Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN) |
Tham dự hội đàm, về phía Việt Nam có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Trần Quốc Vượng; Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lương Ngọc Bính; Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an, Thượng tướng Đặng Văn Hiếu; Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Trương Quang Khánh; Ðại sứ Việt Nam tại Thái Lan Ngô Đức Thắng; Trợ lý Tổng Bí thư Vũ Dũng.
Về phía Thái Lan có: Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Surapong Tovichakchaikul; Bộ trưởng Quốc phòng Sukumpol Suwanatat; Bộ trưởng Nội vụ Charupong Ruangsuwan; Bộ trưởng Thương mại Boonsong Teriyapirom; Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam Anuson Chinvanno; Tổng Thư ký Văn phòng Thủ tướng Suranand Vejjajiva; Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Sihasak Phuangketkeow; Tổng Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Paradorn Pattanabut; Thứ trưởng Bộ Lao động Anusorn Kraiwatnussorn; Người Phát ngôn Chính phủ Teerat Ratanasevi.
Thay mặt Chính phủ Thái Lan, Thủ tướng Yingluck Shinawatra nhiệt liệt chào mừng và đánh giá cao chuyến thăm chính thức Thái Lan của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam. Chuyến thăm của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam sau 20 năm kể từ chuyến thăm của Tổng Bí thư Đỗ Mười, và diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước Thái Lan-Việt Nam được nâng lên tầm cao mới - quan hệ đối tác chiến lược.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ vui mừng lần đầu tiên đến thăm đất nước Thái Lan và được tận mắt chứng kiến những thành tựu to lớn và sự phát triển mạnh mẽ của Vương quốc Thái Lan; đánh giá cao vị thế và vai trò của Thái Lan trong khu vực và trên thế giới; khẳng định Việt Nam luôn coi trọng việc phát triển và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với Thái Lan.
Qua Thủ tướng Yingluck Shinawatra, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chuyển lời thăm hỏi và lời chúc sức khỏe tới Đức Vua Phumiphon Adunyadet đang trị bệnh tại bệnh viện.
Trong bầu không khí hữu nghị, tin cậy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi nước; tập trung trao đổi về các phương hướng, biện pháp lớn nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới; trao đổi về những vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng về sự phát triển của quan hệ hai nước trong gần 40 năm qua, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1976, đặc biệt kể từ sau chuyến thăm Thái Lan của Tổng Bí thư Đỗ Mười vào năm 1993. Quan hệ chính trị giữa hai nước được tăng cường với việc thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao và các cấp; quan hệ kinh tế - thương mại phát triển nhanh chóng. Năm 2012, kim ngạch thương mại song phương đạt trên 8,6 tỷ USD; tính đến ngày 20/02/2013, Thái Lan có 300 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 6,12 tỷ USD, đứng thứ 10/99 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.
Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp hai nước trong việc góp phần mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước Việt Nam và Thái Lan.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Yingluck Shinawatra nhất trí thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Thái Lan, Thái Lan-Việt Nam với 5 trụ cột chính, bao gồm: i) quan hệ chính trị, ii) hợp tác quốc phòng và an ninh, iii) hợp tác kinh tế, iv) hợp tác xã hội văn hóa, v) hợp tác khu vực và quốc tế.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí giao cho các cơ quan hữu quan của hai nước phối hợp xây dựng chương trình hành động và lộ trình thực hiện cụ thể để hai Thủ tướng hai nước có thể ký kết tại cuộc họp Nội các chung tháng 10/2013 tại Thái Lan và hướng dẫn các cấp, các ngành của hai nước thực hiện.
Hai nhà lãnh đạo thống nhất tiến hành thường xuyên hơn nữa trao đổi đoàn cấp cao và các cấp trong thời gian tới nhằm tăng cường tình hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau và trao đổi kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý đất nước. Trong đó, thúc đẩy giao lưu, hợp tác giữa hai đảng cầm quyền, Quốc hội hai nước, là cơ sở chính trị quan trọng thúc đẩy quan hệ hai nước tiếp tục phát triển.
Hai nhà lãnh đạo cũng bày tỏ nhất trí cao về sự cần thiết mở rộng và tăng cường giao lưu nhân dân một cách phong phú, thiết thực, hiệu quả, nhất là giữa thế hệ trẻ hai nước.
Hai bên cam kết đẩy mạnh hợp tác kinh tế, gia tăng kim ngạch thương mại hai chiều mỗi năm lên 20% để đạt mục tiêu 15 tỷ USD vào năm 2020; thúc đẩy sớm ký và triển khai Thỏa thuận hợp tác về lao động. Theo đó, Thái Lan sẽ nhận lao động Việt Nam sang làm việc ở Thái Lan, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng cường kết nối giao thông theo trục hành lang Đông-Tây, trong đó có tuyến đường số 8 và số 12. Việt Nam cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Thái Lan, khuyến khích các doanh nghiệp Thái Lan đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, hóa dầu, thăm dò và khai thác dầu khí.
