Các đại biểu ấn nút hưởng ứng ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh năm 2023. (Nguồn: Bộ Y tế) |
Ngày 27/12, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh (27/12) năm 2023 với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương, đại diện chính quyền tại cơ sở và các cơ quan, tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Năm 2020, từ đề xuất của Việt Nam, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 27/12 hằng năm là ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh. Đây là nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng Liên hợp quốc trong lĩnh vực này do Việt Nam đề xuất. Trên cơ sở các bài học kinh nghiệm từ đại dịch Covid-19, Bộ Y tế đưa ra chủ đề hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh năm 2023 là “Toàn dân, toàn xã hội tham gia phòng, chống dịch bệnh”.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, trên thế giới, dịch bệnh truyền nhiễm vẫn luôn diễn biến phức tạp, khó lường; có xu hướng tăng dần tần suất và xuất hiện nguy cơ lây nhiễm các biến thể mới, các dịch bệnh mới nổi. Các bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi gia tăng đáng kể. Số ca mắc sốt xuất huyết tăng hơn 10 lần trong 10 năm qua với ước tính nửa dân số trên thế giới có nguy cơ ca mắc mỗi năm.
Việt Nam nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều cùng với nhu cầu giao thương, du lịch ngày càng tăng cao nên nguy cơ đối mặt với sự lây lan của nhiều loại dịch bệnh khác nhau là rất lớn.
Để phòng bệnh từ sớm, từ xa, hạn chế dịch bệnh bùng phát, sẵn sàng ứng phó với các đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh trong tương lai, Bộ Y tế sẽ triển khai khai các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời tiếp tục chủ động đẩy mạnh tiếp cận an ninh y tế toàn cầu để thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, thể hiện tinh thần trách nhiệm của Việt Nam, cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với dịch bệnh.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh, trong công tác phòng, chống dịch bệnh, ngành y tế là lực lượng nòng cốt nhưng cần có sự ủng hộ, phối hợp, hỗ trợ và tham gia tích cực chủ động của các bộ, ban, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội, bạn bè quốc tế và cộng đồng xã hội.
Bên cạnh lễ mít tinh, Bộ Y tế còn triển khai Chiến dịch truyền thông mạng xã hội hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh phối hợp cùng Quỹ Unilever Việt Nam; các chương trình tọa đàm về phòng, chống dịch bệnh mùa Đông Xuân; phòng, chống dịch Covid-19 nhằm lan tỏa các thông điệp phòng, chống dịch bệnh như: Toàn dân, toàn xã hội tham gia phòng, chống dịch bệnh; Không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác - Chủ động phòng bệnh từ sớm, từ xa, từ cơ sở; Phòng, chống dịch bệnh bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh cá nhân để phòng, chống dịch bệnh; Thường xuyên vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, nơi ở để ngăn ngừa mầm bệnh phát triển; Thực hiện lối sống khoa học, dinh dưỡng đầy đủ để tăng cường sức đề kháng; Phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân: giữ ấm cơ thể; thể dục, thể thao; nâng cao thể trạng; Thực hiện 2K (Khẩu trang-Khử khuẩn) để phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.
Rửa tay với xà phòng là một trong những biện pháp đơn giản, hiệu quả nhất để phòng chống bệnh truyền nhiễm. Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, chỉ một hành động rửa tay sạch đã làm giảm tới 35% khả năng lây truyền vi khuẩn. Bên cạnh việc áp dụng 6 bước rửa tay thì việc rửa tay với xà phòng hoặc nước rửa tay đúng cách cũng đóng vai trò cực kỳ quan trọng cho hiệu quả làm sạch tay.
Bà Lê Thị Hồng Nhi – Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại Unilever Việt Nam chia sẻ: "Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường luôn luôn nên được chú trọng trong mọi thời điểm, đặc biệt trong mùa lễ hội để mọi người có thể khoẻ mạnh, vui chơi. Unilever rất vui mừng và tự hào khi được đồng hành cùng Bộ Y tế trong chiến dịch lan tỏa thông điệp điệp thiết thực đến cộng đồng nhân Ngày Quốc tế Phòng chống Dịch bệnh, góp phần đẩy lùi bệnh truyền nhiễm vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn".