Trên thực tế, khó có thể đánh giá hiệu quả của các biện pháp trừng phạt mà EU áp dụng với Nga. (Nguồn: Reuters) |
Sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vào Ukraine (ngày 24/2), Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và một số nước khác đã nhanh chóng áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt ngoại giao và kinh tế trên phạm vi rộng đối với Moscow.
Nga đã bị loại khỏi Hội đồng châu Âu và bỏ phiếu khỏi Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc. Các nhà ngoại giao nước này đã bị nhiều quốc gia phương Tây trục xuất.
Các lệnh cấm đi lại được đưa ra nhằm ngăn chặn các chính trị gia và nhà tài phiệt Nga nhập cảnh hoặc quá cảnh qua lãnh thổ Mỹ, EU.
Về mặt kinh tế, các biện pháp trừng phạt được áp dụng, bao gồm cả việc đóng băng tài sản ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Nga ở nước ngoài. Một số ngân hàng của Nga đã bị ngắt kết nối với hệ thống tin nhắn tài chính toàn cầu SWIFT.
Theo đó, các nước phương Tây đóng băng khoảng một nửa dự trữ ngoại hối của Nga - tầm 315 tỷ USD, đồng thời đưa ra các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mạnh mẽ.
Ví dụ, Mỹ và châu Âu đã cấm xuất khẩu vào Nga các mặt hàng công nghệ tiên tiến và công nghệ lưỡng dụng, bao gồm một loạt máy móc, vật liệu công nghiệp, các sản phẩm gỗ, sắt-thép, công cụ gia công kim loại, thủy tinh cũng như thiết bị điện…
Tuy nhiên, 6 tháng sau chiến dịch quân sự của Nga, xung đột ở Ukraine vẫn đang tiếp diễn. Mặc dù Kiev gần đây đã giành lại một số vùng lãnh thổ ở khu vực phía Đông đất nước, nhưng triển vọng kết thúc xung đột vẫn còn rất mờ mịt.
Vậy, phải chăng các lệnh trừng phạt đã thất bại?
Trên thực tế, khó có thể đánh giá hiệu quả của các biện pháp trừng phạt.
Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế phương Đông ở Vladivostok hôm 7/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, đất nước của ông đang đối phó với “chiến dịch kinh tế" của phương Tây.
Ông Putin cảnh báo, thay vì mang lại hiệu quả mà phương Tây mong muốn, các lệnh trừng phạt đang làm xói mòn chất lượng cuộc sống của chính người dân châu Âu và các nước nghèo hơn đang mất khả năng tiếp cận lương thực, thực phẩm.
Tất nhiên, quan điểm của EU hoàn toàn trái ngược. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen gọi các biện pháp trừng phạt Nga là "khó khăn nhất mà thế giới từng thấy".
Trong bài phát biểu thường niên trước Nghị viện châu Âu (EP) ở Strasbourg (Pháp) ngày 14/9, bà von der Leyen tuyên bố, các biện pháp trừng phạt đã có hiệu lực và lĩnh vực tài chính của Nga đang bị ảnh hưởng.
Một số sự thật có thể được tìm thấy trong cả hai câu chuyện trên của 2 nhà lãnh đạo. Nhưng ở giai đoạn này, khó có thể đánh giá chính xác hiệu quả của các biện pháp trừng phạt vì hai lý do: Khung thời gian và khả năng tiếp cận dữ liệu.
Khi nói đến đánh giá tác động của các lệnh trừng phạt kinh tế, 6 tháng thường là quá ngắn. Các nhà kinh tế học tin rằng, cuộc tranh luận thực sự về lệnh trừng phạt Nga sẽ kéo dài tới sau năm 2022.
Thách thức thứ hai là lựa chọn và truy cập dữ liệu đáng tin cậy.
Một con số thường được sử dụng để đo lường tác động của các lệnh trừng phạt là Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở quốc gia bị trừng phạt.
Vào tháng 4, Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo GDP của Nga sẽ giảm 8,5% trong năm 2022. Tuy nhiên, hiện Quỹ tuyên bố “ngạc nhiên” về sức chống chịu của nền kinh tế Nga, đồng thời dự báo GDP của nước này chỉ giảm 6%.
Một con số biểu thị tương tự là tỷ lệ lạm phát. Nhưng cũng như với GDP, không thể thiết lập một mối quan hệ nhân quả rõ ràng và đơn lẻ giữa các biện pháp trừng phạt và lạm phát.
Tin liên quan |
Kinh tế Nga có ‘khô héo’ khi lợi thế ‘quả đấm thép’ năng lượng mờ dần? |
Theo Phó Thủ tướng Nga Andrei Belousov, lạm phát ở nước này trong năm 2022 sẽ ở mức 12-13%. Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn.
Khi nhìn vào doanh số bán ô tô ở Nga, người ta lại đưa ra một cách hiểu khác, đặc biệt trong bối cảnh các hộ gia đình có xu hướng thắt chặt chi tiêu trong thời kỳ lạm phát cao.
Doanh số bán ô tô trong tháng 3/2022 thấp hơn ba lần so với tháng 3/2021. Đến tháng 9/2022, sản lượng ô tô ở Nga đã giảm 3/4 so với cùng kỳ năm ngoái.
