📞

Nga đã thoát ác mộng kinh tế?

11:00 | 04/03/2016
Cơn ác mộng kinh tế Nga xuất phát từ tình trạng giá dầu mỏ sụt giảm, đồng Ruble rớt giá, cùng lệnh trừng phạt của phương Tây, được dự báo kéo hết cả năm 2016.
Việc nhiều mặt hàng nước ngoài bị cấm nhập khẩu vào Nga là động lực khuyến khích sản xuất nông nghiệp trong nước.

Giá dầu thô dao động ở mức thấp, cùng với tác động của các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và phương Tây áp đặt từ tháng 3/2014 đã khiến nền kinh tế Nga năm 2015 lao đao. Song giai đoạn khó khăn nhất đã qua, tình hình không còn quá nguy kịch, bởi đã có những xu hướng tích cực như lạm phát và đồng nội tệ ổn định, sản xuất công nghiệp phát triển mạnh... Cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Dmitry Medvedev đều đã khẳng định như vậy, khi đề cập đến tình hình kinh tế trong Thông điệp liên bang và Tổng kết hoạt động năm 2015 của xứ sở Bạch Dương.

Lạc quan và bi quan

Phải chăng các Nhà Lãnh đạo Nga đã quá lạc quan, trong khi giới doanh nhân và các nhà kinh tế lại khá bi quan về tương lai mù mịt của nền kinh tế Nga? Hiện không hiếm các chuyên gia kinh tế, trong đó có lãnh đạo các Ngân hàng lớn của nước Nga như Herman Gref - Giám đốc ngân hàng quốc doanh Sberbank, ví tình hình kinh tế Nga hiện nay giống như “một cầu thang đi xuống”. Thậm chí có người còn cho rằng, đối với nền kinh tế đang trong tình trạng “tơi tả” hiện nay, tình trạng trì trệ kéo dài và sức cạnh tranh suy giảm có thể sẽ đeo đuổi nước Nga đến tận năm diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống - 2018.

Trong chương trình "Trò chuyện với Dmitry Medvedev" hồi cuối năm ngoái, Thủ tướng Medvedev vẫn tuyên bố, "kế hoạch chống khủng hoảng đã đưa nền kinh tế Nga vượt qua giai đoạn khó khăn nhất". Năm qua, nền kinh tế đã đi xuống, các hoạt động sản xuất ngưng trệ, nhưng năm tiếp theo sẽ là một năm tăng trưởng.

Tiếp tục khẳng định điều đó, phát biểu tại Diễn đàn Quốc tế Gaidar lần thứ bảy hồi giữa tháng Một, Thủ tướng Medvedev nói rằng, Nga đã có thể giảm thiểu tác động từ các cú sốc bên ngoài nhờ kế hoạch chống khủng hoảng. Nhà lãnh đạo Nga cho rằng, trong năm 2016, kinh tế Nga sẽ được củng cố nhờ nợ nước ngoài ở mức thấp, dự trữ ngoại hối lớn (340 tỷ USD), cán cân thương mại nước ngoài thặng dư và ngành ngân hàng vẫn hoạt động ổn định.

Rõ ràng, dù nhìn nhận rõ những khó khăn bủa vây, nhưng các nhà lãnh đạo Nga vẫn tỏ ra vô cùng lạc quan. Có thể họ tin tưởng như vậy là vì trước đây, Nga đã ngoạn mục vượt qua các cuộc khủng hoảng như đợt giảm giá dầu vào năm 2008 hay vụ vỡ nợ trái phiếu vào năm 1998. Trong các cuộc khủng hoảng đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ đã quay trở lại nước Nga chỉ sau hơn một năm.

Nhưng nay, Giáo sư Vladislav Inozemtsev thuộc Đại học Nghiên cứu Quốc gia (Moscow) cho rằng, cuộc suy thoái hiện nay đã khác. “Đây không phải là vấn đề giá dầu hay lệnh trừng phạt, mà là sự yếu kém về cơ cấu”. Bằng chứng là, ngay từ năm 2012, kinh tế Nga đã có những dấu hiệu bất ổn, giữa lúc giá dầu trên ngưỡng 100 USD/thùng và lệnh trừng phạt của phương Tây vẫn còn ở thì tương lai.

Tin tưởng và thất vọng

Trên thực tế, số liệu từ Cơ quan Thống kê Liên bang Nga cho thấy, GDP nước này đã giảm 3,7% trong năm 2015, sau khi giảm 0,6% trong năm 2014. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2009. Do ảnh hưởng của lệnh trừng phạt, nền kinh tế Nga điêu đứng vì khó tiếp cận với thị trường vốn quốc tế.

Bước vào năm 2016, nước Nga vẫn đón nhiều tin xấu dồn dập về giá dầu thô và đồng nội tệ bị suy yếu. Trong bối cảnh giá dầu mỏ thế giới đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 12 năm qua (khoảng 28 USD/thùng), việc các đối thủ cạnh tranh về xuất khẩu năng lượng như Iran quay trở lại thị trường, cộng thêm những quan ngại về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã tác động mạnh vào kinh tế Nga.

Có đúng là quốc gia xuất khẩu năng lượng hàng đầu thế giới đang đối mặt với năm suy thoái thứ hai liên tiếp? Bão giá dầu đã đẩy tỷ giá Ruble xuống mức thấp chưa từng có, trong ba tháng trở lại đây, tỷ giá Ruble/USD đã giảm hơn 20%. Ruble trở thành một trong những đồng tiền mất giá mạnh nhất của các thị trường mới nổi, chỉ sau Peso của Argentina.

Khó khăn càng chồng chất khi Nga chứng kiến sự sụt giảm của thị trường chứng khoán quốc gia (có lúc giảm tới hơn 6%), kéo theo những rủi ro nghiêm trọng. Ngoài ra, tình hình lạm phát cao dù đã giảm tốc, nhưng vẫn ở mức 12,9%, đang ngăn cản sức mua của người tiêu dùng. Trong khi đó, tại cuộc họp mới đây, Ngân hàng Trung ương Nga cho biết không còn nhiều dư địa để hạ lãi suất phục vụ cho việc kích thích tăng trưởng, bởi lạm phát đã cao gấp hơn ba lần mục tiêu trung hạn.

Tất nhiên, khó khăn trên không thể làm các nhà lãnh đạo Nga kém tin tưởng vào các chính sách đang thực thi. Một quốc gia sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, sự tinh thông về công nghệ, cùng lực lượng lao động có tay nghề, họ tin rằng, nước Nga có tất cả những điều kiện cần để phát triển mạnh, “bất chấp hay nhờ” vào các lệnh trừng phạt. Vẫn với những kế hoạch lớn và cả những phương án dự phòng trong bối cảnh bất định của giá dầu, Thủ tướng Medvedev dự báo, tăng trưởng một cách thực tế nhất vào năm 2016 có thể là 1% và lạm phát có thể xuống mức 6,4%.

Tỷ lệ ủng hộ đối với người đứng đầu nước Nga vẫn duy trì ở mức cao, khi truyền thông Nga thuyết phục người dân rằng những yếu tố bên ngoài hay tư tưởng chống Nga đều xuất phát từ tình trạng sụt giảm kinh tế. Tuy nhiên, người dân Nga chưa thể yên lòng khi kết quả thăm dò ý kiến của Trung Tâm Nghiên cứu dư luận Nga (VTsIOM) mới đây cho thấy, có tới 1/4 số người tham gia trả lời nhận định khoản tài chính gia đình đang trong tình trạng tồi tệ.