Vào một buổi tối, tôi dắt con qua nhà ngoại (ở bên kia đường đối diện nhà tôi), đường quê ở Pháp vào tầm 8 giờ tối không có mấy xe cộ qua lại. Nhìn trái, nhìn phải không thấy xe, tôi đã dắt cháu xuống đường một cách vô ý.
Khi tôi vừa bước xuống lòng đường thì con trai dùng hết sức kéo ba lại, mếu máo khóc và nói: Ba phải đi đúng vạch vôi (cách đó mấy mét) dành cho người đi bộ, nếu ba không quay lại, con sẽ gọi cảnh sát!
TS. Nguyễn Khánh Trung. (Ảnh: NVCC) |
Tôi sực tỉnh, vừa xấu hổ vừa thấy có lỗi với con trai thay vì làm gương tốt, tôi đã làm ngược lại. Tôi xin lỗi con và dắt con đi theo quy định của luật giao thông.
Không biết ở trường các thầy cô giáo đã nói gì mà có hiệu quả đến như vậy? Tôi để ý tất cả học sinh ở Pháp khi đi bộ hay đi xe đạp đều tuyệt đối tuân thủ luật giao thông…
Tôi cũng từng nhiều lần chứng kiến những người trẻ, con em người Việt được sinh ra hay lớn lên tại Pháp đã nhiều lần dạy cho người lớn (ông bà cha mẹ người Việt mình) những bài học đạo đức như về sự công bình xã hội, trách nhiệm với xã hội, không lợi dụng hệ thống an sinh...
Câu chuyện xảy ra giữa cha con chúng tôi có lẽ phản ánh một “kiểu Tây”, một “kiểu Ta” mà hai cha con tôi là hai đại diện. Đồng thời, câu chuyện ấy tuy nhỏ nhưng phản ánh một điều là đứa trẻ có khả năng tiếp nhận các giá trị đạo đức và các chuẩn mực xã hội nếu được truyền thụ một cách hợp lý.
Trẻ có khả năng tự trị, cao hơn nữa cháu tỏ ra là một chủ thể luân lý, chủ động, có khả năng làm thay đổi người khác xung quanh mà trong câu chuyện này là chính bản thân tôi.
Vấn đề là làm sao để bảo vệ và phát triển được những mầm đạo đức được thiên nhiên "cài đặt" sẵn từ bên trong, bảo vệ được tính chủ thể nơi trẻ thơ?
Trẻ em nước ngoài được chú trọng giáo dục tính chủ động. (Nguồn: Cleveland) |
Làm sao chúng ta đưa trẻ vào xã hội một cách đúng đắn mà không “đàn áp” một cách “vô nhân đạo” (phương pháp giáo dục Montessori, 1936) trẻ, không dùng sức mạnh để buộc những sinh linh bé nhỏ tuân phục, phải đi theo con đường lắm khi là đầy sai lầm của chúng ta? Làm sao để đừng đẩy trẻ xa rời với bản ngã tự nhiên, những gì được thiên phú vốn đang tiềm ẩn nhiều khả năng tốt đẹp?
Trong câu chuyện cha con tôi, nếu tôi ỷ thế người lớn không lắng nghe cháu, quát mắng bất chấp, và lôi cháu qua đường thì cháu cũng phải chịu vì sức lực một đứa trẻ 4 tuổi đâu thể chống lại được. Lâu dần, cháu sẽ đành buông và theo sự chỉ đạo của tôi. Cháu sẽ đành phải đi theo cha với những gì cha đã có trong não trạng, với những lề thói, những khuôn mẫu có sẵn của cha để rồi sẽ “cha nào con nấy” theo hướng tồi tệ hơn.
Thực tế, thói quen áp đặt một chiều và “người roi voi búa” vẫn còn phổ biến trong cách thức giáo dục con cái trong gia đình. Với sự áp đặt một chiều và lối giáo dục đạo đức nghiêng về “ngoại trị” trong nhà trường hiện nay, người Việt chúng ta dường như đang rời xa với bản tính tự nhiên tốt lành nơi trẻ!
Có nghĩa là thay vì tạo ra một môi trường thích hợp để trẻ tự phát triển những gì vốn tốt đẹp đã được "cài đặt" từ bên trong thì chúng ta đang làm điều ngược lại...