TIN LIÊN QUAN | |
MC Lê Anh: "Người Việt trẻ, sao chịu để mình thất nghiệp?" | |
Gần 200.000 thạc sỹ, cử nhân thất nghiệp? |
PGS, TS Nguyễn Văn Nhã – nguyên Trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội - một chuyên gia có hơn 30 năm kinh nghiệm trong công tác đào tạo, tổ chức các kỳ thi trao đổi với TG&VN về vấn đề đổi mới giáo dục toàn diện để giải bài toán số lượng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp đang có tỉ lệ ngày càng cao.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Nhã. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Thưa PGS, những năm gần đây, tỷ lệ cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp tăng rất nhanh. Vì vậy, từ phía các trường cần có những đổi mới gì trong chương trình cũng như phương thức đào tạo?
Đúng là chưa bao giờ số lượng cử nhân, thạc sĩ không tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp lại nhiều như hiện nay, hơn 191.000 người! Quá lãng phí nhân lực và tiền bạc của nhân dân và của cả quốc gia.
Trong nhiều nguyên nhân, có lỗi của các cơ sở đào tạo. Mặc dù các nhà trường đã chuyển đổi từ đào tạo niên chế sang phương thức đào tạo theo tín chỉ, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của thị trường lao động trong và ngoài nước; đã chú trọng việc đào tạo bồi dưỡng kiến thức với giáo dục phẩm chất và kỹ năng cho người học, nhưng như thế vẫn là chưa đủ.
Giáo dục Việt Nam vẫn thua xa các nền giáo dục tiên tiến, nếu không khẩn trương, tích cực đổi mới căn bản và toàn diện như Nghị quyết 29 đã nêu thì nền giáo dục nước nhà sẽ tụt hậu, thua cả các nước láng giềng và thua ngay trên sân nhà. Tôi có dịp sang thăm Đại học Quốc gia Lào thấy sinh viên rất lễ phép, chăm chỉ học hành, mọi cán bộ nhân viên đều giỏi tiếng Anh và tiếng Việt, hơn hẳn so với một số giảng viên của mình.
Bản tin thị trường lao động quý II/ 2016 cho thấy: Cả nước có hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, tăng 164.000 người so với quý I. Trong đó, nhóm có số người thất nghiệp nhiều nhất là nhóm trình độ đại học trở lên với hơn 191.000 người. |
Để tránh nguy cơ bị tụt lùi so với các nước trong khu vực, các trường phải gắn bó chặt chẽ với các doanh nghiệp, chủ động hợp tác với họ, yêu cầu họ đặt hàng, hỏi họ muốn gì, cần gì; tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo. Đó là việc cần làm đầu tiên, không nên quan niệm đầu ra sản phẩm đào tạo là trách nhiệm của người học, phải tự đi xin việc, mà phải có trách nhiệm của nhà trường.
Thực tế, nhiều cơ quan, doanh nghiệp sau khi tuyển dụng cử nhân mới ra trường, phải bỏ ra ít nhất sáu tháng đến một năm hoặc hơn để đào tạo lại mới có thể khai thác lao động. Theo ông thì thực trạng này có phải xuất phát từ chất lượng lao động đào tạo trong nhà trường còn thấp hay vì chưa chú trọng phát triển kỹ năng cho sinh viên?
Những doanh nghiệp phải bỏ thời gian đào tạo lại cho người lao động mới tuyển là chuyện hiển nhiên! Khi mà công nghệ đang biến đổi không ngừng, khi mà các dây chuyền sản xuất đòi hỏi khắt khe tính kỷ luật cao và kỹ năng làm việc theo văn hóa của doanh nghiệp. Mặt khác, những doanh nghiệp này cũng chưa quan tâm tới hợp tác với các cơ sở đào tạo, ngồi đợi tuyển lao động với tiêu chí “như trên trời”, như chỉ tuyển nhân viên đánh máy cũng yêu cầu bằng đại học, bằng ngoại ngữ 6.0, chứng chỉ này kia và ít nhất 2 năm kinh nghiệm làm việc…
Chính điều đó dẫn đến nhiều cử nhân, thạc sĩ cũng “từ bỏ, xa lánh” doanh nghiệp, các cơ sở tuyển dụng, họ cam chịu thất nghiệp chứ không nộp “lệ phí nhận thử việc” với số tiền kinh hoàng vài trăm triệu. Đó là một thực tế phải nhìn rõ. Không phải doanh nghiệp, nhà tuyển dụng nào cũng có quyền đòi hỏi “đầu tiên” (tiền đâu - PV) hơn là yêu cầu ngoại ngữ, kiến thức, kỹ năng cao đến mức các cử nhân, thạc sĩ không đáp ứng được. Chúng ta không xa lạ khi biết khá nhiều trường hợp các bạn trẻ phải chạy tiền mới kiếm được việc làm, nếu không đành về quê nuôi gà sau nhiều năm đèn sách, chịu khó học hành. Nghĩ mà rất đau lòng!
Thông thường, việc đào tạo lại mất nhiều thời gian và gia tăng chi phí của công ty, doanh nghiệp. Chính vì vậy, nhiều đơn vị tỏ ra thờ ơ với sinh viên mới ra trường, tập trung chọn người có nhiều kinh nghiệm làm việc. Điều này trực tiếp làm giảm cơ hội việc làm của tân sinh viên như thế nào, thưa PGS?
Tôi xin nêu một ví dụ về “hớt váng sữa” của một số nhà tuyển dụng doanh nghiệp nước ngoài với mức lương hấp dẫn: Họ công bố các ứng viên nộp Hồ sơ và mỗi người phải có lệ phí 50 USD, nếu không trúng tuyển bạn sẽ không được nhận lại hồ sơ.
