Vụ thử tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân (ICBM) Sarmat RS-28 của Nga. (Nguồn: creativebuzz) |
Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình nhà nước Nga Rossiya 24, Giám đốc Cơ quan Vũ trụ liên bang Nga Roscosmos Dmitry Rogozin cho hay, đơn vị quân đội được trang bị tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Sarmat sẽ đặt trụ sở tại Uzhur, trong vùng Krasnoyarsk, cách Moscow khoảng 3.000 km về phía Đông.
Ông Rogozin tiết lộ thêm rằng, việc triển khai đơn vị này sẽ bắt đầu vào mùa thu năm nay.
Trước đó, ngày 21/4, Nga cho biết họ đã tiến hành vụ phóng thử tên lửa đạn đạo Sarmat đầu tiên.
Quân đội Nga cho biết tên lửa đã được phóng từ khu vực Plesetsk ở phía Tây Bắc của nước này và đánh trúng các mục tiêu ở bán đảo Kamchatka ở Viễn Đông.
Trước đó, nói về tên lửa Sarmat, Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá: "Tổ hợp mới có các đặc tính kỹ thuật và chiến thuật cao nhất, có khả năng vượt qua tất cả các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại".
Theo ông Putin, Sarmat không có đối thủ cạnh tranh trên thế giới ở cả hiện tại và "trong một thời gian dài nữa".
RS-28 Sarmat là hệ thống ICBM hiện đại nhất của Nga, được triển khai trong các hầm phóng silo mặt đất. Tên lửa dài hơn 35m, nặng 208 tấn, trong đó khoảng 180 tấn là nhiên liệu lỏng, đạt tầm bắn 18.000km, đủ sức cõng khối đầu đạn nặng 10 tấn, lớn nhất thế giới.
Với tầm bắn xa và hành trình bay phức tạp, Sarmat gần như không thể đánh chặn ở các pha bay đầu tiên. Izvestia nói rằng tên lửa cũng được trang bị mồi bẫy, hệ thống gây nhiễu và một số thiết bị đặc biệt khác để đảm bảo khả năng vô hiệu hóa các hệ thống phòng thủ đa tầng của đối phương.
| Liệu Nga có sử dụng tên lửa Sarmat - ‘vũ khí ngày tận thế’? Chuyên gia quân sự Nga Yuri Knutov đánh giá tên lửa Sarmat có thể vượt qua mọi hệ thống phòng thủ tên lửa. |
| Nga tiết lộ vụ thử tên lửa Sarmat, Liên hợp quốc lên tiếng Nga đã phóng thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Sarmat đầu tiên trong khuôn khổ các cuộc thử nghiệm cấp nhà ... |