📞

Nền tảng vững chắc hướng tới Tuần lễ cấp cao APEC

08:46 | 18/05/2017
Các ưu tiên đã được thông qua tại SOM 1 về tăng trưởng, liên kết khu vực; thúc đẩy doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững, tiếp tục chiếm thời lượng lớn trong chương trình nghị sự và thu hút sự quan tâm của các đại biểu đến từ 21 nền kinh tế APEC tại SOM 2.

Diễn ra từ 17-21/5, Hội nghị các quan chức cao cấp của APEC lần thứ hai (SOM 2) tập trung vào các nội dung được các nền kinh tế thành viên cùng quan tâm như phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, triển khai các bước xây dựng tầm nhìn cho APEC sau 2020, tiếp tục thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu. SOM 2 cũng bàn tới việc chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Thương mại đầu tiên của Năm APEC 2017 diễn ra từ ngày 19-21/5. Có thể nói, SOM 2 tập trung cụ thể hóa và đưa ra các văn kiện, sáng kiến của Việt Nam, hướng tới Tuần lễ cấp cao cuối năm nay, dựa trên các kết quả của các hội nghị, hội thảo, đối thoại liên quan.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu ngày 16/5 trong khuôn khổ SOM 2 APEC 2017. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Định hướng phát triển nhân lực kỷ nguyên số

Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số là một trong những nội dung ưu tiên được thống nhất tại SOM1 và được cụ thể hóa tại SOM2.

Về chủ đề này, Chủ tịch SOM APEC 2017, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng các nền kinh tế thành viên APEC đều nhìn nhận trong kỷ nguyên số này, nếu chúng ta không chuẩn bị kỹ về nhân lực, đặc biệt là cho thế hệ thanh niên và các tầng lớp xã hội khác nhau, các nền kinh tế thành viên APEC sẽ không bắt kịp nhau và tạo ra khoảng cách trong xã hội. Các nền kinh tế thành viên APEC cũng ủng hộ rất mạnh mẽ sáng kiến của Việt Nam đóng góp tại Đối thoại chính sách cao cấp về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số.

Cuộc Đối thoại được tổ chức  lần này là bằng chứng về cam kết của các nền kinh tế APEC nhằm tăng cường và thúc đẩy hợp tác APEC phù hợp với nhu cầu phát triển và yêu cầu của người lao động cũng như người sử dụng lao động, nhằm vun đắp tương lai chung của một APEC năng động ổn định, đi đầu trong tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu, có khả năng thích ứng với biến đổi kinh tế tài chính, những thách thức do thiên nhiên và con người gây ra.

Các đại biểu tại Đối thoại đều có chung nhận định ứng dụng công nghệ và số hoá là cơ hội mới góp phần quan trọng nâng cao năng suất lao động, tăng sản lượng kinh tế, tạo ra cơ hội việc làm cho người lao động, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức mới do sự gia tăng của tính phân đoạn trong quy trình sản xuất, chế tạo. 

Phân tích sâu về vấn đề này, ông David Lamotte, Phó Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) khu vực châu Á - Thái Bình Dương lo ngại một số công việc sẽ không thể tồn tại, ví như những công việc không đòi hỏi kỹ năng cao bởi công nghệ tiên tiến sẽ dần thay thế con người. Tuy nhiên, ông cũng lạc quan nhận định sẽ có những công việc khác được tạo ra. Song, theo ông Lamotte, lao động APEC cần nắm bắt được những kỹ năng như giải quyết vấn đề, tính sáng tạo, kỹ năng mềm,...

Sau những phiên thảo luận sôi nổi, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, đại diện các nền kinh tế APEC đã thông qua Khuôn khổ APEC về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số; Tuyên bố chung của đối thoại cao cấp về phát triển nguồn nhân lực của kỷ nguyên số. Khuôn khổ này đề xuất một nhóm các định hướng chính sách và biện pháp thích hợp nhằm hỗ trợ các nền kinh tế trong việc chuẩn bị cho người lao động tham gia thị trường việc làm, đối phó với những thách thức và cơ hội liên quan đến số hóa, quan trọng là APEC phải được sử dụng như một diễn đàn khu vực để đối thoại chính sách và hợp tác về Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tham dự phiên họp ngày 16/5 trong khuôn khổ SOM 2 APEC 2017. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Nhìn về 2020 và tương lai

Trong khuôn khổ SOM 2, chủ nhà Việt Nam tổ chức Đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới 2020 và tương lai. Đây là sáng kiến quan trọng của nước chủ nhà Việt Nam, được các nền kinh tế thành viên APEC hưởng ứng mạnh mẽ.

“Chìa khóa cho thành công mới của APEC hiện nay chính là APEC cần đặt người dân và doanh nghiệp ở trung tâm của sự phát triển”, đó là thông điệp  được Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh tại Đối thoại.  Các nền kinh tế APEC cần thúc đẩy phát triển bền vững, bao trùm và sáng tạo, đưa các thành phần trong xã hội cùng tham gia và thụ hưởng từ sự phát triển và thịnh vượng chung. Đồng thời, các nền kinh tế thành viên cũng cần làm tốt công tác thông tin để công chúng thấy được những lợi ích của toàn cầu hoá, của tự do thương mại và đầu tư, chung tay thúc đẩy mô hình tăng trưởng mới bền vững hơn.

