Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Putin bên lề hội nghị thượng đỉnh SCO tại Uzbekistan hôm 15/9. (Nguồn: AFP) |
Thách thức ảnh hưởng của phương Tây
Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì ngày 12/9 cho biết Trung Quốc sẽ duy trì quan hệ đối tác với Nga với hy vọng tạo ra một trật tự quốc tế mới mà sẽ thách thức ảnh hưởng của phương Tây.
Hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Dương Khiết Trì cho biết "phía Trung Quốc sẵn sàng làm việc với phía Nga để không ngừng triển khai mối quan hệ hợp tác chiến lược cấp cao giữa 2 nước, bảo vệ lợi ích chung và thúc đẩy sự phát triển của trật tự quốc tế".
Ông Dương Khiết Trì đưa ra các phát biểu trên trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine và phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Moscow.
Tuy nhiên, các động thái trừng phạt Nga dường như đã đưa Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 15/9, trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Ông Tập Cận Bình đã tái khẳng định lập trường của Bắc Kinh là ủng hộ Moscow. Ngoài sự tương đồng giữa 2 bên trong mục tiêu chiến lược là đối trọng lại với Mỹ và phương Tây, Trung Quốc còn nhắm vào nhiều mối lợi khác khi siết chặt thêm quan hệ với Nga.
Cho đến nay, về xung đột Nga-Ukraine, Trung Quốc không công khai ủng hộ, nhưng cũng không lên án hành động của Nga. Bắc Kinh chỉ trích các biện pháp trừng phạt mà phương Tây nhắm vào Moscow và việc phương Tây bán vũ khí cho Ukraine. Bắc Kinh cũng đã mở rộng quan hệ đối tác thương mại với Nga khi nước này đang gặp khó khăn trong hợp tác kinh tế.
Theo Bloomberg, khoảng 81% lượng ô tô nhập khẩu của Nga trong quý II vừa qua đến từ Trung Quốc, trong khi thương hiệu điện thoại Xiaomi của Trung Quốc đã trở nên phổ biến nhất ở Nga trong cùng thời kỳ.
Trung Quốc cũng là nước tiêu thụ nhiên liệu đáng kể và đáng tin cậy của Nga. Trung Quốc mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga với mức chiết khấu cao.
Thỏa thuận này đã mang lại lợi ích cho cả 2 quốc gia, giúp Nga có được một đối tác mua các nguồn năng lượng của mình, trong khi Trung Quốc sử dụng "lộc trời cho" này để bán lại năng lượng với giá cao hơn.
Khi thực sự cần nhau
Rebekah Koffler, cựu sĩ quan của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) chia sẻ với Fox News Digital rằng "Nga và Trung Quốc đang xây dựng một đường ống khổng lồ trị giá 55 tỷ USD với tên gọi 'Sức mạnh Siberia' nhằm vận chuyển khí đốt từ Siberia đến Thượng Hải".
Ông nhận định: "Đây là một bước phát triển lớn có tầm quan trọng chiến lược trong bối cảnh Tổng thống Putin đang xoay trục mạnh mẽ sang châu Á. Điện Kremlin hẳn đã kết luận rằng mối quan hệ Nga-Mỹ khó có thể cứu vãn, và các lệnh trừng phạt mà Mỹ và phương Tây nhắm vào Nga là vô thời hạn".
Nga và Trung Quốc cũng đã làm việc cùng nhau để chuyển tiền đến Trung Quốc bằng đồng Nhân dân tệ mà không cần sử dụng hệ thống thanht toán SWIFT, giúp Nga vượt qua các lệnh trừng phạt quốc tế và hướng tới mục tiêu của Trung Quốc là giảm ảnh hưởng của đồng USD.
Ông Koffler nhận định: “Nga đã thiết lập một phương thức chuyển thanh toán để chuyển đổi tiền điện tử sang đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, bỏ qua SWIFT", đồng thời cho biết thêm rằng Bộ Tài chính Nga cũng đã thông báo nước này "đang chuyển sang giao dịch bằng đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, ủng hộ mục tiêu chiến lược của Trung Quốc là đưa đồng Nhân dân tệ thay thế đồng USD trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế chính vào năm 2049".
Theo bà Yun Sun, Giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson ở Washington (Mỹ), với tư cách là cường quốc hạt nhân quan trọng thứ 2 trên thế giới, “Nga là một tác nhân địa-chính trị khó có thể bị lơ là”.
Đối với Bắc Kinh, Moscow là đối tác chính để làm đối trọng với Washington trên trường quốc tế. Chuyên gia Yun Sun cho rằng nếu Nga “bị suy yếu trong xung đột với Ukraine, điều đó không hẳn là tin xấu đối với Trung Quốc vì Bắc Kinh nhờ đó sẽ có thêm nhiều ưu thế hơn trong quan hệ song phương”. Ở chiều ngược lại, theo ông Hal Brands, Giáo sư về quan hệ quốc tế tại Viện John Hopkins ở Washington (Mỹ) “với việc vị thế của Nga bị suy yếu, Tổng thống Putin sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ Trung Quốc”.