TS. Cù Văn Trung cho rằng, nếu trường đại học chậm đổi mới, khó có lứa cử nhân đủ năng lực đáp ứng đòi hỏi xã hội. |
Số liệu của Bản tin cập nhật thị trường lao động hàng quý, hàng năm của Tổng cục Thống kê và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho thấy, số người tốt nghiệp đại học trở lên thất nghiệp chiếm một tỉ lệ cao. Thực trạng này khiến ông suy nghĩ gì về nghịch lý cử nhân thất nghiệp?
Có thể khẳng định, những số liệu được đưa ra bởi cơ quan nêu trên rất đáng tin cậy. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng còn một "tảng nhỏ băng chìm" mà các cơ quan thống kê, cơ quan quản lý về lĩnh vực lao động, việc làm chưa bao quát, đo đếm và tóm lược trọn vẹn thực trạng tình hình.
Những nỗ lực của Nhà nước trong việc thường xuyên theo dõi, cập nhật số liệu và tiến hành điều tra xã hội học về tỉ lệ cử nhân thất nghiệp trong nhiều năm qua cho thấy sự quan tâm của toàn xã hội về vấn đề này.
Đặc biệt, trong thời gian gần đây tỉ lệ người tốt nghiệp đại học ra trường không xin được việc lại càng nóng lên, thu hút sự chú ý của dư luận trong cả nước. Điều này sở dĩ được xã hội và người dân quan tâm vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống kinh tế của mỗi người.
Là một người gắn bó ít nhiều trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, tôi không cảm thấy bất ngờ về thực trạng thất nghiệp ở người trẻ. Thiết nghĩ, đó là hệ quả của hàng loạt các yếu tố các khách quan và chủ quan. Trước tình hình suy thoái kinh tế thế giới như hiện nay, những yếu điểm về vấn đề đào tạo, lao động và việc làm của chúng ta sẽ được bộc lộ ngày càng rõ rệt.
Lực lượng lao động trẻ có bằng cử nhân đang phải rất vất vả để tìm kiếm cho mình một công việc nhằm có thu nhập cho cuộc sống thường nhật, cơ hội việc làm ở khu vực công dành cho những đối tượng này ngày càng bị thu hẹp vì chủ trương, chính sách tinh gọn bộ máy, cắt giảm biên chế của Đảng và Nhà nước.
Ở khu vực kinh tế tư nhân, việc các doanh nghiệp thường xuyên sa thải công nhân do không có đơn hàng sản xuất cho thấy đội ngũ doanh nhân cũng đang phải bươn chải bằng nhiều cách để nhà máy, xí nghiệp tồn tại và phát triển. Có thể khẳng định rằng, ở trạng thái xã hội bình thường, người trẻ tốt nghiệp đại học vốn dĩ đã gặp không ít trở ngại sau khi ra trường thì nay lại càng bị tác động, ảnh hưởng sâu sắc bởi các yếu tố trên.
Đề cập một thực tế như vậy khiến chúng ta không khỏi chạnh lòng và cảm thông cho những khó khăn mà các bạn trẻ hiện nay đang phải đối mặt. Đó cũng là những suy nghĩ nghiêm túc, có trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà giáo… nhằm tìm ra đáp án cho bài toàn này.
Chất lượng việc làm của thị trường lao động Việt Nam hiện nay thế nào, đã đáp ứng được nhu cầu về người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hay chưa, dưới góc nhìn của ông?
Số lượng những người lao động có tay nghề, kỹ thuật và trình độ chuyên môn cao không nhiều. Đối với những đối tượng này, tôi nghĩ nếu ngành học của họ mà xã hội đang “khát”, đang cần thì họ sẽ được "đặt hàng" ngay khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Hiện nay, không ít doanh nghiệp ở khu vực kinh tế tư nhân đã trải thảm đỏ để đón chào lực lượng lao động này.
Cần lưu ý, nói đến người lao động có trình độ chuyên môn cao thì có đúng là kỹ thuật, tay nghề của họ cao thật hay không. Một số nơi rất tự hào vì người lao động của mình được đào tạo bài bản, nhưng khi doanh nghiệp nhận về thì không hẳn như vậy. Những lao động này vẫn cần có giai đoạn đào tạo lại, đào tạo bổ sung để bắt nhịp với công việc và công nghệ mới.
Trong thời đại đang thay đổi từng ngày như hiện nay, nếu không có sự gắn kết chặt chẽ giữa vừa học, vừa làm thì mỗi sản phẩm đầu ra đều có sự lạc hậu tương đối so với thực tiễn. Một số chuyên môn hẹp như năng lượng hạt nhân, nghiên cứu và sửa chữa tàu ngầm, khám phá vũ trụ và hành tinh… rõ ràng chưa có "đất diễn" cho những người được đào tạo về ngành này.
Nhưng về tổng thể mà nói, chất lượng việc làm của thị trường lao động Việt Nam rất đa dạng, phong phú. Chúng ta đã có một sân chơi vô cùng rộng lớn, nhiều tiềm năng, với đa ngành nghề, liên kết vùng miền và cả quốc tế. Điều quan trọng là lực lượng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao của chúng ta đã đông đảo thật chưa, đã thiện chiến, lành nghề thật chưa để trổ tài.
