Nhiều người dân Ukraine phải rời bỏ nhà cửa trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine leo thang căng thẳng. (Nguồn: Financial Times) |
Mở lối cho hành lang nhân đạo
Ngày 20/3, Nga yêu cầu lực lượng Ukraine tại thành phố Mariupol đang bị bao vây hạ vũ khí để đổi lấy lối đi an toàn khỏi thị trấn, song Kiev đã từ chối đề nghị này.
Yêu cầu của Nga được đưa ra vài giờ sau khi quân đội tấn công một tòa nhà mà giới chức Ukraine tuyên bố là một trường nghệ thuật, nơi khoảng 400 người đang tạm trú.
Đại tá Mikhail Mizintsev cho biết Nga sẽ cho phép thiết lập 2 hành lang nhân đạo từ 10h sáng ngày 20/3 (theo giờ Nga) dẫn ra khỏi thành phố ven biển, hướng về phía Đông để sang Nga hoặc phía Tây tới các vùng khác của Ukraine.
Theo hãng tin Reuters, Mariupol là một trong những khu vực bị ném bom nặng nề nhất từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ngày 24/2. Kiev cho biết khoảng 400.000 người vẫn mắc kẹt trong thành phố với nguồn lương thực, nước sạch và điện khá hạn chế. Nga và Ukraine liên tục đổ lỗi cho nhau về việc không thể mở các hành lang nhân đạo trong những tuần gần đây.
Nga khẳng định không nhắm vào dân thường, không sử dụng vũ khí hạng nặng trong cuộc bao vây Mariupol. Moscow cho biết đã sơ tán 59.304 người khỏi thành phố này, song khoảng 130.000 thường dân vẫn là con tin bị lực lượng Ukraine giữ chân.
Kể từ khi chiến dịch bắt đầu, hơn 330.000 người đã được sơ tán khỏi Ukraine theo các hành lang nhân đạo.
Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ được AP dẫn lời cho biết Nga vẫn chưa đạt được nhiều tiến bộ rõ ràng ở phần lớn Ukraine, nhưng đã bắt đầu pháo kích vào các vùng ngoại ô của Odessa, thành phố lớn thứ ba của Ukraine và cũng là một trung tâm vận tải và hải quân lớn.
Theo quan chức này, chưa rõ các mục tiêu của Nga, song giới chức phương Tây từ lâu vẫn lo ngại về một cuộc tấn công của bộ binh vào thành phố ven biển này.
Nghiêm túc tìm lối thoát
AP dẫn lời cố vấn Tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak bác bỏ tuyên bố của Nga rằng Ukraine sẵn sàng áp dụng mô hình trung lập tương tự với Thụy Điển hoặc Áo.
Ông Podolyak cho biết, Ukraine cần các đồng minh hùng mạnh và “các đảm bảo an ninh được xác định rõ ràng” để giữ an toàn.
Theo tin từ Aljazeera, Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng Nga và Ukraine đã đạt được tiến bộ trong các cuộc đàm phán và hai bên đã "gần đạt được một thỏa thuận". Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu trao đổi với báo giới: “Tất nhiên, không phải là điều dễ dàng khi đối mặt với tình thế hiện nay nhưng chúng tôi muốn nói rằng động lực đàm phán vẫn tiếp diễn”.
Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực trong vai trò trung gian để giúp đạt được hòa bình. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố nước này sẵn sàng tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tuần trước, Kiev và Moscow đều tuyên bố đã có một số tiến bộ hướng tới việc nhất trí một công thức chính trị đảm bảo an ninh của Ukraine, đồng thời giữ nước này bên ngoài NATO (một yêu cầu quan trọng của Nga).
Sau cuộc đàm phán ngày 15/3, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, hai bên đang nghiêm túc thảo luận về tình trạng trung lập đối với Ukraine trong khi Tổng thống Zelensky nói rằng yêu cầu của Nga về việc chấm dứt chiến tranh dần trở nên thực tế hơn.
Những hy vọng về các tiến bộ ngoại giao để chấm dứt chiến sự tại Ukraine đã le lói sau khi nhà lãnh đạo nước này thừa nhận rằng Ukraine khó có thể thực hiện mục tiêu gia nhập NATO, điều mà Tổng thống Putin từ lâu xem là mối đe dọa đối với Nga.
Ngoại trưởng Nga Lavrov đã hoan nghênh phát biểu của Tổng thống Zelensky và cho biết tinh thần “thực tế và cụ thể” bắt đầu xuất hiện trong các cuộc đàm phán “mang lại hy vọng rằng hai bên có thể đi đến đồng thuận”.
Ông Lavrov phát biểu trên truyền hình của Nga gần đây: “Trạng thái trung lập là vấn đề đang được thảo luận nghiêm túc cùng với việc đảm bảo an ninh… có những công thức cụ thể mà theo quan điểm của tôi là đã gần tới chỗ đạt được đồng thuận”.
Trưởng đoàn đàm phán của Nga Vladimir Medinsky cho biết các bên đang thảo luận về một giải pháp khả thi cho Ukraine với quân đội có quy mô nhỏ hơn và không liên kết.
Tận dụng "bất kỳ cơ hội nào"
Tuy nhiên, AP nhìn nhận rằng triển vọng về một bước đột phá ngoại giao là chưa chắc chắn do vẫn còn bất đồng lớn về việc Ukraine yêu cầu các lực lượng Nga rút lui hoàn toàn và hoài nghi về mục đích của Nga khi thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine.
Trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên hãng tin CNN mới đây, Tổng thống Zelensy nhắc lại rằng ông đã sẵn sàng cho các cuộc đàm phán với Tổng thống Nga Putin và cuộc chiến sẽ không kết thúc nếu không có các cuộc đàm phán này.
Ông tuyên bố: “Tôi nghĩ rằng chúng ta phải sử dụng bất kỳ hình thức nào, bất kỳ cơ hội nào để có thể đàm phán, khả năng trao đổi trực tiếp với Tổng thống Putin… Nhưng nếu những nỗ lực này thất bại, điều đó có nghĩa đây là một cuộc Chiến tranh thế giới thứ ba”.
Tối 20/3, Tổng thống Zelensky đã có bài phát biểu trực tuyến trước Quốc hội Israel đề nghị Israel cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt cho Ukraine.
Bài phát biểu của Tổng thống Zelensky có đoạn: “Mọi người đều biết rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel là tốt nhất… và rằng Israel chắc chắn có thể giúp đỡ người dân của chúng tôi, cứu cuộc sống của người Ukraine”.
Tuy nhiên, Israel đã từ chối lời đề nghị cung cấp vũ khí cho Ukraine hoặc áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, nước này đã triển khai tên lửa hành trình phóng từ các tàu chiến ở Biển Đen và Biển Caspi, cũng như tên lửa siêu thanh từ không phận Crimea. Tên lửa siêu thanh di chuyển nhanh hơn 5 lần tốc độ âm thanh và khả năng cơ động cũng như tầm cao là yếu tố khiến vũ khí này khó bị theo dõi cũng như đánh chặn.
| Tổng thống Ukraine gia hạn thiết quân luật, chất vấn Israel vì sao không hỗ trợ vũ khí và phản ứng với Nga Ngày 20/3, theo trang web của Verkhovna Rada (Quốc hội) Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky cùng ngày đã ký dự luật gia hạn thiết quân ... |
| Xung đột Nga-Ukraine: Thế khó trên bàn đàm phán Xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra là thất bại của những hoạt động ngoại giao trước đó. Tuy nhiên, điều đó không đồng ... |