Nông dân Ấn Độ đang ngồi tại cánh đồng nứt nẻ của ông tại làng Gauribidanur gần Bangalore hôm 25/5. |
Nếu như tình trạng khô hạn ở châu Phi là bình thường thì hiện tượng nắng nóng bất thường đã và đang diễn ra tại Việt Nam, Mỹ, Australia và Ấn Độ thời gian qua chính là hệ quả trực tiếp của biến đổi khí hậu, kéo theo mối lo ngại đối với sức khoẻ con người.
Vấn nạn mới của thế giới
Uỷ ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) khẳng định, biến đổi khí hậu gây ra nhiều bệnh tật đối với con người, thông qua hậu quả của các dạng thiên tai như sóng nhiệt (nóng), bão, lũ lụt, hạn hán… Đặc biệt, bệnh dịch gia tăng dưới tác động của sự thay đổi nhiệt độ và hoàn cảnh sống, làm các bệnh về tim mạch, hô hấp, tiêu hoá, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm qua vật trung gian như sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não... gia tăng.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh dịch Mỹ (CDC), trung bình hàng năm ở Mỹ có 688 người chết do nhiệt độ gia tăng. Trong đó, 65% trường hợp tử vong do quá nóng và 35% trường hợp tử vong do nắng nóng kết hợp với các bệnh khác.
Theo truyền thông Ấn Độ, tính đến ngày 30/5, có hơn 2.000 người tử vong do nắng nóng bất thường. Đây trở thành thảm họa gây chết người lớn thứ hai ở nước này sau lũ lụt. Còn báo chí Australia gọi nắng nóng là "sát thủ thầm lặng" khi con số tử vong do nắng nóng cao hơn hơn cả nguy cơ rủi ro khác như cháy rừng, lũ lụt hay lốc xoáy...
Trước tình hình trên, các nước đã có nhiều biện pháp đối phó giảm thiểu những rủi ro.
Tại Mỹ, CDC đã cho phép các tổ chức, kể cả chính phủ và phi chính phủ vào cuộc. Các đơn vị phải đưa ra kế hoạch phòng chống nắng nóng và hạn chế bệnh dịch hiệu quả nhất trước khi mùa Hè bắt đầu. Bên cạnh đó, CDC khuyến cáo: Trong các đợt nắng nóng, người già, trẻ em và những người mắc bệnh mãn tính phải thường xuyên kiểm tra sức khỏe. Đồng thời, các cơ quan chức năng có trách nhiệm nhận diện triệu chứng bệnh và khả năng lây bệnh để có biện pháp phòng trừ.
Ở Australia, bên cạnh việc khuyến cáo người dân phòng tránh nắng nóng, từ năm 2013 đến nay, Chính phủ đã áp dụng hệ thống cảnh báo sớm về trạng thái thời tiết này. Hệ thống này hỗ trợ người dân chuẩn bị tốt để đối phó với hiện tượng thời tiết nắng nóng bất thường khi đưa ra mức độ cảnh báo tùy theo độ nắng nóng tại từng bang trước 30 ngày.
Việt Nam chủ động ứng phó
Trước hiện trạng trên, Bộ Y tế Việt Nam cũng xác định, tình trạng biến đổi khí hậu đã và đang tác động nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.
Vì vậy, ngay từ đầu mùa Hè, Bộ Y tế, UBND các thành phố, quận, huyện và các sở y tế, đã lần lượt tổ chức các hội nghị trực tuyến về phòng chống hạn hán và dịch bệnh trong thời tiết nắng nóng nhằm triển khai có hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh, chuẩn bị thuốc và trang thiết bị y tế để đối phó với dịch bệnh…
Trong đợt nắng nóng đỉnh điểm đầu Hè qua ở Hà Nội, nhiều người già, trẻ em phải nhập viện, làm các bệnh viện hầu như quá tải. Chỉ sáu ngày nắng nóng gần đây, Bệnh viện Nhi Trung ương đã đón 2.500- 2.700 bệnh nhi. Theo bác sỹ Trương Thúy Vinh (Trưởng Khoa Khám bệnh- Bệnh viện Nhi Trung ương), trong những ngày nắng nóng này, số lượng trẻ nhập viện vì sốt cao, co giật, viêm mũi, viêm phổi, viêm phế quản tăng cao. Tại Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai, tỷ lệ nhập viện cũng tăng từ 20 đến 30% so với thời điểm trước nắng nóng.
Khi thời tiết oi nóng kéo dài, người già cũng là đối tượng dễ bị tác động mạnh bởi thời tiết. Bác sỹ Vũ Thị Thanh Huyền (Trưởng Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Lão khoa Trung ương) cho biết: "Trong những ngày thời tiết bất thường, lượng bệnh nhân đến khám vì tăng huyết áp, trung bình khoảng 200 người/ngày. Chủ yếu là bệnh nhân bị biến chứng nặng của tăng huyết áp, các bệnh tim mạch, viêm phế quản, viêm phổi, viêm da dị ứng, bệnh đường tiêu hóa".
Bộ Y tế khuyến cáo, trong thời tiết nắng nóng, cha mẹ cần chú ý phòng bệnh cho trẻ bằng các biện pháp giữ gìn vệ sinh cá nhân, ăn uống đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Những người già, người mắc bệnh huyết áp cao cần hết sức thận trọng với sự chênh lệch nhiệt độ giữa phòng có điều hòa và môi trường bên ngoài để tránh xảy tai biến mạch máu não.
Nikhil Hòa (tổng hợp)