📞

Nga không nổ súng, kinh tế Ukraine vẫn 'bị thương'

Minh Anh 08:00 | 20/02/2022
Mặt trận kinh tế đang diễn ra trong căng thẳng Nga-Ukraine cũng mang tính quyết định không kém mặt trận chính trị, quân sự.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. (Nguồn: RFE/RL Graphics)

Trên trang web của Hội đồng Đại Tây Dương (Atlanticcouncil.org), giới phân tích nhận định, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khiến nền kinh tế Ukraine thiệt hại nặng nề mà không cần bắn một phát súng nào. Phương Tây cũng không thể khoanh tay đứng nhìn điều này diễn ra, bởi mặt trận kinh tế trong căng thẳng Nga-Ukraine cũng mang tính quyết định như mặt trận quân sự.

Hiệu quả bất ngờ của chiến thuật đe dọa

Khi chi phí khổng lồ của cuộc khủng hoảng hiện tại tiếp tục tăng lên, các nhà lãnh đạo phương Tây phải đẩy mạnh việc cung cấp và hỗ trợ tài chính đáng kể cho Ukraine, giống như họ đã làm trong năm 2014-2015.

Đồng thời, chính phủ Ukraine cần khẩn trương quay trở lại chương trình nghị sự nhằm cải cách toàn diện để đưa nền kinh tế của đất nước phát triển ổn định hơn trong dài hạn.

Trong nhiều năm qua, tình hình biên giới Nga-Ukraine vẫn được ví như một "lò than" âm ỉ, với giao tranh giữa quân đội chính phủ Ukraine và phe ly khai miền Đông được Nga hậu thuẫn. Tiếp thêm sức nóng cho căng thẳng khu vực là nỗ lực không ngừng của Ukraine nhằm tăng cường quan hệ với phương Tây, hướng tới mục tiêu trở thành một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) – điều mà Nga khó có thể chấp nhận.

Kể từ tháng 11/2021, với lý do phòng thủ, Nga đã điều động hơn 130.000 quân tới khu vực giáp biên giới Ukraine, vây kín các phía Bắc, phía Đông và phía Nam. Hoạt động quân sự này được mô tả là lớn nhất ở châu Âu trong ba thập kỷ qua và làm dấy lên lo ngại về cuộc xung đột lớn nhất của lục địa kể từ Thế chiến II.

Không có gì đáng ngạc nhiên, những động thái của Tổng thống Putin đã có thể khiến cộng đồng doanh nghiệp quốc tế lo ngại theo một số cách. Vào giữa tháng 1, do gặp các vấn đề về ngân sách, nợ công và năng lực cạnh tranh kém, lãi suất hàng năm trên Eurobond của Ukraine (trái phiếu được phát hành bằng một đồng tiền khác với đồng nội tệ) đã tăng lên trên 10%, tước đi hiệu quả quyền tiếp cận thị trường tài chính quốc tế của quốc gia này. Chính phủ Ukraine và các công ty lớn của nước này đều không thể phát hành trái phiếu quốc tế nữa.

Một đòn khác đánh trúng vào đồng nội tệ Ukraine. Sự mất giá của đồng Hryvnia (UAH) đã khiến giá trị đồng tiền này giảm xuống mức thấp tính theo năm so với đồng USD.

Trong khi đó, gần như tất cả các dự án đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài đã không còn. Do tình hình chính trị-xã hội bấp bênh, các doanh nghiệp ngày càng miễn cưỡng trong việc thực hiện các cam kết tài chính, còn một số công ty đa quốc gia đã buộc nhân viên quốc tế phải rời khỏi đất nước này.

Hiện tại, việc đảm bảo an toàn cho các hoạt động kinh tế đã trở thành một vấn đề đau đầu đối với nền kinh tế Ukraine. Những hoạt động trong lưu chuyển thương mại và du lịch đến Ukraine luôn có rủi ro thường trực. Không cần phải nói, lo ngại đã khiến ngành du lịch và kinh doanh lữ hành tại quốc gia này coi như bất động.

Mặc dù chưa có số liệu chính xác, nhưng sẽ hợp lý nếu giả định rằng, mối đe dọa về "một cuộc xâm lược toàn diện" của Nga đã khiến Ukraine mất hàng tỷ USD, mà nước này không có khả năng chi trả. Khó định lượng hơn là chi phí cơ hội về tiềm năng kinh tế bị mất đi trong tương lai, không thể đo đếm được.

Nói một cách đơn giản, các chiến thuật đe dọa của Tổng thống Nga Putin đã rất hiệu quả để khóa nền kinh tế Ukraine trong khó khăn và dễ dàng bị tổn thương trước sức ép của Điện Kremlin.

Cách duy nhất để Ukraine "thắng" Nga

May mắn thay, xuất phát điểm tài chính của Ukraine vào đầu cuộc khủng hoảng này được đánh giá khá tốt. Nợ công của đất nước này đã giảm xuống dưới 50% GDP, trong khi nền kinh tế được hưởng lợi rất nhiều từ mặt bằng giá hàng hóa nông nghiệp và quặng sắt tăng cao trong 2 năm qua.

Vào cuối năm 2021, dự trữ tiền tệ quốc tế của Ukraine đạt 31 tỷ USD, mức cao nhất trong một thập kỷ. Trong khi đó, Ukraine vẫn còn các nghĩa vụ nợ nước ngoài đáng kể phải đáp ứng. Theo đánh giá của Dragon Capital, nhu cầu nguồn vốn bên ngoài trong năm nay là 8,5 tỷ USD, trong đó 5 tỷ USD sẽ tài trợ cho thâm hụt ngân sách và 2,5 tỷ USD cho khoản nợ nước ngoài.

