Sau nhiều tháng bế tắc, đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine lại được nhắc tới. (Nguồn: MNA) |
Lâu nay, đàm phán giữa Nga và Ukraine bị gián đoạn bởi quan điểm đối đầu của hai phía. Trong khi Ukraine đặt ưu tiên khôi phục các đường biên giới, thì Nga lại nhấn tới các yếu tố bảo đảm an ninh với nước này. Ông Volodymyr Zelensky thậm chí còn ban bố sắc lệnh không đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tuy nhiên, xung đột càng kéo dài thì hậu quả càng lớn, đặt Moscow và Kiev trước những thách thức nặng nề. Với Nga, sự đổ vỡ trong quan hệ với Mỹ và châu Âu cùng các lệnh cấm vận của phương Tây đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước này. Còn với Ukraine, GDP trong năm 2022 dự kiến sẽ giảm tới 35%.
Với thế giới, xung đột Nga-Ukraine làm gián đoạn các nguồn cung nhiên liệu, lương thực và phân bón. Hệ quả là châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng, lạm phát; nhiều nước châu Phi thì đứng trước nguy cơ thiếu đói. Nhiều nước châu Âu bắt đầu lo ngại thái độ cự tuyệt đàm phán của Ukraine bởi gánh nặng trợ giúp quá kéo dài.
Trên chiến trường, mùa Đông đã cận kề, cố tìm ưu thế mà ngoảnh mặt với các cơ hội đàm phán không phải là điều khôn ngoan. Trong bối cảnh đó, cả Nga và Ukraine đều phải tính đến các khả năng đàm phán.
Cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak cho biết nước này chưa bao giờ từ chối đàm phán với Moscow.
Còn Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko thì tuyên bố: “không có điều kiện tiên quyết nào” từ phía Nga, ngoại trừ điều kiện Ukraine thể hiện thiện chí.
Trước mắt, dù Moscow và Kiev chưa đề cập cụ thể đến vòng đàm phán mới nhưng giọng điệu của hai bên đã không còn quá gay gắt. Nó tạo hy vọng cánh cửa hòa đàm sẽ hé mở.