📞

Nét độc đáo và giá trị văn hóa Mỹ [Kỳ 1]

Hữu Ngọc 09:00 | 17/03/2024
Người Mỹ tỏ ra xuất sắc trong những lĩnh vực văn hóa cổ truyền, họ đóng góp vào các nền văn minh khác, làm cho nó sống động thêm.
Chuỗi bảo tàng Smithsonian ở Washington D.C. (Nguồn: baoquangnam.vn)

Từ xưa, người Mỹ giàu có đã mua nhiều tác phẩm nghệ thuật nên các bảo tàng của nước này rất phong phú. Trong thế kỷ XX, Mỹ cũng lôi cuốn được nhiều nhà sáng tác châu Âu. Nửa sau thế kỷ, xuất hiện nhiều nghệ sĩ Mỹ xuất sắc như ca sĩ Barbara Hendricks (sinh năm 1948) hay Grace Bumbry (1937-2023) mà các rạp opera trên thế giới tấp nập mời mọc.

Những kiến trúc sư như Leoh Ming Pei (1917 – 2019), người xây dựng Kim tự tháp kính viện Louvre ở Paris hay Thư viện vào bảo tàng John F. Kennedy; những tiểu thuyết gia như John Winslow Irving (sinh 1942) hoặc William Styron (1925 – 2006); nhà biên kịch, đạo diễn, diễn viên Woody Allen (sinh 1935)… họ đều nổi tiếng cả ở châu Âu lẫn Mỹ.

Người Mỹ tỏ ra xuất sắc trong những lĩnh vực văn hóa cổ truyền, họ đóng góp vào các nền văn minh khác, làm cho nó sống động thêm. Văn hóa truyền thống dĩ nhiên là để cho “thượng lưu”, không phù hợp với nguyện vọng của số đông nhân dân. Ngay từ cuối thế kỷ XIX, ở Mỹ đã phát triển một nền văn hóa thực sự đại chúng, nhằm thỏa mãn sở thích của tầng lớp trung lưu đang hình thành và hòa nhập những người nhập cư.

Sân khấu bình dân mà thí dụ đầu tiên và xuất sắc là Wild West Show của Buffalo Bill (1846-1917) vào cuối những năm 1880, nhóm xiếc khổng lồ Barnum nhắm tới đông đảo công chúng hay kịch vui ca vũ (musical comedy) được hoan nghênh trên sân khấu trước khi chiếu trên màn ảnh. Đó là những thể loại Mỹ thực sự, không có gì lạ.

Điện ảnh cũng là một thành tựu của văn hóa đại chúng Mỹ. Các nhà điện ảnh và công ty điện ảnh Mỹ đều hiểu như vậy, vì họ biết công chúng rất đa dạng. Họ chú trọng đến chất lượng câu chuyện, đôi khi thái quá. Trong vô vàn tên phim, chỉ xin nêu: Một quốc gia ra đời (1915) của David Wark Griffth (1875-1948), Cuốn theo chiều gió (1940) của Victor Lonzo Fleming (1889-1949) hay Nay đến Ngày tận thế (1979) của Francis Ford Coppola (sinh 1939).

Trong một thời gian dài, sức mạnh của văn hóa Mỹ phải chăng do có sự tiếp xúc trực tiếp với xã hội đương thời, thể hiện trong John Steinbeck (1902-1968), Ernest Miller Hemingway (1899-1961) và William Faulkner (1897-1962).

Nhạc Jazz lại càng tiêu biểu, đây là một thứ nhạc hết sức độc đáo, có nhiều ràng buộc với nhạc pop dân gian. Nhạc này xuất phát từ người da đen, phù hợp với cảm xúc của họ, không qua một sự sàng lọc văn hóa nào. Sự thành công của jazz rất lớn vì dường như nó phù hợp với cảm xúc hầu như toàn thế giới.

Văn hóa độc đáo và đa dạng của Mỹ quả là văn hóa đại chúng. Điều này giả thích tại sao các đạo diễn và diễn viên thích nghi dễ dàng với vô tuyến. Tiếp xúc rộng rãi với công chúng vốn là một mối quan tâm lâu đời. Do đó, người Mỹ đã đề ra được những buổi truyền hình đáp ứng những nhu cầu khá chung để được hoan nghênh cả ở ngoài biên giới Mỹ. Từ Bufalo Bill đến Dallas, không quên Walt Disney hay những cuộc diễu hành của các thiếu nữ diện quân phục.

