháp liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới, là gợi ý quý báu đối với định hướng hoạt động của Hội. Qua đây, sẽ có thêm các cơ hội kết nối, mở rộng mạng lưới hợp tác vì bình đẳng giới giữa Việt Nam và Australia”.
Chia sẻ tại đây, Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam Mark Tattersall cho biết bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối nội và đối ngoại của Australia.
Theo ông Mark Tattersall, việc nhận ra tiềm năng đầy đủ của phụ nữ để tham gia vào tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế và xã hội có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển, danh tiếng và sự sẵn sàng cho tương lai của các quốc gia trên toàn thế giới.
Khẳng định cam kết trong việc hợp tác với Việt Nam vì sự bình đẳng trong những năm tới, Phó Đại sứ Australia tin rằng Việt Nam có đầy đủ điều kiện để trở thành quốc gia đi đầu trong khu vực ASEAN về bình đẳng giới.
Phó Đại sứ nói: “Australia tự hào được hợp tác với Việt Nam trong nhiều sáng kiến vì bình đẳng và hòa nhập, như hợp tác với cộng đồng và khu vực tư nhân để tạo cơ hội phát triển kinh tế cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số và thu hút đầu tư vào các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ; làm việc với Quốc hội và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về các luật mới…”.
Bình đẳng giới là con đường thông minh
Trong khuôn khổ Hội thảo, các diễn giả của Việt Nam và Australia đã trình bày tham luận phân tích các khía cạnh khác nhau trong việc nâng cao quyền năng chính trị và quyền năng kinh tế cho phụ nữ, đặc biệt chú trọng vào việc thu hút phụ nữ tham gia chính trị, tăng tỷ lệ phụ nữ lãnh đạo ở các cơ quan chủ chốt.
Đáng chú ý, bà Nguyễn Thanh Cầm, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Xã hội của Quốc hội khóa XV, đã chia sẻ về tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử và tham chính nói chung.
Theo đó, hoạt động của các nữ đại biểu dân cử đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng, hoạch định chính sách trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, giám sát những vấn đề quốc kế dân sinh và có tác động tích cực trong việc thúc đẩy bình đẳng giới.
Bà Nguyễn Thanh Cầm cho biết tại nhiệm kỳ XIV, Việt Nam lần đầu tiên có nữ Chủ tịch Quốc hội. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cùng với những nỗ lực phấn đấu không ngừng của các thế hệ phụ nữ, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội tăng qua các nhiệm kỳ, đạt 30,26% tại nhiệm kỳ XV. Tỷ lệ nữ tham gia Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đều đạt trên 26%.
Hiện nay, 15/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ; có 3 nữ Bộ trưởng, 1 nữ Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, 12 nữ Thứ trưởng và tương đương. Tỷ lệ UBND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ: cấp tỉnh: 37,7%; cấp huyện: 31,77%; cấp xã: 24,94% (số liệu đầu nhiệm kỳ 2021-2025).
Qua các nhiệm kỳ, thực hiện trách nhiệm thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, số lượng các văn bản quy phạm pháp luật được Ủy ban Xã hội của Quốc hội thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới được tăng lên cả về số lượng và chất lượng với nhiều dự án luật quan trọng đối với mục tiêu bình đẳng giới.
Về kinh nghiệm của Australia trong việc thu hút phụ nữ tham gia chính trị và tăng cường sự hiện diện của nữ lãnh đạo, Giám đốc Chương trình Aus4Skills Kaye Eldridge, khẳng định sự hiện diện của phụ nữ ở các cấp hoạch định chính sách cao cấp nhất sẽ góp phần thay đổi cách giải quyết các câu hỏi chiến lược lớn nhất của thời đại hôm nay.
Bà Kaye Eldridge nói: “Sự hiện diện của phụ nữ hỗ trợ việc xác định đầy đủ hơn các vấn đề ảnh hưởng đến bối cảnh kinh tế và xã hội của một quốc gia, giúp có được các chính sách đầy đủ và hiệu quả hơn. Sự hiện diện của phụ nữ giúp mở rộng mạng lưới và mở ra những cánh cửa mới bởi phụ nữ luôn nhìn nhận vấn đề một cách sâu sắc và thúc đẩy thảo luận”.
Giám đốc Chương trình Aus4Skills cũng dẫn chứng ngày càng có nhiều phụ nữ đảm nhận các vai trò cấp cao về đối ngoại, quốc phòng và an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Đông Nam Á, cũng như số lượng phụ nữ trong Chính phủ Australia ngày một tăng lên.
Bà Kaye Eldridge kết luận: “Australia đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc thu hút phụ nữ tham gia chính trị, nhưng chúng tôi cũng biết rằng chúng tôi không thể tự mãn và phải tiếp tục những nỗ lực này.