Đảng và Nhà nước ta đã chủ động hội nhập, gia nhập các tổ chức thương mại quốc tế, các định chế tài chính trên thế giới, các tập đoàn công nghệ, thương mại đa quốc gia…
Vì vậy, nếu thật sự có chuyên môn, giỏi giang về tay nghề thì không thể thiếu “nơi dụng võ” cho những người trẻ ấy ở Việt Nam. Môi trường kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay đủ thỏa mãn các năng lực và nhu cầu lao động trong xã hội đối với mỗi lĩnh vực, ngành nghề cụ thể.
Thống kê cho thấy, hàng năm có hơn 400.000 sinh viên tốt nghiệp, có khoảng một nửa không có việc làm. Có phải chất lượng đào tạo kém hay do sự bất hợp lý về cơ cấu trình độ lao động bất hợp lý?
Có rất nhiều sự bất hợp lý ở đây chứ không riêng gì chất lượng đào tạo. Chất lượng đào tạo chỉ là cái nhiều người “níu vào, bám vào” để giải thích một hiện tượng mà bản chất của nó phải là hệ quả của hàng loạt các vấn đề phía trước và chưa rõ ràng ở phía sau. Phía trước của quá trình một phần hai lực lượng không có việc làm này là vấn đề chọn ngành, chọn nghề, chọn trường.
Thêm vào đó, có quá nhiều trường đại học tư và công hiện diện trên khắp đất nước. Những năm qua, việc thi đỗ vào một trường đại học không còn quá khó khăn như nhiều thập kỷ trước đây. Con em của chúng ta rất dễ dàng có "mác" sinh viên thuộc một trường ở các thành phố lớn hay tỉnh lẻ.
Còn vấn đề phía sau của quá trình này là xã hội “thừa thầy thiếu thợ”, không có đủ chỗ để dung nạp hết các đối tượng được đào tạo trong khi nhu cầu xã hội lại ít hoặc không có, đấy cũng là hậu quả của việc đào tạo tràn lan.
Ngoài ra, sự phụ thuộc vào nhịp độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước hiện tại, khu vực công và khu vực tư như tôi đã nói ở trên đều đang có vấn đề của nó, môi trường nhà nước thì cắt giảm biên chế, tư nhân thì cắt giảm nhân sự, thu gọn bộ máy hành chính.
Đồng thời, sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, nhiều phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin, máy móc thay thế các công việc từ đơn giản đến phức tạp của con người… khiến không ít người mất đi các công việc truyền thống.
Cuối cùng, chất lượng đào tạo cũng góp mặt vào nguyên nhân dẫn tới tỉ lệ một phần hai sinh viên ra trường thất nghiệp. Đơn vị nào, trường học nào mà chậm đổi mới chương trình giảng dạy, đội ngũ giảng viên không nâng cấp thì khó có những lứa cử nhân ra trường với năng lực và trình độ đáp ứng được các đòi hỏi của xã hội.
Thách thức lớn nhất của thị trường lao động hiện nay là gì, thưa ông?
Nói tới thị trường lao động là nói tới công ăn việc làm, mà việc làm thì phụ thuộc vào sự phát triển sôi động của nền kinh tế vĩ mô. Nếu chú ý quan sát và lắng nghe từ xã hội và các nhà quản lý, chúng ta thấy rằng, nền kinh tế của đất nước cũng đang gặp nhiều khó khăn. Chính phủ đã có nhiều biện pháp, đưa ra nhiều chính sách để khuyến khích, khơi dậy và tạo điều kiện cho nhiều thành phần kinh tế trong xã hội phát triển.
Sau một thời gian chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và sự suy thoái kinh tế thế giới, nhiều thành phần kinh tế của chúng ta hiện nay đang bắt đầu ở giai đoạn khởi động, lấy đà cho sự tăng trưởng. Do vậy, thị trường lao động của nước nhà cũng gặp nhiều thách thức, một trong những thách thức lớn nhất thị trường lao động chưa làm bước đệm, làm nền cho các đòi hỏi của các thành phần kinh tế, tức là nó không còn giữ được tính tiên tiến, tính phụ trợ cho nền kinh tế.
Lực lượng lao động của chúng ta còn yếu kém và thiếu những người làm được việc. Để tồn tại thì không ít người lao động phải làm đủ thứ nghề vặt, nghề tay trái để kiếm sống, bán hàng online, shiper, phục vụ kiot, nhân viên thu ngân… Dần dần, khó hình thành được thị trường lao động có chất lượng, có tay nghề vững bởi khi cần là doanh nghiệp phải đào tạo mới, đào tạo lại. Thêm vào đó là sự lạc hậu của thị trường lao động hiện nay trước sự đòi hỏi mau lẹ của một số ngành nghề, công việc.
Và đâu là giải pháp, thưa ông?
Muốn có một thị trường lao động làm nền, hấp dẫn và bổ trợ là “đội dư bị” của nền kinh tế thì trong đó phải tồn tại các cá thể có khả năng liên kết, có khả năng đảm nhiệm nhiều vị trí và công việc khác nhau.
Người lao động ở thị trường này phải tập hợp nhau lại, cùng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và các cơ hội nghề nghiệp. Sự di chuyển ra vào một cách nhộn nhịp, sôi động của lao động tại môi trường này này sẽ có tác dụng lớn thúc đẩy các khu vực kinh tế thêm nhiều lựa chọn, thêm kích thích để phù trợ cho các ý tưởng làm ăn, kinh doanh của các thành phần kinh tế thành công trước bối cảnh có nhiều thách thức như hiện nay.
Xin cảm ơn ông!