Các nhà phân tích trên thế giới đã nhận định về việc vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un rời khỏi bàn đàm phán sớm mà không đưa ra được tuyên bố chung.
Ông Akira Kawasaki, thành viên Chương trình vận động quốc tế hủy bỏ vũ khí hạt nhân ICAN cho biết: “Không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy cuộc đàm phán lần này không đạt kết quả. Chúng ta cần một kế hoạch thực sự, bắt nguồn từ sự hợp tác của cộng đồng quốc tế và thúc đẩy những Hiệp ước như Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân, mà Triều Tiên có thể gia nhập cũng như bắt đầu tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân một cách hợp pháp”.
Cuộc gặp giữa Chủ tịch Triều Tiên và Tổng thống Mỹ vào đầu ngày thứ hai của hội nghị thượng đỉnh. (Nguồn: AP) |
Cũng bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư Justin V Hastings, khoa Chính phủ và Quan hệ Quốc tế, Đại học Sydney nhận định, “Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai có thể coi là thành công vì đã một lần nữa đưa vị Tổng thống Mỹ đương nhiệm và Nhà lãnh đạo Triều Tiên gặp gỡ và cùng ngồi vào bàn đàm phán. Điều này thể hiện nỗ lực "cho đi và nhận lại" rất lớn từ cả hai phía. Nếu Washington và Bình Nhưỡng tiếp tục duy trì đối thoại, tôi nghĩ rằng một thoả thuận hoà bình sẽ không còn xa vời”.
Lạc quan về triển vọng của Thượng đỉnh Chủ tịch Mạng lưới Hòa bình Hàn Quốc Kevin Martin cho rằng việc Mỹ và Triều Tiên không đạt được thỏa thuận “không phải là một dấu hiệu cho thấy ngành ngoại giao hoạt động chưa hiệu quả."
Nói về những nỗ lực ngoại giao của Washington và Bình Nhưỡng, Chủ tịch Kevin cho rằng "ngành ngoại giao đã làm nhiều hơn để thúc đẩy an ninh của cả Mỹ và bán đảo Triều Tiên, hơn là các biện pháp trừng phạt kinh tế và đe dọa về quân sự." Theo ông Kevin, "ngoại giao cần có thời gian và rõ ràng là vẫn còn nhiều việc phải làm trong thời gian tới".