📞

Nga đang 'chạy nước rút' để xuất khẩu tiêm kích Su-57

Trường Phan 14:22 | 21/09/2020
TGVN. Truyền thông nhà nước Nga đưa tin, Moscow đang triển khai kế hoạch quảng bá và xúc tiến xuất khẩu máy bay phản lực Sukhoi Su-57 sau nhiều biến cố trước đó. Đồng thời nhà sản xuất dự đoán sẽ nhận đơn hàng ồ ạt từ nước ngoài sau khi bàn giao chiếc tiêm kích đầu tiên cho Không quân Nga.

Kế hoạch phát triển và sản xuất tiêm kích thế hệ thứ 5 này đã gặp không ít sóng gió. Năm ngoái, một chiếc Su-57 đã bị rơi vì lỗi kĩ thuật trong khi huấn luyện ở vùng Viễn Đông. "Vết nhơ" này đã ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và tín nhiệm từ khách hàng đối với Su-57 khiến nó nhanh chóng rớt giá so với cách đây vài năm.

Su-57 thu hút nhiều khách hàng tiềm năng trong đó được cho là có cả đồng minh của Mỹ. (Nguồn: International Interest)

Vật lộn với nhiều vấn đề

Ngoài các vấn đề lỗi kỹ thuật bủa vây chương trình này, khi ngành hàng không quân sự Nga vẫn còn bị đè nặng bởi những tàn dư công nghệ - kỹ thuật của chế độ trước trong thời kì hậu Chiến tranh Lạnh. Nước Nga cũng đã phải vật lộn với việc phát triển và sản xuất thế hệ máy bay tàng hình mới. Hơn nữa, nền kinh tế Nga đã chịu nhiều tổn hại bởi giá dầu giảm và các lệnh trừng phạt từ Mỹ, phương Tây, đặc biệt là chiến sự tại bán đảo Crimea. Vì thế, Bộ Quốc Phòng Nga đã liên tục điều chỉnh cắt giảm ngân sách nên họ không thể mua được số lượng Su-57 như dự kiến.

Hiện tại, Moscow đang nỗ lực chốt các đơn hàng Su-57 từ nước ngoài và nhanh chóng xuất khẩu để bù đắp vào chi phí sản xuất thiếu hụt. Chiến lược “gối đầu” này thực hiện theo hướng tương tự với xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata (MBT), trong đó bao gồm các chiến dịch quảng bá và trưng bày sản phẩm tại diễn đàn vũ khí quốc tế Army-2020 vừa qua.

Giám đốc Tổ hợp Công nghiệp Hàng không Rosect, ông Anatoly Serdyukov nói với hãng Thông tấn Nga TASS rằng, hiện tại vẫn chưa nhận định được điều gì cho đến khi chiếc Su-57 đầu tiên xuất xưởng và bàn giao tới tay quân đội Nga.

Vì vậy, mục tiêu ưu tiên hàng đầu của họ là gấp rút chuyển giao công nghệ mới này cho Lực lượng vũ trang Nga. Đồng thời, Rosect sẽ có kế hoạch xuất khẩu Su-57 sang nước ngoài và tăng cường triển khai các chiến dịch quảng cáo song song về sản phẩm mới này đến khách hàng. Tuy nhiên, ông không tiết lộ chính xác khách hàng cụ thể đến từ đâu và quốc gia nào có thể nằm trong danh sách khách hàng tiềm năng của Nga sắp tới.

Chiến dịch “thả thính”

Đối với một “ông lớn” thường xuyên bán khí tài quân sự cho các đối tác trên khắp thế giới thì việc đẩy mạnh quảng bá chương trình Su-57 gần như là một bước chuyển mình của ngành xuất khẩu vũ khí ở nước này, trong tình thế cạnh tranh như hiện nay.

Trước đó, nhà sản xuất đã liên tục “thả thính” sản phẩm mới của họ như trường hợp của chiếc Sukhoi Su-57 sử dụng ở Syria vào năm 2018- 2019. Hồi tháng 5/2019, Tổng thống Vladimir Putin cho biết, 76 máy bay chiến đấu Su-57 sẽ được trang bị cho lực lượng không quân Nga cho đến năm 2028. Điều này góp phần củng cố độ tin cậy vào chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm mới.

Cũng theo TASS, người phát ngôn của Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật - Quân sự Liên bang Nga Maria Vorobyova trước đó đã tiết lộ rằng, một số quốc gia đã gửi đơn đặt hàng Su-57 chính thức, đồng thời cho biết thêm rằng, vấn đề quảng bá sản phẩm đang được khẩn trương tiến hành.

Sukhoi Su-57 là máy bay đầu tiên của Nga sử dụng công nghệ tàng hình, thiết kế với khả năng siêu vượt trội, siêu hành trình và hệ thống điện tử hàng không tiên tiến. Máy bay Su-57 đầu có khả năng đối chọi trực tiếp với các dòng máy bay tấn công hiện thời, cũng như qua mặt thống phòng thủ trên bộ và trên biển.

Máy bay Su-57 có thể hoạt động ở vận tốc siêu âm, có khoang chứa vũ khí hạng nặng bên trong, bên ngoài phủ lớp hấp thụ sóng vô tuyến giúp máy bay gần như tàng hình và các thiết bị tối tân được tích hợp trên máy bay. Su-57 tiên tiến được phát triển để tiêu diệt mọi loại mục tiêu trên không, trên mặt đất và trên mặt nước.

Theo một số nguồn tin bên lề, Algeria, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kì được dự đoán là những khách hàng tiềm năng của dòng tiêm kích Su-57. Đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ, một cái tên sáng giá được cho là có thể đặt hàng Su-57 bổ sung vào lực lượng quân đội. Trước đó, nước này đã vấp phải những phản ứng mạnh mẽ từ Mỹ và các đồng minh NATO vì đã bất chấp cacr chỉ trích để mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 do Nga sản xuất.

Cũng trong năm ngoái, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan xác nhận, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đang đàm phán một thỏa thuận liên quan đến máy bay chiến đấu bí mật. Những sự kiện trên được coi là động thái lôi kéo Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần Nga, “quay lưng” với Mỹ và NATO.

(theo National Interest)