Ông Joseph Mayhew, Đại biện lâm thời Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam, trao quà hỗ trợ cho những lao động nữ bị ảnh hưởng kinh tế do dịch Covid-19. (Nguồn: ĐSQ New Zealand) |
Sự hỗ trợ kịp thời
Theo Đại biện lâm thời Joseph Mayhew, kể từ tháng 6/2020, Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam đã hỗ trợ tài chính hơn 3,1 tỷ VND cho khoảng 3.000 lao động nữ bị ảnh hưởng kinh tế do dịch Covid-19 thông qua Quỹ Đại sứ New Zealand.
Đối tượng lao động nữ nhận được hỗ trợ là công nhân nhà máy, nông dân và những người lao động tự do ở Hà Nội, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, Huế, Đà Nẵng, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh.
Ngoài hỗ trợ tài chính, Đại sứ quán New Zealand cũng thể hiện sự quan tâm đến các nhóm người dễ bị tổn thương có nhu cầu đặc biệt, như cung cấp cơ sở học tập trực tuyến và đào tạo tại nhà cho 130 trẻ thiểu năng trí tuệ tại TP. Hồ Chí Minh.
Ông Joseph Mayhew cho biết, Quỹ Đại sứ New Zealand được thành lập để hỗ trợ các dự án cộng đồng ngắn hạn, quy mô nhỏ góp phần mang lại hạnh phúc cho cộng đồng rộng lớn hơn ở Việt Nam.
Theo đó, hầu hết các dự án của Quỹ Đại sứ New Zealand trong 12 tháng qua đều tập trung nhằm đối phó với đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, cũng có một số dự án khác nhắm vào các nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em đường phố, cung cấp giáo dục đại học hoặc đào tạo nghề cho thanh niên ở các trung tâm phúc lợi xã hội, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, hỗ trợ ứng phó với thiên tai, khẩn cấp, và một dự án hỗ trợ y tế tại Bình Định nằm trong chương trình “New Zealand-Viet Nam Health Trust” kéo dài nhiều thập kỷ.
Tương đồng trong ứng phó đại dịch
Giống như Việt Nam, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, New Zealand đã thực hiện phương pháp truy vết nguồn lây nhiễm và áp dụng các biện pháp y tế công cộng mạnh mẽ để ngăn chặn, kiểm soát đại dịch và bước đầu nhận được đánh giá cao của cộng đồng quốc tế.
Thời gian gần đây, cũng như Việt Nam, New Zealand đang ứng phó với các đợt bùng phát dịch trở lại đầy thách thức, đặc biệt với sự xuất hiện của biến thể Delta với tốc độ lây nhiễm nhanh.
Ông Joseph Mayhew chỉ ra rằng cả hai quốc gia đều sử dụng biên giới của mình như một lớp phòng thủ quan trọng nhằm chống lại Covid-19, và New Zealand đặc biệt có lợi thế khi là một quốc đảo không có đường biên giới trên bộ.
Theo Đại biện lâm thời New Zealand, một yếu tố quan trọng khác trong công tác phòng chống dịch của hai nước là yêu cầu cách ly và kiểm dịch chặt chẽ đối với các cá nhân nhập cảnh, giúp ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng.
Khi xuất hiện các ca lây nhiễm trong cộng đồng, cả Việt Nam và New Zealand đều khoanh vùng, truy vết và dập dịch một cách nhanh chóng, chắc chắn.
Theo ông Joseph Mayhew, thông tin và hướng dẫn rõ ràng, nhất quán về sức khỏe cộng đồng từ các cơ quan chức năng của Việt Nam và New Zealand cũng góp phần quan trọng nhằm nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng trước đại dịch.
Chính phủ New Zealand đề cao sức mạnh đoàn kết một "đội năm triệu" (dân số của New Zealand) để cùng nhau bảo vệ sức khỏe cộng đồng và đánh bại Covid-19.
Ông Joseph Mayhew nhấn mạnh: “Thông điệp này đã tạo ra sự khác biệt cho cách tiếp cận và cam kết của người New Zealand đối với các biện pháp y tế công cộng, chẳng hạn như giãn cách, đeo khẩu trang và tránh tụ tập đông người”.
Ông Joseph Mayhew trao gói cứu trợ giúp các lao động phi chính thức ở Huế và Đà Nẵng phục hồi sau Covid-19. (Nguồn: ĐSQ New Zealand) |
‘Tôi thấy sự quyết liệt chống dịch của Việt Nam’
Gần đây, Chính phủ Việt Nam đã thay đổi chiến lược chống dịch từ phòng ngừa sang chủ động đẩy nhanh tiến độ triển khai chiến dịch vaccine nhằm kiềm chế đại dịch.
Ông Joseph Mayhew nhận định rằng tiêm chủng là cách duy nhất để thoát khỏi đại dịch và là cách duy nhất để bảo vệ các cá nhân, whanau (gia đình) của chúng ta và xã hội. Hiện hai nước đang tăng tốc tiêm chủng cho càng nhiều người càng sớm càng tốt.
