NASA kêu gọi các nỗ lực nhằm đạt được bước tiến lớn trong sứ mệnh Mặt Trăng mới. (Nguồn: NASA) |
NASA đã kêu gọi các nỗ lực nhằm đạt được bước tiến lớn trong sứ mệnh Mặt Trăng mới, với tên gọi Artemis - tên người em gái sinh đôi của thần Apollo trong thần thoại Hy Lạp. Trong tài liệu mới được xuất bản, NASA đã giải thích chi tiết những mong muốn về một tàu vũ trụ có thể mang 2 phi hành gia, trong đó có một người là nữ, tới cực Nam của Mặt Trăng. Tại đây, các phi hành gia sẽ lưu lại trong 6 ngày rưỡi.
Tháng 5 vừa qua, 11 công ty trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, trong đó có những tên tuổi lớn như Boeing, Lockheed Martin và Northrop Grumman đã được chọn để dẫn đầu nghiên cứu và phát triển nguyên mẫu vào tháng 11 tới. Tham gia chương trình này còn có những công ty mới như SpaceX và Blue Origin.
Hiện tại, NASA đã cung cấp nhiều tiêu chí cụ thể cần được đáp ứng trong dự án này, bao gồm các thiết bị điện tử, thông tin liên lạc và trang phục phi hành gia. Ngoài các doanh nghiệp trên, bất cứ công ty nào cũng có thể đăng ký tham gia.
Trong vài tháng tới, NASA sẽ đưa ra quyết định công ty nào sẽ sản xuất tàu đổ bộ và cách thức tiến hành. Công trình này cũng tương tự với dự án đã đưa hai nhà du hành Neil Armstrong và Buzz Aldrin lên Mặt Trăng vào năm 1969. Điểm khác biệt quan trọng giữa hai dự án này là tàu đổ bộ mới nhất sẽ đáp xuống trạm không gian nhỏ mới mang tên "Gateway" trong quỹ đạo của Mặt Trăng, giúp tàu này có thể nạp nhiên liệu và tái sử dụng.
Hiện tại, dự án Artemis đang bị chậm tiến độ, chủ yếu là do sự trì hoãn trong việc xây dựng tên lửa đẩy cho tàu vũ trụ Space Launch System (SLS - Hệ thống vận hành không gian).
Tháng 7/1969, nhà du hành Mỹ Neil Amstrong cùng với con tàu Apollo 11 đã ghi danh vào sự kiện lịch sử khi ông trở thành người Trái Đất đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng với câu nói bất hủ tại thời điểm đi vào sự kiện lịch sử: "Đây là bước đi nhỏ bé của một con người, nhưng là bước tiến khổng lồ của nhân loại".
Trong 3 năm từ 1969 - 1972, Mỹ đã 6 lần đưa tàu vũ trụ có người lái tới Mặt Trăng. Đến nay, chỉ có Nga và Trung Quốc có cuộc đổ bộ "mềm" xuống bề mặt Mặt Trăng, nhưng đây đều là thiết bị tự hành không người lái.