📞

Năng lực xét nghiệm: 'Chìa khóa' chống dịch Covid-19 trong khu công nghiệp

Bảo Trâm 21:03 | 11/06/2021
Đợt bùng phát dịch lần thứ tư trong các khu công nghiệp đã cho thấy những bài học kinh nghiệm vô cùng quý giá, đặc biệt đối với công tác lấy mẫu, xét nghiệm phục vụ truy vết, khoanh vùng, dập dịch, làm sạch ổ dịch.
Để bắt kịp tốc độ lây lan của dịch Covid-19, các lực lượng phải lấy mẫu, xét nghiệm một khối lượng rất lớn lên tới hàng chục nghìn mẫu mỗi ngày.

Đặc điểm của đợt dịch thứ tư là đa chủng, đa nguồn lây, đa hình thái lây nhiễm, trong đó chủ yếu là lây lan từ cộng đồng vào khu công nghiệp, hoặc từ khu công nghiệp ra cộng đồng. Khác biệt lớn nhất, chúng ta chưa có kinh nghiệm chống dịch trong các khu công nghiệp, trước đó, trong đợt dịch thứ ba mới xuất hiện hình thái lây nhiễm trong một cụm công nghiệp ở Hải Dương.

Lần này, dịch Covid-19 đã xuất hiện và lây lan rất nhanh trong các doanh nghiệp ở các khu công nghiệp có hàng trăm nghìn công nhân như Vân Trung, Quang Châu (Bắc Giang), Quế Võ (Bắc Ninh). Đáng chú ý, khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên, dịch đã lây nhiễm được 2-3 chu kỳ, công nhân làm việc trong môi trường kín, đi chung xe, ở trọ với mật độ dày đặc nên nguy cơ lây nhiễm rất cao.

Do vậy, để bắt kịp tốc độ lây lan của dịch, các lực lượng phải lấy mẫu, xét nghiệm một khối lượng rất lớn lên tới hàng chục nghìn mẫu mỗi ngày, trong khi đó, năng lực xét nghiệm của địa phương còn rất hạn chế.

Tính từ ngày 29/4 đến 8/6, chúng ta đã thực hiện xét nghiệm Realtime RT-PCR được 1.784.306 mẫu cho 3.763.592 lượt người, đồng thời sử dụng hàng trăm nghìn kit xét nghiệm nhanh.

Ngay từ đầu dịch, để tăng cường năng lực xét nghiệm cho Bắc Giang, Bộ Y tế, các địa phương đã cử nhiều đơn vị xét nghiệm cũng như hàng nghìn cán bộ lấy mẫu xuống hỗ trợ. Tuy nhiên, trong thời gian đầu, do thiếu sự điều phối, chỉ huy thống nhất nên chưa phát huy được tối đa năng lực xét nghiệm. Mỗi ngày vẫn còn tồn nhiều nghìn mẫu chưa thể trả được kết quả ngay trong ngày, ảnh hưởng tới việc truy vết, khoanh vùng kịp thời.

Sau đó, nhiều cách làm sáng tạo đã được vận dụng, triển khai nhằm khắc phục những hạn chế, nâng công suất xét nghiệm để đáp ứng được tốc độ lấy mẫu, truy vết. Các phương pháp xét nghiệm như PCR mẫu đơn, PCR mẫu gộp, xét nghiệm nhanh đã được thực hiện kết hợp với việc phân loại theo nhóm đối tượng có nguy cơ khác nhau. Tin học hóa trong việc lập danh sách người được lấy mẫu két nghiệm để khớp nối với kết quả xét nghiệm nhanh nhất, cũng góp phần phát huy tối đa công suất xét nghiệm.

Trên thực tế cách làm này đã được thực hiện hiệu quả khi TP. Đà Nẵng khoanh vùng, dập dịch khi phát hiện những ca nhiễm đầu tiên tại khu công nghiệp An Đồn, quận Sơn Trà. Hàng chục nghìn công nhân trong khu công nghiệp đã được lấy mẫu, xét nghiệm PCR chỉ trong vòng 24 giờ, bằng những mẫu đơn, gộp 5 mẫu, gộp 10 mẫu đơn, 20 mẫu đơn… tùy theo mức độ nguy cơ lây nhiễm.

Lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Đà Nẵng.