Một động lực tương tự có thể được quan sát thấy trong ngành hàng không. Ví dụ, hãng hàng không Nga Aeroflot đã phải dừng bay một số tàu bay vì hỏng hóc thiết bị trong khi không còn phụ tùng thay thế.
Tương tự, quân đội Nga được cho là đang lấy chip từ máy rửa bát và tủ lạnh để sửa chữa các thiết bị quân sự vì không có chất bán dẫn.
Điều này cho thấy rằng, hệ thống kiểm soát xuất khẩu của phương Tây đang hoạt động hiệu quả. Theo một số ước tính, nhập khẩu của Nga trong tháng 4/2022 đã giảm tới 70-80% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, các đòn trừng phạt luôn là con dao hai lưỡi
Khi Nga thực hiện các biện pháp đáp trả, một số nhà hoạch định chính sách ở phương Tây có thể đã đánh giá thấp hậu quả. Một ví dụ chính về vấn đề này là chi phí năng lượng tăng theo cấp số nhân.
Với 40% khí đốt ở châu Âu có nguồn gốc từ Nga, nguồn cung và giá cả loại nhiên liệu này đã trở thành những vấn đề quan trọng hàng đầu trong đời sống hằng ngày khi châu lục này đang chuẩn bị bước vào mùa Đông lạnh giá.
Doanh số bán ô tô tại Nga trong tháng 3/2022 thấp hơn ba lần so với tháng 3/2021. (Nguồn: AP/AAP) |
Không có gì ngạc nhiên khi viễn cảnh các hộ gia đình châu Âu phải sống trong giá lạnh xuất hiện nổi bật trên các tờ báo ở Đức, Pháp và Italy. Tuy nhiên, hậu quả kinh tế đối với các nền kinh tế lớn này của châu Âu có thể còn tồi tệ hơn. Ở Đức, có những tính toán rằng, việc ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga sẽ khiến GDP giảm 3%.
Hiện tại, 78% người dân châu Âu được khảo sát vẫn đang ủng hộ các biện pháp trừng phạt mà EU áp đặt lên Moscow. Nhưng nhiều người cũng nhận ra rằng, họ đã phải trả giá. Ở Đức, 51% người được khảo sát tin rằng các lệnh trừng phạt thực sự đang gây tổn hại cho nước này nhiều hơn là Nga.
Các biện pháp trừng phạt cũng không ngăn được Moscow tiếp tục chiến dịch quân sự ở Ukraine. Và, ít nhất vào thời điểm hiện tại, sức ảnh hưởng của Tổng thống Putin ở Nga vẫn còn mạnh mẽ.
Điều này có nghĩa là hiệu quả ngắn hạn của các lệnh trừng phạt Moscow có thể ít hơn so với hy vọng ban đầu tuy rằng đã có những dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự căng thẳng đáng kể đối với nền kinh tế Nga. Và theo giới phân tích, có khả năng căng thẳng này sẽ gia tăng vào năm 2023 và những năm tiếp theo.
Nói một cách tổng quát hơn, điều quan trọng, phải thừa nhận rằng, việc đánh giá các biện pháp trừng phạt để đo lường tác động và quan hệ nhân quả đang thiếu nhiều dữ liệu quan trọng và chưa đủ thời gian.
Trong bối cảnh đối đầu trực tiếp, Mỹ, EU và các đồng minh có rất ít lựa chọn thay thế để đáp trả hành động của Nga. Quan trọng hơn, rõ ràng là cuối cùng, cuộc khủng hoảng Ukraine chỉ có thể được giải quyết bằng con đường ngoại giao.
| Bất động sản mới nhất: Nghịch lý hàng ế nhưng giá vẫn ‘trên trời’, sốt đất có thể ‘tái diễn’ vào cuối năm, thêm dự án bị thu hồi đất Dự đoán diễn biến thị trường địa ốc sau quyết định ‘nới room’ tín dụng, giá nhà vẫn cao ngất ngưởng dù thanh khoản kém, ... |
| Kinh tế Nga có ‘khô héo’ khi lợi thế ‘quả đấm thép’ năng lượng mờ dần? Giới chuyên gia nhận định, việc Nga “phản đòn” các lệnh trừng phạt đang làm suy yếu nền kinh tế Nga và sẽ phá hủy ... |
| Ảnh ấn tượng tuần (12-18/9): Xe tăng Ukraine trên đường Kharkov, lý do Tổng thống Nga đánh giá cao Trung Quốc, tập trận ở Colombia Xung đột Nga-Ukraine, Kiev thông báo lấy lại một khu vực ở Kharkov, lãnh đạo Nga-Trung Quốc gặp nhau bên lề Thượng đỉnh SCO, cháy ... |
| Gia hạn lệnh trừng phạt, EU tiếp tục 'giáng đòn' chưa từng có làm suy yếu nền kinh tế Nga Hội đồng châu Âu (EC) đã quyết định gia hạn thời gian thực hiện các biện pháp trừng phạt nhằm vào các cá nhân và ... |
| Không có châu Âu, khí đốt Nga có thể bán chạy ở các lục địa khác; EU gia hạn trừng phạt Moscow Ngày 14/9, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết, việc các khu vực đang phát triển trên thế giới quan ... |