Hội thảo khoa học quốc tế với sự tham gia trực tiếp và gián tiếp của hơn 60 nhà khoa học trong nước và quốc tế cùng chương trình công tác thực địa được NASA phối hợp với Đại học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) thực hiện.
Dự án Tình hình sử dụng đất, thay đổi và tác động ở Việt Nam, Campuchia và Lào được tổ chức từ sáng kiến của các nhà khoa học NASA và các nhà khoa học Việt Nam.
Mục tiêu khoa học của nghiên cứu này là lập tài liệu định lượng về hiện trạng và tỷ lệ thay đổi độ che phủ và sử dụng đất và lập bản đồ về những thay đổi này liên quan đến chuyển đổi dân số và nhân khẩu học ở các nước Đông Nam Á bao gồm Việt Nam, Campuchia và Lào.
NASA chính thức triển khai dự án Tình hình sử dụng đất ở Việt Nam, Campuchia và Lào. |
Theo đó, NASA cho phép các nhà khoa học sử dụng kho dữ liệu từ các vệ tinh viễn thám của mình để tìm hiểu, đánh giá tình hình sử dụng đất, thay đổi và tác động trong khu vực.
Trong đó, đáng chú ý nhất là nguồn dữ liệu lớn (Big Data) kể trên và những nghiên cứu, tư vấn của các nhà khoa học tham gia dự án sẽ được sử dụng cho các công tác nghiên cứu, đào tạo các chuyên ngành trong lĩnh vực khoa học vũ trụ còn đang non trẻ tại Việt Nam.
Là người xây dựng nên dự án, GS. Nghiêm Văn Sơn, nhà nghiên cứu cấp cao của Phòng nghiên cứu Chuyển động phản lực của NASA tại Học viện kỹ thuật California cho biết từ năm 2016, NASA đã họp ở TP. Hồ Chí Minh để phát triển chương trình hợp tác khoa học giữa Việt Nam và cơ quan hàng không NASA.
Các khảo sát từ công nghệ viễn thám cũng có thể nhìn thấy nơi nào bị hạn hán, cây cối bị khô cằn có nguy cơ gây cháy rừng; có thể đo lưu lượng các dòng sông như sông Mekong... Các hiện tượng môi trường như vậy với các dữ liệu từ vệ tinh viễn thám, chúng ta có thể nhìn thấy toàn bộ các vùng ở Việt Nam chứ không chỉ một phần từ đó có những đánh giá, ứng phó phù hợp.
“Về công tác đào tạo, dự án với sự tham dự của các giáo sư quốc tế sẽ hỗ trợ đào tạo các cấp từ tiến sỹ trở xuống. Các em sẽ được sử dụng các công nghệ tiên tiến nhất để ứng dụng học tập khảo sát môi trường, quan sát từ vệ tinh xuống mọi vùng đất, có cái nhìn bao quát nên sinh viên sẽ học tập được rất nhiều từ vấn đề này”, GS. Nghiêm Văn Sơn chia sẻ.
Dự án Tình hình sử dụng đất, thay đổi và tác động ở Việt Nam, Campuchia và Lào là cơ hội lớn được tận dụng các công nghệ, dữ liệu của NASA với sự hợp tác của các nhà khoa học đầu ngành thế giới. Phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Quang Tuấn, Trưởng khoa Địa lý, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Trong nhiều năm chúng tôi đã tập trung vào nghiên cứu các ứng dụng của công nghệ vũ trụ, công nghệ viễn thám để giải quyết một số vấn đề trong lĩnh vực quản lý đất, tài nguyên môi trường; và đặc biệt ứng phó, giảm thiểu tai biến thiên nhiên."
Theo ông Phạm Quang Tuấn, hợp tác với các nhà khoa học NASA sẽ giúp các nhà khoa học trong nước tiếp cận công nghệ hiện đại trong công nghệ vũ trụ, viễn thám. Từ đây, các nhà khoa học Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận công nghệ mới để giải các bài toán trong quản lý phát triển đô thị, giải quyết các bài toán những vấn đề sử dụng đất của Việt Nam, ứng phó trong giảm thiểu tai biến thiên nhiên.
Chọn Đại học Khoa học tự nhiên để thực hiện Dự án này, các nhà khoa học Mỹ kỳ vọng, những dữ liệu của NASA và sự phối hợp nghiên cứu giữa các nhà khoa học Mỹ và các nhà khoa học Việt Nam sẽ giúp Việt Nam có được những kết quả khả thi trong việc quản lý đô thị, phòng chống giảm nhẹ thiên tai cũng như giúp cho Đại học Khoa học tự nhiên Đại học Quốc gia Hà Nội đào tạo được đội ngũ các nhà khoa học trẻ trong lĩnh vực còn khá mới mẻ này.