📞
Kinh doanh ở thị trường Saudi Arabia:

Nếu nóng vội, có thể sẽ vuột cơ hội hợp tác

MỘC LAN 15:52 | 06/10/2021
Đại sứ Việt Nam tại Saudi Arabia Vũ Viết Dũng cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam có thể nắm bắt được cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh với thị trường Saudi Arabia nếu thấu hiểu thị trường này, từ tầm nhìn phát triển cho đến đời sống tín ngưỡng, tôn giáo.
Đại sứ Vũ Viết Dũng làm việc với Lãnh đạo Bộ Đầu tư Saudi Arabia, trao đổi về các kế hoạch hợp tác. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Saudi Arabia)

Bắt nhịp với tầm nhìn 2030

Trong con mắt nhiều người, Saudi Arabia giàu chủ yếu nhờ dầu mỏ (quốc gia sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất trên thế giới). Ý kiến của Đại sứ?

Đúng như vậy, doanh thu từ dầu mỏ của Saudi Arabia chiếm tới 85% GDP.

Tuy nhiên trong khuôn khổ Tầm nhìn 2030 của Thái tử Mohammed bin Salman, chính phủ Saudi Arabia đang từng bước triển khai mạnh mẽ nhiều lĩnh vực kinh tế phi dầu mỏ như hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), mở rộng quy mô đầu tư công, đầu tư vào du lịch, công nghệ, đầu tư ra nước ngoài....

Hiện nay các dự án lớn nhất của Saudi Arabia đầu tư vào Việt Nam có dự án thép Zamil và đang phát triển tốt. Dự án ACWA Power cũng được đánh giá là thành công. Các dự án còn lại đều là tư nhân, nhỏ lẻ, vốn dưới 1 triệu USD trong lĩnh vực thương mại, công nghệ, sản xuất than củi. Việt Nam chưa có dự án nào đầu tư sang thị trường Saudi Arabia.

Trong phát biểu mới đây tại Diễn đàn Kinh tế thế giới, Thái tử Mohammed bin Salman cho biết, nước này đề xuất các cơ hội đầu tư trị giá 6.000 tỷ USD trong thập niên tới, trong đó Quỹ đầu tư công sẽ tài trợ 85% nguồn tài chính cho các đề xuất mới, phần còn lại sẽ đến từ các nhà đầu tư ở Vùng Vịnh và trên toàn cầu.

Đây là một phần trong kế hoạch Tầm nhìn 2030 của Saudi Arabia, nhằm chấm dứt sự phụ thuộc vào dầu mỏ của quốc gia Trung Đông này và đưa Saudi Arabia trở thành một cường quốc đầu tư toàn cầu, tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng đô thị, giao thông, vui chơi giải trí....

Với khuôn khổ Tầm nhìn 2030, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được những cơ hội hợp tác nào?

Tầm nhìn 2030 của Saudi Arabia đặt mục tiêu tăng mức đóng góp của lĩnh vực tư nhân trong GDP từ 40 - 60% vào năm 2030, đặc biệt khuyến khích các doanh nghiệp SME tăng mức đóng góp từ 20% lên 35%, đồng thời giảm tỷ lệ thất nghiệp và nâng tỷ lệ lao động nữ trong lực lượng lao động.

Saudi Arabia thực hiện những chương trình cải cách quốc gia, tăng cường mở cửa du lịch, tích cực triển khai đầu tư công, đầu tư vào các công trình giao thông, đại đô thị, công trình thể thao, vui chơi giải trí.... với các đại dự án phát triển cơ sở hạ tầng như: Dự án thành phố Neom (trị giá 500 tỷ USD), dự án Biển Đỏ, siêu dự án về du lịch Qiddiya và AMAALA, dự án Ad Diriyah tại thủ đô Riyadh, bao gồm việc bảo tồn Di sản thế giới At-Turaif được UNESCO công nhận.

Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng cơ hội hợp tác đầu tư và cung ứng dịch vụ trong các lĩnh vực: kỹ thuật xây dựng, công nghệ thông tin, dự án giải pháp xanh bền vững, dự án nhà, thành phố thông minh, cung ứng lao động có tay nghề ...

Kiên trì-bí quyết nắm bắt cơ hội

Ông lưu ý điều gì với các doanh nghiệp Việt Nam khi giao thương, đầu tư với doanh nghiệp Saudi Arabia?

Các doanh nghiệp Việt Nam khi giao thương, đầu tư với đối tác cần chú ý những nội dung sau đây:

Xác minh kỹ đối tác về tư cách pháp nhân, công ty nhà nước hay tư nhân, năng lực xuất nhập khẩu, là nhà nhập khẩu và phân phối hay là công ty môi giới qua các kênh chính thức (Đại sứ quán Saudi Arabia tại Hà Nội).

Hợp đồng thanh toán theo hình thức Thư tín dụng (LC) không hủy ngang. Đầu tư thì nghiêm cứu kỹ quy trình góp vốn và kế hoạch thu hồi vốn.

Trong khuôn khổ Tầm nhìn 2030, chính phủ Saudi Arabia đang từng bước triển khai mạnh mẽ nhiều lĩnh vực kinh tế phi dầu mỏ. (Nguồn: Medium)

Không thanh toán theo các hình thức chuyển tiền bằng điện (TT), giao tiền thì giao chứng từ (DP).

Không thanh toán, chi trả những loại phí môi giới trước cho công ty làm dịch vụ khi giao dịch chưa hoàn tất.

Doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu các quy định về tiêu chuẩn đo lường chất lượng hàng hóa của Saudi Arabia SASO.

Thêm một chia sẻ cá nhân là cần hết sức kiên trì khi giao dịch và làm việc với đối tác Saudi Arabia do bạn có nhiều kỳ lễ Hồi giáo lớn trong năm (Ramadan, Eid Al-Fitr, Eid Al-Adha) và cũng có nhiều giờ cầu nguyện trong ngày, nếu ta nóng vội có thể sẽ mất cơ hội hợp tác làm ăn.

Lời khuyên của ông với doanh nghiệp Việt Nam về việc thực hiện quy trình cấp chứng chỉ Halal được công nhận tại thị trường Saudi Arabia nhằm làm gia tăng giá trị xuất khẩu?

Tọa đàm trực tuyến do Bộ ngoại giao tổ chức ngày 10/8 với chủ đề “Tăng cường hợp tác quốc tế, thúc đẩy xây dựng ngành Halal Việt Nam” đã kết luận: Halal toàn cầu có tiềm năng to lớn xét trên khía cạnh dân số Hồi giáo, mức chi tiêu, sự đa dạng về lĩnh vực và có triển vọng trong tương lai.

Do Saudi Arabia là thị trường Hồi giáo nên việc tuân thủ các quy định về chứng nhận Halal rất nghiêm ngặt. Các sản phẩm thực phẩm bắt buộc phải có chứng chỉ này.

Đại sứ quán đã đăng tải “Cẩm nang kinh doanh với Saudi Arabia” trên website để doanh nghiệp tìm hiểu và tuân thủ, trong đó có nội dung về chứng chỉ Halal.

Các nước Hồi giáo lớn có bộ chuyên trách, có cơ quan quản lý cấp chứng chỉ Halal do nhà nước quản lý. Việt Nam chưa có cơ quan này mà chủ yếu là doanh nghiệp thực hiện.

Hiện các doanh nghiệp đã quan tâm đến chứng chỉ Halal chưa và quá trình thực hiện có rào cản nào không?

Các doanh nghiệp của ta đôi khi cũng gặp khó khăn khi tiếp cận do chưa chủ động đăng ký cấp chứng chỉ Halal cho sản phẩm của mình mà lệ thuộc vào đối tác mua hàng tự bỏ chi phí đăng ký cấp chứng chỉ này.