Giá trị là “khái niệm triết học và xã hội học chỉ ý nghĩa của các hiện tượng vật chất cũng như tinh thần có khả năng thỏa mãn nhu cầu, phục vụ lợi ích con người”. Nói cách khác đơn giản hơn, “giá trị” là những ý nghĩ về cái gì sai, cái gì đúng, nên ước ao hay không, bình thường hay dị thường, thích hợp hay không thích hợp.

Con người từ lúc sinh ra cho đến khi lớn lên và trưởng thành đều được dạy dỗ, thấm nhuần những giá trị văn hóa qua bố mẹ, họ hàng thân thuộc, giáo viên, sách vở, báo chí, truyền hình... Sinh trưởng trong một nền văn hóa, con người hấp thu một số giá trị của nền văn hóa ấy; như thế không có nghĩa là mọi người đều hấp thu như nhau tất cả những giá trị văn hóa của cộng đồng.

Một nền văn hóa có thể coi là một hệ thống giá trị. Đề ra một bản kê các giá trị của một nền văn hóa là điều rất tương đối. Người ta thường coi văn hóa Mỹ bắt đầu từ 1607, với sự nhập cư ổn định của người Anh. Rất có thể sau này các yếu tố sắc tộc khác mạnh hơn, những giá trị văn hóa Mỹ sẽ không còn được như ngày nay.

Dựa vào những công trình nghiên cứu của Gary Althen, Esther Wanning, J.P. Fichou, A.R. Lanier... xin nêu một số giá trị văn hóa Mỹ sau đây:

Bình đẳng: Sự tin tưởng lớn nhất của người Mỹ từ khi lập quốc là mọi người đều có cơ hội ngang nhau để thành công, Khái niệm này có thể còn ưu tiên hơn cả “tự do”, hay ít nhất cũng bổ sung cho tự do. Vì đất nước mênh mông, của cải không thiếu, nên ai cũng được tự do cạnh tranh bình đẳng. Năm 1782, nhà văn Pháp Crèvecoeur nhận định là quá trình từ “tớ” thành “chủ” là quá trình trở thành người Mỹ. Thực tế thì có rất nhiều người vẫn bị lép vế, hàng ngày vẫn có sự khinh miệt chủng tộc, nhưng huyền thoại về “bình đẳng” vẫn tồn tại trong tiềm thức cộng đồng, ít nhất là trong bộ phận da trắng nói chung.

Xã hội giải phóng bình đẳng về “cơ hội” nhưng không bình quân về lợi tức; có sự bất bình đẳng vì ai có khả năng sẽ vượt lên. Phần nào, hệ thống chính trị cũng khiến cho lòng tin ấy tồn tại, nhiều khi một cách khá ngây thơ.

Người Mỹ khó chịu khi thấy người nước ngoài đối xử với mình quá ư cung kính, như thần thánh. Phụ nữ cũng phải được kính trọng như nam giới nhưng cách thể hiện rất tế nhị, không lộ liễu.

Hướng về tương lai: Người châu Á thường hay lấy dĩ vãng, lịch sử và truyền thống làm chuẩn. Những nền văn hóa Arab, Latinh, châu Á dễ tin vào định mệnh và gây một thái độ buông trôi. Người nhập cư Mỹ đã bỏ nước ra đi không hy vọng quay về nên chỉ gắn bó với hiện tại và tương lai.

Người Mỹ chỉ nghĩ đến tương lai trước mắt đẹp hơn, do đó lạc quan. Ngay cả ngày nay, trạng thái đó vẫn tồn tại mặc dù Mỹ gặp nhiều khó khăn (vũ khí nguyên tử, ô nhiễm môi trường, thất nghiệp, vai trò cường quốc kinh tế lung lay). Người Mỹ tin là có thể thay đổi được thực trạng, do đó họ luôn luôn vội vã, hối hả. Khen ai có nghị lực là lời khen cao nhất.