Rau sống là lựa chọn sáng giá cho người mắc các bệnh về tim mạch. |
Ưu và nhược điểm của rau sống
Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, rau sống có nhiều loại: hành, húng, ngổ, tía tô, xà lách, rau mùi, rau diếp, rau cải... làm cho các món ăn thêm hấp dẫn và tăng cảm giác ngon miệng.
Rau sống còn cung cấp cho cơ thể các vitamin (C, A, E…) cùng chất khoáng và một số yếu tố vi lượng. Các vitamin trong rau sống được bảo toàn nguyên vẹn, ít bị hao hụt so với khi nấu chín.
Rau sống dồi dào chất xơ hỗ trợ tiêu hóa và thúc đẩy nhu động ruột. Ngoài ra, rau sống cũng chứa nhiều nước, giúp hydrat hóa cơ thể và hỗ trợ sức khỏe tiêu hóa tổng thể.
Rau sống đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng nghiên cứu với khả năng cung cấp chất xơ và nước cho cơ thể.
Một nghiên cứu đăng trên Nutrition Journal năm 2021 đã chỉ ra rằng, chế độ ăn chứa nhiều rau sống có liên quan đến giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Thạc sĩ, chuyên gia dinh dưỡng Priya Bansal (từng làm việc tại Bệnh viện Apollo, Delhi, Ấn Độ) cho biết, rau sống giữ lại nhiều vitamin, khoáng chất và enzyme tự nhiên hơn.
Những chất dinh dưỡng này dễ bị ảnh hưởng bởi nhiệt và có thể bị giảm đi trong quá trình nấu. So với rau luộc, rau sống cung cấp lượng vitamin cao hơn (như vitamin C và vitamin B) vì không bị mất đi trong quá trình đun nấu.
Tuy nhiên, một nghiên cứu khác trên "Journal of Medicine and Nutritional Research" đã lưu ý rằng, rau sống có thể gây khó chịu cho người có hệ tiêu hóa nhạy cảm, đặc biệt sau khi ăn những loại rau chứa nhiều chất xơ như súp lơ và bắp cải.
Bên cạnh đó, theo BS Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), các loại rau thủy sinh như: rau ngổ, rau rút, rau cần, cải xoong… có nguy cơ chứa các loại giun, sán nguy hiểm đặc biệt cao. Nếu ăn sống các loại rau này sẽ có nguy cơ nhiễm ấu trùng sán.
Ưu và nhược điểm của rau luộc
Nên lựa chọn rau sống hay rau luộc cho thực đơn hàng ngày? |
Quá trình luộc sẽ giúp rau mềm hơn và dễ tiêu hóa hơn, đặc biệt phù hợp với những người có hệ tiêu hóa nhạy cảm.
Một nghiên cứu trên Journal of Nutrition đã chỉ ra rằng, quá trình luộc có thể tăng cường hấp thụ các chất dinh dưỡng như lycopene trong cà chua và beta-carotene trong cà rốt.
Điều này làm cho rau luộc trở thành lựa chọn hữu ích trong việc duy trì lượng chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
Mặc dù việc luộc rau có thể làm mất mát một số vitamin tan trong nước, nhưng nếu áp dụng các phương pháp luộc đúng cách, tình trạng này có thể giảm thiểu. Các chuyên gia khuyến nghị sử dụng ít nước khi luộc rau và tránh luộc rau quá chín.
Cân nhắc lựa chọn dựa trên nhu cầu
Kết hợp thông tin từ các nghiên cứu trên, ta có thể rút ra một số lưu ý quan trọng. Đối với sức khỏe tim mạch, chế độ ăn chứa nhiều rau sống có thể là một lựa chọn tích cực.
Tuy nhiên, với những người có hệ tiêu hóa nhạy cảm, việc bổ sung rau luộc vào chế độ ăn có thể làm giảm khó chịu và cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng.
Trong việc giảm cân, rau sống với hàm lượng nước và chất xơ cao có thể giúp kiểm soát lượng calorie. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, việc rửa kỹ rau sống để tránh nhiễm ký sinh trùng là quan trọng.
Như vậy, lựa chọn giữa rau sống và rau luộc cần cân nhắc kỹ lưỡng và sự cân bằng là chìa khóa để tận dụng hết những lợi ích mà cả hai lựa chọn mang lại.