Có nhiều doanh nghiệp cùng thực hiện đánh giá và cấp chứng chỉ Halal nhưng theo nhiều tiêu chuẩn khác nhau như: Halal cho thị trường Malaysia, Indonesia, Ấn Độ, Saudi...

Đại sứ Vũ Viết Dũng: Cần hết sức kiên trì khi giao dịch và làm việc với đối tác Saudi Arabia do bạn có nhiều kỳ lễ Hồi giáo lớn trong năm (Ramadan, Eid Al-Fitr, Eid Al-Adha) và cũng có nhiều giờ cầu nguyện trong ngày, nếu ta nóng vội có thể sẽ mất cơ hội hợp tác làm ăn.

Có những trường hợp chứng chỉ Halal được chấp nhận ở thị trường này nhưng lại không được chấp nhận ở thị trường khác, nên doanh nghiệp đồng thời phải thực hiện nhiều chứng chỉ Halal cho cùng loại sản phẩm ở những thị trường khác nhau.

Ngoài ra, do trong khi tìm đối tác mua sản phẩm, các doanh nghiệp nhỏ của ta chưa sẵn sàng đầu tư chi phí cho chứng chỉ Halal mà chờ đơn hàng cụ thể mới tiếp cận đăng ký cấp chứng chỉ này, dẫn đến đôi khi chậm trễ, mất cơ hội.

Tựu chung lại, doanh nghiệp ta cần hợp tác với cơ quan quản lý và cấp chứng nhận Halal được nhiều nước chấp nhận để tiết kiệm chi phí chứng nhận; phối hợp chặt chẽ với bộ, ngành trong xây dựng thương hiệu cho sản phẩm Halal của mình và của Việt Nam, có nhân sự chuyên sâu về Halal để nhanh chóng tiếp cận, đăng ký, xử lý kỹ thuật nhằm thúc đẩy việc cấp chứng chỉ cho sản phẩm của mình.

Quỹ phát triển Saudi Arabia

Việc vận động Quỹ phát triển Saudi Arabia (SFD) cho Việt Nam vay vốn ưu đãi cho các dự án như thế nào? Trong quá trình thực hiện, có những rào cản chính nào?

Việc vận động SFD vào Việt Nam thực sự là cả một quá trình dài và hiệu quả.

Nguồn vốn vay từ SFD đã hỗ trợ cho Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo cũng như góp phần nhất định vào mục tiêu chung trong nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Một số dự án Việt Nam nhận được ODA từ SFD như: Dự án “Xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông liên vùng hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội các huyện nghèo tỉnh Yên Bái” với tổng số vốn 40 triệu USD, trong đó có một nửa từ SFD; “Dự án đường Đông Hà - Cán Tỷ - Lao Và Chải” của tỉnh Hà Giang và “Dự án khôi phục cơ sở hạ tầng và vùng ngập” của tỉnh Nghệ An với tổng vốn vay là 28 triệu USD.

Ngoài ra, các dự án như “Bệnh viện đa khoa và Trung tâm y tế tỉnh Bắc Kạn” nhằm đầu tư trang thiết bị bệnh viện và trang thiết bị cho Trung tâm đào tạo y tế tỉnh Bắc Kạn, có trị giá vốn vay là 55 triệu Saudi Rial (tương đương 14,5 triệu USD); Dự án “Trung tâm dậy nghề tỉnh Ninh Thuận” để đầu tư cho Trung tâm đào tạo nghề của tỉnh Ninh Thuận (chủ yếu là trang thiết bị dạy nghề) có trị giá vốn vay là 42 triệu Saudi Rial (tương đương khoảng 11 triệu USD).

Tuy nhiên, khoảng cách địa lý xa xôi, khác biệt ngôn ngữ và việc hai bên cũng chưa có hiệp hội kinh doanh giữa 2 nước là một số rào cản trong quá trình thực hiện.