Các đối tác phương Tây đã cấp cho Ukraine nguồn tài chính tài trợ đáng kể. IMF dự kiến sẽ sớm gửi tới Ukraine một phái đoàn được cho là có ý định ký kết một thỏa thuận mới ngoài 2,2 tỷ USD còn lại của Thỏa thuận dự phòng trị giá 5 tỷ USD sẽ được giải ngân vào mùa Xuân năm 2022.

Liên minh châu Âu (EU) đã cung cấp cho Kiev 1,2 tỷ Euro nhằm hỗ trợ mảng tài chính kinh tế vĩ mô. Pháp cũng đã "tặng" số tiền tương tự, chủ yếu dưới dạng tín dụng để mua đầu máy xe lửa của Tập đoàn Alstom (Pháp) cho nhà khai thác Ukraine. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đề nghị bảo lãnh khoản vay 1 tỷ USD, trong khi Canada đề nghị 0,5 tỷ USD. Nhìn chung, các con số này chiếm khoảng 6,4 tỷ USD.

Ngoài ra, Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng tái thiết & phát triển châu Âu mỗi tổ chức đều có thể đã cam kết cung cấp khoảng 1 tỷ USD trong năm nay. Thêm cam kết từ một số Quỹ song phương, thì tổng hỗ trợ tài chính của Ukraine vào năm 2022 sẽ đạt khoảng 10 tỷ USD.

Giới chuyên gia quốc tế cho rằng, ngay khi cuộc khủng hoảng hiện nay đi đến hồi kết, cộng đồng quốc tế, mà điển hình là Ngân hàng Thế giới, nên tổ chức một cuộc họp các nhà tài trợ cho Ukraine để vận động và điều phối các cam kết này. Thụy Sỹ sẽ tổ chức hội nghị cải cách Ukraine hàng năm ở Lugano vào đầu tháng 7. Hội nghị này sẽ là một cơ hội tốt để tổng kết các tài trợ cho Ukraine năm 2022.

Tuy nhiên, trong khi hỗ trợ kinh tế quốc tế cho Ukraine là điều đáng hoan nghênh và cần thiết, nhưng đổi lại, phương Tây không nên và không thể cung cấp hỗ trợ nguồn tài chính đáng kể như vậy mà không đặt ra điều kiện. Những điều kiện này rất rõ ràng là, Ukraine phải nỗ lực khởi động lại các cải cách kinh tế và quản trị mà chính chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelenskyy đã ngừng hoặc cho phép chậm trễ.

Quan trọng nhất, Ukraine cần thực hiện cải cách tư pháp thực sự. Các tòa án cấp cao nhất của đất nước này phải được thanh lọc triệt để các thẩm phán tham nhũng và sau đó được sử dụng để làm sạch các tòa án cấp dưới. Song song đó, văn phòng tổng công tố và Cơ quan An ninh Ukraine cần được phi chính trị hóa.

Thứ hai, thị trường năng lượng vốn phát triển không có kế hoạch của Ukraine cần phải được tự do hóa và được quản lý hợp lý hơn. Sự chênh lệch lớn giữa các mức giá khác nhau cho cùng một loại năng lượng cần phải được loại bỏ và chính phủ phải thực hiện được các nghĩa vụ của mình. Sản xuất khí đốt tự nhiên tư nhân cần được tạo điều kiện để Ukraine cuối cùng có thể tự cung tự cấp. Nước này cũng cần theo đuổi quá trình khử carbon trong sản xuất điện.

Chính quyền Tổng thống Zelensky cũng phải nỗ lực đổi mới cách quản trị các doanh nghiệp nhà nước lớn. Điều này có nghĩa là phải có đội ngũ quản lý mới có năng lực và một ban giám sát độc lập đối với các công ty lớn, với quyền lựa chọn lãnh đạo cao nhất và thông suốt các kế hoạch tài chính, cũng như chiến lược.

Giới phân tích cũng cho rằng, thẩm quyền của các bộ trưởng trong chính phủ cần được thiết lập lại. Các bộ trưởng nên được bổ nhiệm trên cơ sở thẩm quyền chứ không phải vì quan hệ cá nhân thân thiết với Văn phòng Tổng thống. Các bộ trưởng cũng cần có thời gian đương nhiệm hợp lý để chứng tỏ bản thân.

Trên thực tế, dưới thời Tổng thống Zelensky, Ukraine đã có tới 7 bộ trưởng năng lượng và 5 bộ trưởng kinh tế, không ai trong số họ có đủ thời gian để hoàn thành công việc. Các bộ trưởng phải có thẩm quyền về chính sách hồi phục kinh tế và không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi các mệnh lệnh từ một nhóm của tổng thống.

Với sự ủng hộ của quốc tế và ý chí chính trị đầy đủ, cuộc khủng hoảng hiện tại cuối cùng có thể sẽ đưa Ukraine đi đúng hướng, hướng tới một nền kinh tế mạnh hơn và pháp quyền. Đây là cách duy nhất để đạt được mức sống cao hơn và chất lượng cuộc sống tốt hơn, điều đó sẽ báo hiệu chiến thắng cuối cùng của Ukraine trong cuộc đối đầu văn minh với nước Nga của Tổng thống Putin.