Đồng thời Đà Nẵng cũng tiến hành xét nghiệm, sàng lọc tầm soát tương tự đối với các khu vực dân cư nhằm đánh giá nguy cơ, nhanh chóng phát hiện những ca lây nhiễm từ khu công nghiệp ra cộng đồng. Nhờ vậy, ổ dịch tại khu công nghiệp An Đồn nhanh chóng được khống chế, dập tắt.

Không chỉ đóng vai trò rất quan trọng trong phát hiện, truy vết, khoanh vùng, cách ly các ổ dịch ra khỏi cộng đồng mà công tác xét nghiệm có ý nghĩa quyết định đối với tốc độ làm sạch các ổ dịch.

Đặc điểm tại tâm dịch Bắc Giang là các ổ dịch cơ quy mô thôn, xóm xung quanh khu công nghiệp với mật độ công nhân cư trú dày đặc như tại huyện Việt Yên. Để làm sạch các ổ dịch này, cùng với việc giảm mật độ công nhân cư trú, Bắc Giang đã thực hiện xét nghiệm định kỳ 3 ngày/lần đối với tất cả công nhân và người dân trong các khu cách ly phong toả, trên địa bàn huyện Việt Yên, với khoảng 70.000 người, qua đó nhanh chóng bắt kịp và ngăn chặn được khả năng lây lan tại các ổ dịch, tạo cơ sở để làm sạch các ổ dịch. Với cách làm như vậy, huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh) đã từng bước dỡ bỏ phong tỏa tại những thôn, xóm có thời gian không ghi nhận ca nhiễm mới theo quy định.

Bên cạnh đó, Bắc Giang, Bắc Ninh đồng thời liên tục xét nghiệm tầm soát, sàng lọc nguy cơ ở những huyện, địa bàn được coi là an toàn để tránh nguy cơ “trong đánh ra, ngoài đánh vào”, “tứ bề thọ địch”.

Tương tự, tại Bắc Ninh, khi dịch lây nhiễm từ cộng đồng vào khu công nghiệp, việc có ngay kết quả xét nghiệm trong vòng 24 giờ là chìa khóa để đưa ra các quyết định chống dịch kịp thời vì chỉ cần chậm 2-3 ngày là ca nhiễm có thể lây sang 1-2 vòng, với cấp số nhân, đặc biệt với những nhà máy, xí nghiệm trong khu công nghiệp có môi trường làm việc khép kín, mật độ công nhân dày đặc.

Để thực hiện mục tiêu kép,trong thời gian chống dịch, các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang cũng chuẩn bị phương án để những doanh nghiệp đủ điều kiện đảm bảo tuyệt đối an toàn dịch bệnh được trở lại sản xuất. Xét nghiệm đóng vai trò “chốt kiểm soát” để đảm bảo tất cả khôi phục sản xuất phải tuyệt đối an toàn.

Số ca nhiễm tại Bắc Ninh, Bắc Giang có xu hướng chững lại, giảm dần và có thể được khống chế hoàn toàn trong 10-15 ngày tới, cũng là lúc lực lượng chống dịch tại những địa phương này cần nhìn nhận, đánh giá, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm chống dịch trong khu công nghiệp để kịp thời phổ biến, hướng dẫn cho các tỉnh, thành phố kịp thời chuẩn bị cho tình huống dịch xuất hiện đồng thời ở nhiều nơi trong khu công nghiệp.

Trong đó, quan trọng nhất là tất cả các hoạt động lấy mẫu, xét nghiệm phải được đặt dưới sự điều phối thống nhất tránh tình trạng nhiều đơn vị cùng về một địa bàn, dẫm chân, chồng chéo lên nhau. Hướng dẫn thí điểm để công nhân trong khu công nghiệp tự lấy mẫu xét nghiệm, đề phòng tình huống xấu, lực lượng lấy mẫu quá tải khi dịch bệnh bùng phát trong khu công nghiệp.

Triển khai sử dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ người dân khai báo y tế đảm bảo thuận lợi nhất cho người dân. Triển khai tổng đài gọi điện tự động để tăng cường nắm bắt các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ giúp công tác xét nghiệm sàng lọc nhanh, hiệu quả hơn. Cùng với đó, rất cần hình thành những đơn vị cơ động hỗ trợ về lấy mẫu, xét nghiệm cấp tập trong một thời gian ngắn, tranh thủ từng giờ từng phút khoanh vùng, dập dịch nhanh nhất có thể.