Cửa mở cho các lao động có kỹ năng

Tình hình lao động ta làm việc tại Saudi Arabia hiện ra sao? Dự báo xu hướng về số lượng và cơ cấu trong thời gian tới?

Xuất khẩu lao động là một chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ ta, giúp tạo việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện tác phong làm việc công nghiệp cho người lao động; đồng thời tăng cường kết nối quan hệ nhân dân, quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam và quốc gia tiếp nhận lao động.

Tại Saudi Arabia, trong số trên 10 triệu lao động nước ngoài, lao động Việt Nam hiện còn khoảng 8.000 người, chủ yếu là lao động giúp việc gia đình (khoảng 70-80%), còn lại là làm cơ khí, xây dựng, nhà hàng, vận tải, dịch vụ… với thu nhập tối thiểu 1500 Sar/tháng (khoảng hơn 9 triệu VNĐ).

Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia hướng dẫn nhiều lượt người lao động các thủ tục đăng ký bay hồi hương. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Saudi Arabia)

Một số lao động có tay nghề cao làm việc trong các dự án dầu khí có thu nhập trên 1.000 USD/tháng.

Số lượng trên là không nhiều so với các quốc gia phái cử lao động nói chung và các quốc gia Đông Nam Á nói riêng.

Nguyên nhân lao động Việt Nam chưa nhiều chủ yếu vì khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ (tiếng Arab chưa đủ thành thạo để làm việc, tiếng Anh thua lao động Philippines, Ấn Độ).

Khá nhiều chủ lao động phản ánh do bất đồng ngôn ngữ nên lao động ta hay bị làm sai hoặc không đúng ý chủ.

Bên cạnh đó, phong tục tập quán, khí hậu và nhất là mức lương Saudi Arabia chưa thực sự hấp dẫn lao động ta so với các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và một số nước châu Âu.

Như Đại sứ quán đã có lần đề cập, việc đào tạo trước khi xuất cảnh, trang bị kiến thức cơ bản mọi mặt cho người lao động có lẽ còn không ít bất cập, dẫn đến những vụ việc đáng tiếc.

Có một thực trạng nữa là kể từ khi đại dịch bùng phát từ tháng 3/2020 đến nay, số lao động ta hết hợp đồng lao động có thể lên đến 80% (hợp đồng thường là 2 năm). Trong khi đó số lao động được hồi hương chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ.

Nắm được tình hình này, một số người Việt ở Việt Nam và cả ở Saudi đăng lên mạng những thông tin sai sự thật về vé về nước để lừa đảo/trục lợi, dẫn đến việc không ít người đã mất tiền oan từ vài triệu đến vài chục triệu VNĐ.

Một số khác bị dụ dỗ tìm cách làm lao động bất hợp pháp, trong tay không còn giấy tờ tùy thân (Iqama), không có chủ sử dụng lao động hợp pháp, khiến quyền lợi không được bảo đảm, khi có vụ việc không thể kêu cứu.

Đại sứ quán mong dịch bệnh trong nước sớm được kiểm soát, để sớm có thêm các chuyến bay đặc biệt giúp đưa người lao động Việt Nam tại Saudi Arabia về nước.

Đại sứ quán đã kiến nghị với trong nước là tăng tỷ trọng lao động có nghề và giảm tỷ trọng lao động phổ thông, bởi đây cũng là định hướng phát triển thị trường của ta và sự gia tăng sức hút lao động có nghề của Saudi Arabia, sau khi nước này thực hiện một số cải cách lao động mang tính lịch sử vừa qua.

Để làm được việc này, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng tăng cường công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chủ động hơn trong công tác xúc tiến thị trường, hướng tới phân khúc lao động có chuyên môn hơn với thu nhập cao hơn.

Trân trọng cảm ơn Đại sứ!