📞

Nga phản đối Mỹ triển khai thêm quân ở Đông Âu

15:17 | 31/03/2016
Nga tuyên bố sẽ đáp trả thích đáng đối với động thái Mỹ đưa thêm một lữ đoàn thiết giáp tới Đông Âu.
Lữ đoàn thiết giáp của Mỹ tại châu Âu. (Nguồn: Reuters)

Ngày 30/3, Đặc phái viên của Nga tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Aleksandr Grushko khẳng định: “Chúng tôi không phải là những người chỉ biết quan sát thụ động. Chúng tôi luôn áp dụng mọi biện pháp quân sự cần thiết để đối trọng lại sự tăng cường hiện diện không gì có thể biện minh này của Mỹ”. Tuy nhiên, ông Grushko không diễn giải cụ thể về tuyên bố nói trên.

Trước đó, Bộ Tư lệnh Mỹ tại châu Âu thông báo, một lữ đoàn thiết giáp sẽ được triển khai luân phiên 9 tháng, bắt đầu từ tháng 2/2017, và sẽ tiến hành tập trận quân sự ở các nước Estonia, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Romania, Bulgaria và Hungary. Tướng Philip Breedlove, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Mỹ tại châu Âu, khẳng định kế hoạch này cho thấy cách tiếp cận “mạnh mẽ và cân bằng” của Mỹ nhằm trấn an các đồng minh và đối tác NATO trước sự trỗi dậy của Nga. Một số nhà phân tích cho rằng động thái này của quân đội Mỹ là bước đi chuẩn bị cho thời “hậu Obama” khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang gần kề.

Việc điều thêm một lữ đoàn thiết giáp tới Đông Âu sẽ nâng tổng quân số hiện diện thường xuyên tại đây lên 3 lữ đoàn. Mỗi lữ đoàn của Mỹ sẽ hoạt động luân phiên nhau tại khu vực trong thời gian 9 tháng trước khi bị thay thế. Mỗi đơn vị khi được điều động trở lại sẽ mang theo những thiết bị hiện đại và tiên tiến hơn, và dần thay thế các thiết bị huấn luyện đang sử dụng ở châu Âu. Một lữ đoàn thiết giáp đặc trưng của Mỹ có khoảng 4.500 binh sỹ cùng các xe tăng, xe quân sự khác.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tháng trước công bố ngân sách đề xuất của Lầu Năm Góc cho năm tài khóa tới, trong đó số tiền chi cho các hoạt động quân sự ở châu Âu tăng 4 lần so với năm ngoái, lên mức 3,4 tỷ USD.

Cùng ngày 30/3, ông Alexsandr Grushko cũng lên tiếng chỉ trích đề xuất của tướng Philip Breedlove về việc nối lại hoạt động của máy bay do thám U-2 ở không phận các nước Baltic. Ông Grushko cho rằng “đây chỉ là chiêu bài tuyên truyền của Mỹ hơn là một mối đe dọa thực sự”. Ông nói thêm rằng: “Cơ hội hợp tác chỉ còn khi các nước NATO nhận thức được rằng chính sách đối đầu của họ đang đi ngược lại lợi ích của chính họ. Hiện chẳng có rào cản kỹ thuật nào với cơ hội hợp tác này. Chúng tôi hy vọng sớm hay muộn mọi mối quan hệ mà chúng ta từng có và từng rất hiệu quả sẽ được tái lập”.
(tổng hợp)