Nhận xét gần đây của Bộ trưởng Ngoại giao Penny Wong là một bản tóm tắt hay về lý do tại sao phụ nữ tham gia chính trị lại quan trọng: “Đại diện toàn diện, phản ánh toàn bộ cộng đồng của chúng ta, có nghĩa là chúng ta có các quyết định tốt hơn, xã hội của chúng ta an toàn hơn và quốc gia của chúng ta mạnh mẽ hơn.
Đối với tôi, câu trích dẫn này nhấn mạnh rằng bình đẳng giới trong chính trị không chỉ là con đường đúng đắn mà còn là con đường thông minh”.
Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Lê An) |
Đề cập tới phương hướng hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ thời gian tới, bà Phạm Thị Hương Giang, Trưởng ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội LHPN Việt Nam, nhấn mạnh một số giải pháp như thực hiện tốt Đề án của Chính phủ “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030”; triển khai hiệu quả Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”; hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm cho phụ nữ…
Bà Giang bày tỏ sự lạc quan: "Cùng với sự phát triển của đất nước, chiếm tỷ lệ 50,2% dân số, 47,4% lực lượng lao động, phụ nữ ngày càng khẳng định tiềm năng, vai trò và vị thế quan trọng trong gia đình, xã hội, đóng góp xứng đáng vào tiến trình phát triển của đất nước. Nhận thức của xã hội về vai trò, vị trí của phụ nữ có nhiều thay đổi theo chiều hướng tiến bộ".
Trong phiên thảo luận tại Hội thảo, các diễn giả cũng đã chia sẻ những sáng kiến và định hướng hợp tác hướng tới mục tiêu bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ.
Đây là cơ sở để Hội LHPN Việt Nam và các đối tác Australia tăng cường và nâng cao hiệu quả hợp tác trong thời gian tới vì sự phát triển của phụ nữ.
Từ năm 2014 đến nay, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hội LHPN Việt Nam với sự hỗ trợ từ Chính phủ Australia đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm giảm thiểu bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái thông qua các dự án nổi bật: + Dự án “Nâng cao năng lực nguồn nhân lực tại Việt Nam: Cung cấp dịch vụ hiệu quả trong phòng chống bạo lực trên cơ sở giới và mua bán người” theo Chương trình Đối tác Chính phủ vì Sự phát triển của Australia (GPFD), Trường Đại học Tổng hợp Flinders thuộc Bang Nam Australia hợp tác với Hội LHPN Việt Nam, từ năm 2014-2017, nhằm đẩy mạnh việc hỗ trợ cho các phụ nữ và trẻ em bị bạo hành, bao gồm đào tạo nâng cao năng lực và cải thiện các dịch vụ Nhà tạm lánh và Tham vấn. + Dự án “Hỗ trợ các can thiệp xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19” được thực hiện từ tháng 5/2020 đến tháng 5/2021. Dự án do UNFPA, UNICEF và UN Women phối hợp cùng với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Nông dân Việt Nam, Hội LHPN Việt Nam cùng các bên liên quan khác thực hiện. Mục tiêu dự án đặt ra là tăng cường các cơ chế phòng ngừa, ứng phó quốc gia, nhằm giải quyết bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em trong bối cảnh Covid-19. + Dự án “Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam” được thực hiện từ tháng 6/2021 đến tháng 7/2025. Dự án này nhằm đạt mục tiêu tất cả phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam, bao gồm cả những người dễ bị tổn thương, có thể sống một cuộc sống không bị bạo lực thông qua tăng cường các chiến lược phòng ngừa và các biện pháp ứng phó đa ngành. |
| Phu nhân Chủ tịch nước và Phu nhân Toàn quyền Australia thăm Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam Chiều 4/4, Phu nhân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, bà Phan Thị Thanh Tâm và Phu nhân Toàn quyền Australia, bà Linda Hurley thăm ... |
| Phụ nữ Việt Nam tại Lào ngày càng gắn kết, mở rộng và phát triển Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Lào, ngày 3/4, bà Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên ... |
| Triển lãm về muôn mặt cuộc sống mưu sinh của những nữ lao động di cư tại Hà Nội Chiều 6/4, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã khai mạc triển lãm "Nơi tôi đến", mang tới cho người xem cái nhìn toàn cảnh ... |
| Thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Australia phát triển toàn diện trên các lĩnh vực Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tin tưởng chuyến thăm của Toàn quyền Australia David Hurley sẽ góp phần thúc đẩy, đưa quan hệ ... |
| Việt Nam-Australia: Củng cố tin cậy, gắn kết con người Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Toàn quyền Australia David Hurley góp phần tăng cường gắn kết hai nước ở tất cả ... |