Kỳ họp Quốc hội vừa qua đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng về tài chính, chẳng hạn tài chính trung hạn, báo cáo nợ công, kế hoạch tái cơ cấu… Ông đánh giá thế nào về việc từ năm 2017, chúng ta sẽ thực hiện những kế hoạch này?
Theo tôi, chỉ khi thấy khả năng giải quyết được thì mới đưa vấn đề vào luật. Vì vậy báo chí cũng như các phương tiện thông tin đại chúng cần tập trung nói rõ việc triển khai theo luật. Vấn đề là phải tạo được sự đồng thuận trong xã hội, thực hiện nghiêm túc việc nộp thuế đúng và đủ cho nhà nước.
|
Kế hoạch trung hạn về tài chính đối với nợ công có phải là một bước đổi mới?
Lần đầu tiên chúng ta làm việc này nên nó được nhìn nhận là đổi mới. Trước đây, chúng ta thực hiện theo ngân sách hàng năm nhưng nay thực hiện theo trung hạn 5 năm. Các vấn đề minh bạch, công khai hơn và đã có những giải pháp cụ thể hơn để người dân và doanh nghiệp có thể giám sát và yên tâm hơn trong đầu tư, phát triển sản xuất.
Chúng ta đang thực hiện đầu tư trung hạn, trong đó có những lộ trình cắt giảm. Đâu sẽ là những ưu tiên cho cắt giảm đầu tư công thời gian tới?
Trong nghị quyết của Quốc hội và Luật Đầu tư đã nêu rõ, không phải chúng ta cắt giảm đầu tư mà cắt giảm đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước để dành cho những lĩnh vực đầu tư khác có lợi nhuận hơn và cho các thành phần kinh tế khác có thể tham gia nhằm đảm bảo tỉ suất lợi nhuận trên đồng vốn của họ. Còn lại, nhà nước nhận phần khó, lợi nhuận thấp về mình. Đến cuối kế hoạch 5 năm, đặc biệt vào năm 2020, khi nhận xét về hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cũng cần phải đánh giá và nói rõ nhà nước đã nhường phần lợi nhuận cao cho các thành phần kinh tế khác, chỉ nhận về mình những việc mà các thành phần kinh tế khác thấy lợi nhuận thấp.
Những thách thức của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới đây sẽ là gì?
Chúng ta hay nói đến thách thức nghe rất to tát. Vấn đề chỉ là đã đặt ra mục tiêu thì phải thực hiện mục tiêu đấy. Khó khăn nhất là không lường hết được diễn biến của tình hình kinh tế thế giới tác động lên nền kinh tế trong nước như thế nào. Hiện nay, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam bằng 1,6 lần GDP. Đây là một độ mở rất lớn và chịu tác động mạnh từ hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo ông, khó khăn như thế thì việc tái cơ cấu các DNNN ra sao?
Chúng ta thực hiện đúng theo nguyên tắc những ngành nghề nào nhà nước chưa thực sự cần thì tiến hành đẩy nhanh cổ phần hóa. Đẩy nhanh ở đây có nghĩa là phải nghiên cứu xem độ hấp thụ của thị trường, liệu có đủ vốn để mua cổ phần từ DNNN không, hay lại đẩy quá nhiều vốn thông qua các cổ phiếu của các DN ra thị trường, như thế sẽ làm mất tính cạnh tranh và giảm khả năng thu hút vốn của DN, và có thể lại là tác dụng ngược.
Vậy làm thế nào để các doanh nghiệp tư nhân (DNTN) có được cơ hội từ quá trình tái cơ cấu ở các DNNN?
Tôi đề nghị từ nay bỏ khái niệm DNNN và DNTN. Bởi vì, hiện nay chỉ có một luật DN, từ năm 2014 Luật DN đã được sửa lại. Trước đó, năm 2005 cũng đã bỏ luật DNNN. Cần phải bỏ khái niệm phân biệt như vậy từ trong tư duy. Chúng ta phải hiểu tất cả các DN không phân biệt sở hữu đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam là những DN Việt Nam thì mới có cái nhìn bình đẳng.
Nhìn lại quá trình tái cơ cấu nền kinh tế thời gian qua, đâu là những bài học thu được?
Trước tiên, cần phải có một cơ quan chịu trách nhiệm về vấn đề này, phải có một cá nhân đứng ra chịu trách nhiệm về quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.
Thực trạng hiện nay là đang phân ra quá nhiều các cơ quan cùng chịu trách nhiệm. Quá nhiều người chịu trách nhiệm, để đến khi không đạt được mục tiêu đề ra thì lại đi kiểm điểm “cả làng”.
Ông đánh giá thế nào về triển vọng kinh tế trong năm 2017?
Đối với kinh tế thế giới, các nền kinh tế lớn như Mỹ, Anh hay Nga đang vượt qua khủng hoảng. Đặc biệt, nền kinh tế Mỹ trong năm 2017 được dự báo có tốc độ khá hơn 2016.
Ở trong nước, chúng ta quyết tâm để có thể tạo điều kiện rộng mở hơn nữa cho các thành phần kinh tế tham gia sản xuất và đầu tư. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những tiếng kêu ca, nhưng xu hướng chung từ các đánh giá của các tổ chức quốc tế về điều kiện kinh doanh, tham gia thị trường của các thành phần kinh tế tại Việt Nam đã được ghi nhận.
Đơn cử, khi luật doanh nghiệp 2014 được ban hành, về quản trị cũng như độ mở công khai, minh bạch đối với quản trị doanh nghiệp của Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế nâng lên 36 bậc dù không có nghĩa là Việt Nam đã lọt vào tốp 30 quốc gia có hệ thống quản trị tốt nhất.