Theo ông Joseph Mayhew, cùng với tiêm vaccine Covid-19, các biện pháp truy vết nguồn lây và các biện pháp y tế công cộng hiệu quả đã giúp cả New Zealand và Việt Nam trong việc đối phó với virus SARS-CoV-2.Đại biện lâm thời New Zealand bày tỏ ấn tượng với sự quyết liệt chống dịch của Việt Nam và cách Chính phủ Việt Nam sử dụng mạng xã hội để nâng cao nhận thức về thông điệp “5K” và chiến dịch tiêm chủng.
Theo UNICEF, từ tháng 4 đến tháng 8 năm nay, Việt Nam đã được hỗ trợ 8.681.300 liều vaccine Covid-19 từ COVAX. |
Những phong trào trên mạng xã hội như “5K+Vaccine”, #ONhaVanVui (#StayHomeIsFun), hoặc bài hát Ghencovy, đã thu hút sự chú ý trên toàn thế giới.
“Đó là một cách hiệu quả để thực hiện lời kêu gọi ‘hãy ở nhà’ một cách lạc quan, vui vẻ và đầy cảm hứng cho mọi người”, ông Joseph Mayhew nhận xét.
Mặc dù cả Việt Nam và New Zealand hiện đang đối phó với các đợt dịch bùng phát trở lại, nhưng ông Joseph Mayhew tin tưởng rằng hai nước có thể sớm kiểm soát được dịch “trở lại đúng hướng” khi kiên trì đối phó với Covid-19 bằng các biện pháp y tế công cộng, đồng thời tập trung triển khai vaccine nhanh nhất.
Ông Joseph Mayhew khẳng định: “Đây là cách duy nhất để chúng ta vượt qua đại dịch và có thể mở lại biên giới một cách an toàn, nối lại những lợi ích kinh tế đang phải hy sinh trong ngắn hạn”.
Là một trong những quốc gia đầu tiên ủng hộ Cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu (COVAX) của Liên hợp quốc, giúp duy trì chuỗi cung ứng mở về vaccine và các mặt hàng y tế khác, tính đến nay, New Zealand đã cam kết đóng góp 27 triệu USD cho COVAX.
Đại biện lâm thời New Zealand bày tỏ vui mừng vì thông qua COVAX có thể phần nào đóng góp vào chiến dịch tiêm chủng của Việt Nam.
Các công ty xuất khẩu hoa quả hàng đầu của New Zealand tại Việt Nam đã ủng hộ hơn 9 tấn trái cây, hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh chống dịch hồi tháng 7. (Nguồn: ĐSQ New Zealand) |
Xứng tầm với cái tên “Đối tác Chiến lược”
Theo ông Joseph Mayhew, bất chấp đại dịch và tất cả những thách thức đang ập đến, mối quan hệ Việt Nam-New Zealand vẫn trên đà phát triển mạnh mẽ.
Với việc nâng cấp quan hệ Việt Nam-New Zealand lên Đối tác Chiến lược vào tháng 7/2020, Thủ tướng hai nước đã đặt ra bài toán làm sâu sắc và mở rộng mối quan hệ giữa hai bên.
Trong bối cảnh hai quốc gia đều mong muốn có sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ góp phần phục hồi sau đại dịch, các mục tiêu thương mại đầy tham vọng đã đặt ra sẽ là lời giải cho bài toán này.
Ông Joseph Mayhew chỉ ra rằng những hiệp định thương mại tự do giữa hai nước sẽ là mối liên kết để hai bên tận dụng và giải bài toán thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương.
Về các lĩnh vực cụ thể, hai nước có nhiều tiềm năng trong việc xây dựng nền kinh tế xanh, từ công nghệ, nông nghiệp đến dịch vụ, công nghệ thông tin…
Ông Joseph Mayhew cho rằng cả New Zealand và Việt Nam đều là những nền kinh tế đổi mới và cần tận dụng lợi thế đó nhiều hơn.
Đại biện lâm thời New Zealand đưa ra ví dụ về sự hợp tác tuyệt vời giữa hai nước trong lĩnh vực nông nghiệp. Hồi tháng 2, hai nước đã ký một Thỏa thuận Hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm thúc đẩy thương mại song phương và chia sẻ công nghệ trong nông nghiệp, giúp giảm phát thải khí nhà kính, bảo đảm an toàn thực phẩm và phát triển nông thôn.
Trong khi quả kiwi, táo và anh đào của New Zealand đã củng cố vị thế của mình trên thị trường Việt Nam, thì người New Zealand giờ đây cũng có thể dễ dàng tiếp cận và thưởng thức các loại hạt, trái cây nhiệt đới như thanh long, chôm chôm đến từ Việt Nam.
Về giáo dục, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều sinh viên Việt Nam có mong muốn học tập tại New Zealand.
Nắm bắt được điều này, nhiều cơ sở giáo dục ở New Zealand đã sáng tạo và phát triển các lựa chọn linh hoạt cho sinh viên học tại chỗ, thông qua các nền tảng học tập và giảng dạy trực tuyến.
Kết luận, ông Joseph Mayhew bày tỏ tin tưởng với tiềm năng, đà phát triển hiện nay cùng sự quyết tâm của chính phủ hai nước, Việt Nam và New Zealand sẽ cùng nhau hiện thực hóa những mục tiêu đã đề ra, phát triển quan hệ song phương xứng tầm với cái tên “Đối tác Chiến lược”.