Tại cuộc hội đàm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Hai bên nhất trí cho rằng sau hơn 45 năm kể từ ngày thành lập, ASEAN không ngừng trưởng thành, có mức độ gắn kết và liên kết ngày càng tăng cả trong nội khối, và với các nước ngoài khu vực, thể hiện uy tín cao trong đời sống chính trị quốc tế.
Tuy nhiên, ASEAN cũng đang đứng trước những khó khăn và thách thức không nhỏ. Việt Nam, Thái Lan và các nước thành viên ASEAN cần tiếp tục tăng cường đoàn kết và hợp tác, duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực, xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN đoàn kết và vững mạnh vào năm 2015, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Hai nhà lãnh đạo bày tỏ quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây trên biển Đông; mong muốn các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, Tuyên bố Ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), Tuyên bố 6 điểm của ASEAN; nhất trí sớm xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử ở biển Đông (COC), nhằm đảm bảo hòa bình an ninh và an toàn, tự do hàng hải ở biển Đông.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chân thành cảm ơn sự đón tiếp trọng thị, chu đáo mà Chính phủ và nhân dân Thái Lan dành cho Tổng Bí thư và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, trân trọng mời Thủ tướng Yingluck Shinawatra thăm lại Việt Nam vào thời gian thích hợp. Thủ tướng Yingluck Shinawatra chân thành cảm ơn và vui vẻ nhận lời.
Ngay sau khi kết thúc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã tiến hành họp báo thông báo kết quả hội đàm.
Trong phát biểu tại chiêu đãi, Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã nêu bật ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng như việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Thái Lan-Việt Nam, Việt Nam-Thái Lan.
Diễn văn có đoạn viết: “Chuyến thăm của Ngài Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lần này là chuyến thăm mang ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với cả hai quốc gia, vì đây là cuộc viếng thăm của Ngài Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên trong vòng 20 năm qua kể từ chuyến viếng thăm chính thức Thái Lan của Ngài Đỗ Mười năm 1993 và là chuyến thăm đầu tiên của Ngài Nguyễn Phú Trọng sau khi Ngài được bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2011.
Thái Lan và Việt Nam là hai quốc gia láng giềng hữu nghị có nền văn hóa tương đồng và có mối quan hệ lâu đời. Cả hai quốc gia đều là thành viên của Hiệp hội các nước ASEAN và có chung lợi ích cả chiều rộng và chiều sâu. Tôi rất hân hạnh được cùng với Ngài Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tuyên bố nâng quan hệ song phương Thái Lan-Việt Nam lên tầm đối tác chiến lược ngày hôm nay.
Mối quan hệ đối tác chiến lược này sẽ góp phần thúc đẩy và phát triển mối quan hệ giữa Thái Lan và Việt Nam ngày càng gắn bó và bền vững, đồng thời làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác giữa đôi bên trên nhiều lĩnh vực. Trong đó có chính trị, kinh tế, an ninh, văn hóa và du lịch. Đây là một kỷ nguyên mới của mối quan hệ song phương giữa Thái Lan và Việt Nam không ngừng phát triển và đem lại hạnh phúc bền vững cho nhân dân Việt Nam và Thái Lan.”
Trong Diễn văn đáp từ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điểm lại những bước phát triển của mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước Việt Nam-Thái Lan và nêu bật ý nghĩa lịch sử của việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Trong suốt 37 năm qua, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (tháng 8/1976), đặc biệt kể từ chuyến thăm Thái Lan của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười năm 1993, quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Thái Lan đã phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực: Quan hệ chính trị, an ninh, quốc phòng không ngừng được củng cố, với các chuyến thăm cấp cao của Lãnh đạo hai nước, các cơ chế hợp tác song phương phong phú và sự phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, quan hệ kinh tế-đầu tư liên tục tăng trưởng ở mức cao, giá trị thương mại hai chiều năm 2012 đạt hơn 8,6 tỷ USD, ngày càng có nhiều dự án đầu tư lớn của Thái Lan tại Việt Nam.
Giao lưu nhân dân hai nước diễn ra thường xuyên và phong phú, có thể nhiều quý vị ở đây sẽ khá bất ngờ khi biết rằng năm 2012 có hơn 530.000 người Việt Nam thăm Thái Lan, hơn 225.000 người Thái Lan thăm Việt Nam.
Tôi và Bà Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã nhất trí ra tuyên bố chung chính thức về thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước chúng ta. Đây là một sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, là dấu mốc lịch sử trong quan hệ Việt Nam-Thái Lan, mở ra một thời kỳ mới với những xung lực mới đưa quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực”./.
Theo TTXVN