Cùng chia sẻ về Mục tiêu Bogor và APEC trong tương lai, nguyên Phó Thủ tướng, nguyên Chủ tịch APEC Việt Nam 2006 Vũ Khoan cho rằng trước tình hình mới, một mình Mục tiêu Bogor không thể giải quyết hết các vấn đề nảy sinh trong khu vực. “Theo tôi, có ba vấn đề lớn mà APEC cần phải thích nghi. Một là tự do hóa thương mại Bogor, trong đó, cần tính đến nhân tố mới như các hiệp định thương mại tự do song phương hiện đang đi nhanh hơn Mục tiêu Bogor. Cùng với đó là việc ứng phó với xu thế bảo hộ mậu dịch đang nảy sinh. Thứ hai là, cơ cấu kinh tế thế giới đã thay đổi, trong đó phải kể đến Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), đòi hỏi APEC không thể chỉ tập trung vào kinh tế mà còn phải tính đến những vấn đề khác như công nghệ số, tiếp cận với phát triển, liên kết mới. Thứ ba, khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã và đang chịu ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu toàn cầu. Để nâng cao vai trò của mình, APEC sẽ phải dựa trên ba trụ cột: tự do hóa thương mại, thúc đẩy công nghệ số, đối phó với biến đổi khí hậu”, nguyên Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với ông Vũ Khoan, bà Pvan Mari Pangetsu, nguyên Bộ trưởng Thương mại Indonesia nhấn mạnh thêm mục tiêu Bogor là một mục tiêu xuyên suốt và khó có thể thực hiện hết trong một thời gian cố định bởi nó là cả một quá trình. APEC sẽ tiếp tục là một diễn đàn quan trọng của khu vực, thúc đẩy hợp tác thương mại và quốc tế. APEC cần đảm bảo tăng trưởng bao trùm hơn, để mỗi thành viên đều hiểu rõ vai trò của mình và đóng góp cho sự phát triển của hợp tác khu vực.

Thúc đẩy khu vực tự do thương mại

Hợp tác kinh tế là một trong những yếu tố then chốt giúp tạo đà tăng trưởng bền vững bao trùm đối với APEC. Trong khuôn khổ SOM 2 và các hội nghị liên quan, các đại biểu đã nêu ý kiến về triển vọng tăng trưởng trong khu vực APEC cũng như khuyến nghị các chính sách trong hợp tác kinh tế khu vực, hướng tới một khu vực châu Á - Thái Bình Dương thịnh vượng và tự do thương mại.

Tại Hội nghị SOM 2 ngày 17/5, nội dung thảo luận của Uỷ ban về thương mại đầu tư của APEC và Chủ tịch Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) rất được các đại biểu quan tâm. Đó là làm sao để tiếp tục ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, ủng hộ WTO, tiếp tục thúc đẩy các thoả thuận liên quan đến xây dựng khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương.

Chia sẻ với TG&VN, ông Donald Campbell, đồng Chủ tịch Quốc tế Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương, nhận định, hiện nay, các nền kinh tế thành viên APEC đã thiết lập quan hệ thương mại tự do và hợp tác rộng mở với nhau, giữa các nền kinh tế phát triển với nền kinh tế mới nổi và các nền kinh tế kém phát triển hơn. Các thành viên APEC tiếp tục hướng đến mục tiêu đưa châu Á - Thái Bình Dương trở thành khu vực tự do thương mại và đẩy mạnh các mục tiêu quan trọng khác đến năm 2020 và tương lai như: tăng trưởng bền vững cùng CMCN 4.0; đón nhận công nghệ mới như: số hóa, in 3D, kỹ thuật tự động hóa… giúp các nền kinh tế thành viên APEC phát triển, tương tác với nhau.

Còn theo Chủ tịch SOM APEC 2017 Bùi Thanh Sơn, nội dung mà chủ nhà Việt Nam đang thúc đẩy hợp tác trong đợt SOM 2 lần này là tăng cường phát triển bền vững và bao trùm về kinh tế - xã hội trong APEC. Tháng Tám tới, sẽ có một cuộc hội thảo bên lề Hội nghị SOM 3 về vấn đề tăng trưởng bao trùm. “Đây là sáng kiến của Việt Nam và các nền kinh tế khác cũng đang hỗ trợ cùng chúng ta xây dựng văn bản, hướng tới Tuần lễ cấp cao vào cuối năm nay”, Chủ tịch SOM APEC 2017 nhấn mạnh.

Cũng theo các đại biểu, khu vực APEC với một số nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ như Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia hứa hẹn tiếp tục phát triển trong 20 - 30 năm tới. Để đạt được mức tăng trưởng như mong muốn, các nền kinh tế thành viên APEC cần bảo đảm tăng trưởng bền vững, bao trùm nhằm tháo gỡ những khó khăn, thách thức của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, khoảng cách giàu nghèo gia tăng.