Hơn 1000 em chen nhau nộp và hy vọng, kinh phí thừa để lo việc xem xét tuyển dụng. Vòng 1 loại ngay hơn 800, vòng 2 loại tiếp hơn 150, còn 50 em được phỏng vấn, toàn những em giỏi nhất của các trường. Vài doanh nghiệp trong nước có lương hấp dẫn sẽ tiếp tục tuyển lứa thứ hai, thứ ba. Những doanh nghiệp gặp khó khăn, chỉ học theo họ và ngồi chờ đợi để có lao động thật giỏi thì làm sao tuyển được?
Đó cũng là nguyên nhân doanh nghiệp yếu về thương hiệu thì không tuyển được lao động có tay nghề, mà người lao động cũng không mặn mà gì với doanh nghiệp sắp phá sản. Đó là chưa kể các doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng lại ở vùng sâu vùng xa, đang khó khăn về thị phần.
Mối quan hệ giữa giảng đường và thị trường lao động đang khá lỏng lẻo. Thậm chí, sự gắn kết giữa các nghề với ngành học trong giảng đường gần như còn là một bí hiểm với sinh viên. Theo ông, đây có phải lý do góp phần khiến cho nạn thất nghiệp ngày càng gia tăng?
Đúng. Không nhiều doanh nghiệp đóng góp kinh phí đào tạo như một khoản “đặt hàng” để nhà trường đào tạo theo địa chỉ, theo yêu cầu doanh nghiệp. Không có cơ chế để họ ngồi lại với nhau bàn cách thực hiện chủ trương “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Đó là chưa kể sinh viên còn chưa biết chủ động lo cho tương lai, ỷ lại vào bố mẹ, không biết đâu là sở trường, không biết chọn ngành học, ra trường không tự viết được đơn xin việc cho thấu đáo, ngoại ngữ thì yếu, kỹ năng thì thiếu cũng là nguyên nhân mà các bậc cha mẹ cần chú ý.
Gần 200.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp trong quý II (2016) là con số đáng báo động. (Nguồn: giáoduc.net) |
Thưa PGS, làm sao để gắn kết sản phẩm đào tạo của các trường Đại học, Cao đẳng với nhu cầu tuyển dụng của thị trường, khi mà thị trường lao động lại chỉ có nhu cầu hiện tại, đặt lợi nhuận làm mục tiêu hành động, để rồi cả ngành giáo dục phải chạy theo đáp ứng?
Chúng ta đang rất cần một cơ chế cho phù hợp. Chỉ hô hào, động viên, khuyến khích thì sẽ còn nhiều khó khăn hơn nữa. Nhà trường thì chỉ có kinh phí đào tạo ít ỏi so với các nền đào tạo tiên tiến khác và chưa chăm lo cho các cựu sinh viên sau khi ra trường làm được gì, ở đâu. Doanh nghiệp thì chờ đợi và yêu cầu chứ không phải đóng góp gì cho nguồn nhân lực mà họ tuyển, vì thế họ có quyền chê các trường chưa đáp ứng nay nọ.
Các trường đại học nước ngoài đều có nguồn tài chính đóng góp của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các đại gia dưới dạng quà tặng còn ở Việt Nam thì rất hiếm thấy. Tôi tin, các lãnh đạo đều đã biết, đã thấy và đã nghĩ mình cần phải làm gì để hạn chế tình trạng thất nghiệp này. Khi lãnh đạo cao nhất quyết tâm vào cuộc, tình hình chắc chắn sẽ có biến đổi, ngược lại, rất khó nói và khó bàn.
Các trường ở Mỹ, thường thì mỗi sinh viên được xây dựng và lựa chọn cách học khác nhau nhưng ở nước ta gần như không có lựa chọn. Có phải phương pháp giáo dục thiên về lý thuyết, ít thực hành của Việt Nam đang góp phần làm cho nạn thất nghiệp diễn ra ngày càng nhiều và tràn nan không thưa PGS?
Không hẳn như vậy, các trường ĐH, CĐ ở Việt Nam đã và đang đào tạo theo tín chỉ như các trường ở Mỹ, tức là sinh viên có quyền lựa chọn tốc độ học, môn học, thầy dạy phù hợp với năng lực và điều kiện của họ mà. Chỉ có điều các chương trình đào tạo chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của người học, có một số môn học bắt buộc chưa thực bổ ích trong khi sinh viên rất cần thời gian để học thêm kỹ năng và trải nghiệm thực tế.
Nhân đây tôi muốn nói, trường đại học không phải là trường nghề nên việc trang bị kiến thức cho người học có tính hàn lâm vẫn là nhiệm vụ quan trọng. Chúng ta đừng nhầm lẫn rằng ở trường đại học chỉ cho học rất ít trên lớp và cho sinh viên chủ yếu đi doanh nghiệp kiếm tiền ngay từ năm đầu là nâng cao chất lượng đào tạo (một số trường đang quảng cáo như vậy!). Việc đó có thể hấp dẫn thu hút một số thí sinh nhập học nhưng làm mất đi bản chất đại học, đồng thời làm xa rời sứ mệnh của giáo dục đại học Việt nam.
Xin cảm ơn PGS. TS.!
EU đương đầu với tình trạng thất nghiệp dài hạn Hơn một nửa trong số 22 triệu người thất nghiệp trong Liên minh châu Âu (EU) đã không có việc làm trong vòng một năm ... |
Bằng ngoại cũng thất nghiệp Đã từng có thời cụm từ “tốt nghiệp Đại học ở nước ngoài” có giá trị hơn bất cứ CV xin việc hoành tráng nào. ... |
Tiến sĩ Mỹ cũng thất nghiệp hàng loạt Kết quả “Khảo sát về Tiến sĩ sau khi tốt nghiệp” do Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia Mỹ (NSF) vừa ... |